Phố cổ, “vỏ” và “ruột”

H.X.H 28/11/2019 11:15

Vừa có thêm bài viết đăng tải trên báo, lo ngại tình trạng “biến dạng nhà cổ” ở Hội An. Nói là “có thêm”, vì những cảnh báo kiểu này xuất hiện từ trước cả khi đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Mà với danh hiệu di sản thế giới này, Hội An đã có trong tay đã chẵn 20 năm.

Là người địa phương, lại từng công tác trong ngành bảo tồn di tích (nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Quảng Nam), ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An - không “đếm” số lần cảnh báo nhà cổ biến dạng. Địa phương và ngành chức năng cũng không có chuyện lâu lâu lại... cảnh báo, mà vấn đề được xới lên thường phụ thuộc vào mức độ quan tâm của báo chí. Với TP.Hội An, theo ông Ánh, bảo tồn phố cổ đã là nhiệm vụ thường trực và trở thành chủ trương xuyên suốt. Hằng năm, địa phương đều có tổng kết. Hội nghị cộng tác viên cũng khen chê rõ ràng, nếu phát hiện tình trạng thay đổi kiến trúc là kịp chấn chỉnh.

Đô thị cổ Hội An đang là điểm đến đặc biệt, nửa năm 2019 đã đón 3 triệu lượt khách. Đương nhiên, sức hấp dẫn này sẽ kích hoạt lĩnh vực kinh doanh. Và trong nhịp sống đương đại, người kinh doanh ở phố cổ luôn có nhu cầu cơi nới, cải tạo kiến trúc. Không chỉ lo, mà điều đó đã trở thành áp lực, vì nếu chính quyền không quản lý chặt, người ta sẽ lập tức chỉnh trang nhà cổ theo ý muốn… Theo số liệu thống kê, ở khu vực I phố cổ hiện có đến 780 di tích được chủ hộ tự kinh doanh hoặc cho thuê để buôn bán; chưa kể có đến 114 di tích nhà cổ đã được chủ nhà chuyển nhượng, bán cho người khác tính từ năm 2000 đến nay. Tỉ lệ chủ cơ sở kinh doanh không phải dân gốc Hội An cũng suýt soát 1/3.

Đã có “gợi ý”: Liệu địa phương đủ sức… mua lại những ngôi nhà cổ trong khu phố cổ? Khoan nói về khoản tiền có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng, chỉ bình luận về “ý tưởng” này thôi, ông Trần Ánh đã cho là bất khả thi và vô lý. Bởi đô thị cổ Hội An có đến 82% nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân, đương nhiên chính cộng đồng đã tạo ra di sản, sở hữu di sản và có trách nhiệm bảo tồn di sản. Tất nhiên, vai trò quản lý và tìm giải pháp của chính quyền TP.Hội An luôn được đặt ra, một cách thường trực.

Mới thấy, nỗi lo biến dạng nhà cổ ở Hội An chỉ là một khía cạnh, chỉ là phần “vỏ”. Còn một phần khác thâm sâu hơn, làm nên hồn cốt đô thị, giúp bảo lưu tính hấp dẫn của xứ sở nhân tình thuần hậu… cũng rất đáng quan tâm, tôi tạm gọi là phần “ruột”. Ruột thì đã thấy ít nhiều chuyển biến gần đây, với đề án “Hội An – nhân tình thuần hậu”. Hy vọng phần vỏ vẫn tiếp tục được giám sát chặt, không ngơi nghỉ. Nếu không, phố cổ sẽ thay đổi. Và từ “thay đổi”, di tích sẽ “biến dạng”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố cổ, “vỏ” và “ruột”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO