Nếu nói rằng phố giờ đây cũng “chuyển đổi số”, cũng muốn gỡ bỏ hết mọi giới hạn để ngày càng rộng lớn hơn, liệu bạn có tin không?
“Lấp” khoảng trống
“Anh chị em xóm (…) thân thương quý mến! Gia đình Tắc Kè chuyển đến nơi ở mới. Xin cảm ơn quý anh chị trong thời gian qua tình nghĩa làng xóm đã chia sẻ vui buồn. Kính chúc quý anh chị em cùng các cháu mạnh khỏe. Có gì vui nhớ alo cho Tắc Kè với nhé!”. Nhiều người trong khu phố ở phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) nhận được tin nhắn liền phản hồi “chúc gia đình Tắc Kè về xóm mới không quên xóm cũ nhé”, hoặc thả tim, thả like.
Đã có một gia đình vừa rời khỏi khu phố, dọn đến chỗ ở mới. Mấy dòng tin nhắn trên group (nhóm) Zalo chung của khu phố cũng phần nào gói ghém được những gì cần nói, lại rất tiện lợi. Hơn 5 năm trước, tôi dọn nhà rời khỏi khu phố này nhưng không kịp để lại những dòng chia tay lưu luyến như thế. Đơn giản vì hồi ấy chưa có group nào được lập trên mạng xã hội.
Giờ thì group của khu phố cũ quá sôi động. Nào thông báo tin buồn và hẹn ngày đi viếng tang ai đó. Đến ngày 20/11, lại thấy dòng tin nhắn “chúc các nhà giáo của xóm mình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và mỗi ngày đến trường là một ngày vui!”. Thấy có tin nhắc chuyện chó thả rong ị dọc đường, tin thăm dò ý kiến mở rộng quy mô tất niên…
Khu phố mới mà tôi chuyển ra (ở Đà Nẵng) giờ cũng chộn rộn không kém. Thông báo mời họp, nhắc công dân chưa cài đặt định danh điện tử mức 2, lập danh sách khen thưởng học sinh giỏi, ra quân khơi thông cửa thu nước trên các tuyến đường, báo tin chó nhà ai đang đi lạc, cảnh báo nạn trộm cắp, cuối đường có đống xà bần, ai đó đốt rác gây độc hại, nghi ngờ có người ở khu nhà trọ vừa bẻ trộm mía… Nhiều nhất vẫn là tin nhắn chúc mừng sinh nhật. Cứ thế, những phản hồi qua lại không khác gì cuộc họp online (trực tuyến), khỏi phải tụ tập tại nhà văn hóa khối phố để họp offline (ngoại tuyến).
Ngay cả chuyện thu tiền để tổ chức chương trình nào đó, chỉ cần thông báo công khai và gửi tài khoản người thu tiền lên group chung, là xong. Ông tổ trưởng chẳng cần phải quần áo chỉnh tề đến gõ cửa nhấn chuông từng nhà, mà có đến cũng chưa chắc đã gặp.
Vừa về thăm quê ở thôn Việt Yên, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), một cán bộ quân đội về hưu ở cùng khu phố mới của tôi tại Đà Nẵng cứ so sánh mãi về cách thức “họp” online ở phố và offline ở quê. Ông bảo, ở thôn cũ Việt Yên, các hộ dân cũng lập group Zalo nhưng ít thông báo, theo ông vì “mấy khi người ta xem”. Chỉ có hệ thống loa truyền thanh phát huy tác dụng, mỗi khi có chuyện cần kíp, phát vào những khung giờ cố định.
Và dù ông vẫn thích sinh hoạt kiểu ngoài quê, sôi nổi và gần gũi sau mỗi lần phát loa, nhưng không thể phủ nhận tính hiệu quả của kiểu sinh hoạt online ở phố. Bởi trên group ấy, bỏ qua những chuyện hỉ nộ ái ố như đã liệt kê, thi thoảng có những nội dụng mang tính kết nối rất hữu ích kiểu như thông báo về phiên chợ việc làm do UBND phường tổ chức. Tôi biết đã có một số người đọc tin nhắn, tham gia phiên chợ và tìm được việc làm sau thời gian dài thất nghiệp vì vướng dịch COVID-19.
