Tôi sống xa quê nhà đến nay đúng 50 năm. Năm mươi năm, thời gian đủ để biến một thanh niên trở thành một ông già bạc tóc; đôi khi mơ màng hoài niệm về những hình ảnh thân yêu của quê nhà thời trai trẻ, có lúc lại hào hứng trước những đổi thay của quê nhà trong những lần trở về.
Tháng 6.1962, lần đầu tiên tôi mới được lên trạm Nam Phước - nơi ngày xưa các vua triều Nguyễn đặt một “trạm” đổi ngựa cho những người công sai chuyển công văn, sau trạm Nam Ô. Nam Phước trên đất Duy Xuyên của tôi ngày đó chỉ là một phố chợ nghèo, chỉ có một tiệm cà phê ngay ngã ba đường là khang trang nhất; nhà cửa còn lại lợp ngói thấp lè tè, vài căn lợp tôn. Đi ra khỏi Nam Phước, cả bốn hướng còn lại căn bản là nhà tranh. Trừ quốc lộ được tráng nhựa, hai ngả lên hướng tây hay xuống hướng đông Duy Xuyên mới chỉ rải đá.
Những năm sau giải phóng, Nam Phước có đổi thay nhưng tốc độ hơi chậm. Muốn biết một địa phương phát triển đến đâu, bạn hãy nhìn vào khu phố chợ chính của nơi đó. Khu phố chợ Nam Phước (cũ) - nơi bà con tập trung buôn bán, có 300 hộ tiểu thương. Họ chen chúc nhau, kéo thêm những dù bạt ra hướng quốc lộ để che nắng mưa; nước không có đường thoát. Tôi thường ghé vào đó mua hương, hoa, trái cây để đi viếng mộ cha và các anh; mỗi lần như vậy không khỏi buồn và tủi thân bởi phố chợ quê nhà mình còn nhếch nhác quá.
Thế nhưng, năm 2014 thì lại khác. Những vạt ruộng hướng bắc của phố chợ (cũ) đã được bà con nhường lại theo sự kêu gọi của chính quyền nhằm xây dựng lên một phố chợ mới. Cuộc đổi thay nào cũng có những thắc mắc, hoài nghi; nhất là đổi thay từ đất sản xuất nông nghiệp lên đất thương nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. Thế nhưng sau cùng, lòng người đã thuận; một phố chợ mới đã hình thành với khu chợ nhà lồng khang trang có 800 hộ tiểu thương tham gia buôn bán, những con đường thẳng và rộng với nhiều căn hộ lên tầng mới mẻ. Tôi mừng khi nhìn thấy một phố chợ Nam Phước mới tươi đẹp, văn minh. Tất nhiên, đó chỉ là một sự hóa thân ban đầu.
Tuyệt vời nhất, loài cây giáng hương - một loại cây mà ta gọi theo tên dân dã là sưa hoặc hương vườn bản địa Quảng Nam, đã được đưa về đây trồng. Mùa xuân năm 2015, những chùm hoa giáng hương đầu tiên vàng rực rỡ xuất hiện trong màu nắng mới. Ở tả ngạn dòng sông Tam Kỳ cũng có một đường trồng toàn giáng hương, mùa xuân nào sắc hoa cũng vàng óng ả bên sông. Nay thì Nam Phước đã hình thành hẳn một khu phố giáng hương, ra hoa trong mùa xuân mới. Tôi vốn yêu hoa giáng hương, yêu cái màu vàng đậm rực rỡ và lãng mạn của nó. Tôi gọi phố chợ Nam Phước mới bằng cái tên “phố giáng hương”.
Tôi ghé vào một ki ốt bán hoa Đà Lạt, mua một bó cẩm chướng lớn, một thẻ hương và ít trái cây cúng mộ cha và anh. Người chủ hàng nhìn ra tôi. “Ông mới về hả? Ông thấy Nam Phước mình chừ ra răng?”. “Đẹp lắm, văn minh lắm. Anh chị buôn bán có được không?”. “Được lắm ông à. Ngày mô, hoa mới ở Đà Lạt cũng được xe hàng đưa về đây. Bà con mình chừ chơi hoa Đà Lạt nhiều lắm, giá nó cũng rẻ”.
Đất quê tôi là đất cát, độ màu mỡ ít nên bà con thường chỉ trồng được hoa vạn thọ, hoa cúc. Nay thì giữa phố chợ Nam Phước này đã có hoa hồng cathérine, hồng brigitte, glaieuil, cúc đại đóa, cẩm chướng từ Đà Lạt về. Người Duy Xuyên đã yêu thích các loài hoa đó, mua chúng để tặng, để chưng trong những ngày vui, những dịp lễ tết, cúng giỗ. Nếu cha tôi có linh thiêng thì ắt hẳn ông cũng sẽ rất ngạc nhiên khi thấy trên mộ mình những bông cẩm chướng Đà Lạt tươi rói trong ánh bình minh.
“Phố giáng hương tôi về/ Mùa xuân rực rỡ bao cành hoa giáng hương/ Phố giáng hương tôi về/ Tình quê tha thiết những vòng tay thủy chung/ Bước chân qua đường phố mới/ Tai lắng nghe bao tiếng cười/ Thầm mơ có em quay về/ Cùng tôi thăm phố giáng hương” – tôi đã khởi đầu một ca khúc mới như vậy khi bắt gặp những đổi thay trên quê nhà.
Đô thị hóa gắn với hành trình phát triển, tạo ra nét văn hóa mới, một nhận thức mới về cuộc sống và lối sống. Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Tiên Phước, Đông Giang, Điện Bàn, Đại Lộc… đã có nhiều khu đô thị hóa. Vấn đề là chúng ta làm sao vẫn bảo đảm được đời sống của bà con nông dân ở những vùng đất nông nghiệp được quy hoạch và tạo điều kiện cho bà con được hưởng lợi hợp lý từ việc đô thị hóa. Huyện Duy Xuyên đang tạo ra được những điều đó. Trong tương lai, phần diện tích đối diện với phố giáng hương sẽ được lên một khu phố mới; phần đất sau lưng phố giáng hương sẽ là một khu phức hợp những công trình văn hóa và thể thao. Nhân dân Duy Xuyên sẽ là những người được hưởng phúc lợi từ những quy hoạch đó.
“Phố giáng hương tôi về/ Ngàn thu mắt biếc em đang ở đâu/ Lá vẫn xanh bên đời/ Mùa xuân vẫn hát vang trên ngàn dâu” – ca khúc của tôi kết thúc như vậy. Lần đầu tiên, tôi viết nhạc pop. Có yêu cuộc đời thì mới viết lên thành âm nhạc. Mà một thứ âm nhạc không gắn liền với những đổi thay của quê nhà thì cũng đáng buồn cho người nhạc sĩ không biết “đồng ưu cộng lạc” với miền đất mà mình đã sinh ra.
MẠC ĐẠI