Vậy liệu bạn đã tin nhịp sống ở phố đang “chuyển đổi số” đến từng ngõ ngách? Những khoảng trống do thiếu cơ hội giao tiếp, gặp gỡ… giờ được chính cư dân đô thị “lấp” bằng không gian mạng.
Xa mặt, không cách lòng
Ở phố, hàng xóm ít khi chạm mặt nhau, nhưng có thể họ tương tác thường xuyên trên không gian mạng. Không cần đến nhà chuyện trò, chỉ lang thang vào “nhà” của ai đó sau khi kết bạn trên tài khoản mạng xã hội là họ ít nhiều hình dung về gia đình, công việc... của người hàng xóm. Nhưng kể cả khi những khoảng trống đang dần được san lấp trong thời đại 4.0 thì giới hạn của phố vẫn còn, nếu ngoài đời thực không có những thay đổi mạnh mẽ.
Một ngày cuối tháng 11/2023, có bức tường ngăn 2 kiệt ở đường Đống Đa, phường Thạch Thang (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) được đập bỏ đã gây xúc động cho nhiều cư dân đô thị. Bức tường nhỏ ấy có gì mà “khó” dỡ bỏ đến thế?
Từ trước năm 1975, bức tường này được xây lên để tách biệt nhóm hộ dân ở kiệt 225 với khu vực còn lại (tức kiệt 211 bây giờ). Dần dà, kiệt 225 đã hình thành khu phố mới, 14 hộ dân xây nhà hai bên lối đi chừng 50 mét. Nhưng con đường 50 mét đó với họ là sân chung, yên bình, dù bị “tắc” ở cuối đường (bởi bức tường).
Các hộ ở cuối kiệt sẽ hưởng lợi nếu dỡ bức tường, vì có được 2 mặt tiền, nhưng họ cũng không muốn vì sợ mất đi sự bình yên chung vốn có. Ngược lại, cũng theo thời gian, số hộ sân ở kiệt 211 đông hơn, nhưng để thông ra đường chính thì họ phải đi vòng cả cây số. Đã có vài người ở đó đau ốm nhưng không cấp cứu kịp, vì khiêng cáng đi lòng vòng...
Gần nửa thế kỷ nay, bên kiệt 211 muốn dỡ, bên kiệt 225 muốn giữ, trải 4 đời chủ tịch phường vẫn chưa xử lý ổn thỏa. Chung 1 tổ, nhưng 2 kiệt chia thành 2 xóm, tổ trưởng ở xóm này tổ phó ở xóm kia. Mãi rồi, có một cán bộ quận được giao nhiệm vụ vận động.
Qua phân tích chuyện lợi hại về sinh hoạt như cấp cứu, chữa cháy, có lý có tình, cuối cùng vị cán bộ quận cũng đã “lay chuyển” được người dân ở 2 kiệt. Buổi sáng đập bỏ bức tường, chính các hộ dân giăng một tấm băng rôn lớn in dòng chữ: “Hoan hô quyết định của UBND quận, UBND phường về việc mở thông kiệt 225 kết nối kiệt 211”.
Khác với quê, phố luôn là “phố góp”, nơi những hộ dân xa lạ lần lượt đến mua đất làm nhà, lâu dần thành khu dân cư. Nếu có khác biệt về mặt xã hội học như các chuyên gia đã định nghĩa về đô thị, cũng là điều không tránh khỏi. Nhưng để cho phố “góp” mà vẫn không phải chia cắt nhỏ lẻ, cả ngoài đời thực lẫn trên không gian ảo, là cả một hành trình dài cần nhiều công sức lẫn tấm lòng.
Tự dưng tôi nhớ bức ảnh xúm xít che dù để cúng tất niên ở khu phố cũ Tam Kỳ. Giá mà ngày ấy khu phố cũ đã có group Zalo, tôi hẳn sẽ đăng bức ảnh ấy lên để nhờ bức ảnh nói thay tôi về tình làng nghĩa xóm trước khi rời đi. Như cách mà gia đình Tắc Kè vừa dọn nhà và viết mấy dòng chia tay da diết…