Khái niệm “kinh tế đêm” dường như chưa thể lan tới những điểm đến nổi tiếng như đô thị cổ Hội An, điều có vẻ khác biệt so với phố cổ Hà Nội và kể cả đô thị gần đó - Đà Nẵng.
1. Nhiều năm trước, tôi có dịp dạo đêm phố cổ và viết phóng sự “Hội An by night” trên Báo Quảng Nam. Tất cả chỉ để giải tỏa nghi vấn lúc đó: Vì sao Hội An lại “khống chế” thời gian thức khuya của du khách, nhất là du khách phương Tây, bất chấp những quy luật vận hành của một điểm đến du lịch?
Nhưng rồi tiếp tục đến thăm phố cổ, tản bộ ngang qua các con hẻm, tôi nhận thấy phố đã rất may mắn để… không phải rơi tõm vào dòng xoáy của âm thanh lẫn ánh sáng. Bây giờ, chính quyền TP.Hội An vẫn duy trì các chốt kiểm soát phố đi bộ để tạo không gian tĩnh lặng và an toàn cho khách bộ hành. Thời điểm “tháo chốt”, 22 giờ vào mùa hè và 21 giờ 30 vào mùa đông, xe cộ không lưu thông nhiều nữa, xem như phố cũng yên tĩnh. Một cán bộ quản lý cho hay du khách ngồi ở các quán bar thường cũng không quá 22 giờ đêm, một số khu vực tự động giảm tiếng ồn kể từ 23 giờ đêm, đương nhiên 24 giờ thì tắt hẳn.
Tạo không gian, chứ không phải bất chấp thời gian.
Sau không biết bao nhiêu lần lang thang trên các ngả đường phố Hội, cho đến một đêm đầu tháng 12 vừa rồi, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những quầng sáng ánh điện dần vụt tắt trên phố. Lần ấy, thời điểm đội tuyển U22 Việt Nam thi đấu bán kết và thắng U22 Campuchia. Ngồi trên tầng 2 ở một quán bar phía bờ nam sông Hoài, nhìn sang phố cổ ở bờ bắc thi thoảng thấy vệt đèn pha loáng loáng kèm tiếng nẹt pô ầm ĩ của một nhóm thanh niên hứng khởi đi “bão” mừng tuyển Việt Nam vào chung kết, nhưng chỉ xẹt qua rồi thôi. Phố nhanh chóng chìm sâu vào bóng đêm.
Khi tôi cuốc bộ sang phía đường Trần Phú, Bạch Đằng…, nhiều lần ngồi nghỉ mệt bên thềm nhà đang đóng kín cửa, nhìn về cuối đường thấy phố chưa bao giờ tĩnh lặng hơn. Vài du khách Tây chậm rãi tản bộ rời khỏi phố dưới ánh sáng của các dãy đèn bắc ngang phố và điện hắt ra từ gian hàng lưu niệm. Từ viền sáng của vòm cửa và mái ngói “bắt” ánh điện, điểm xuyết đèn lồng sáng xanh, đêm ấy vầng trăng 12 như treo giữa trời đêm, phố đẹp như tranh tĩnh vật.
2. Phố cổ Hội An có nhiều lý do để không dung nạp tiếng ồn. Điều này khác biệt với đô thị mới Đà Nẵng, nơi đang thí điểm mạnh mẽ để phố xá không ngủ. “Kinh tế đêm” là khái niệm gần đây được dùng nhiều. Với Đà Nẵng, kỳ họp phiên cuối năm HĐND thành phố cũng nghe đại diện ngành du lịch và chính quyền hé lộ ý định thí điểm dịch vụ du lịch khu phố An Thượng, thí điểm chợ đêm 24/7, rồi phố đêm Bạch Đằng…
Tương lai không xa Đà Nẵng sẽ có bãi biển “không ngủ” ven tuyến đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Nguyễn Tất Thành. Thành phố biển đang mở rộng khuyến khích dịch vụ tại các khu vực này: khu phố hải sản tại đường Nguyễn Văn Thoại; cụm dịch vụ nhà hàng, quán bar, cà phê… ven sông phía đông đường 2.9 (đoạn từ Công viên APEC đến cầu Trần Thị Lý); dịch vụ vui chơi giải trí các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo… Khu vực “thức” trễ nhất sẽ thử nghiệm kéo dài đến 2 giờ sáng
Nhưng đó là chuyện của Đà Nẵng. Hơn nửa thế kỷ trước, có nhà văn từ phương Nam ra miền Trung rong chơi đã so sánh: Đà Nẵng phát triển nhanh chóng trong vận hội mới, còn Hội An càng ngày càng… lùi về quá khứ. Ông hình dung, phố cổ như một cụ già bắt đầu lẩm cẩm, thui thủi một mình, ngày ngày lơ mơ nghiền ngẫm kỷ niệm cũ và kiểm điểm các kỷ vật xưa. Một nhà văn khác từ Bắc vào cũng bảo, cả phố cổ Hội An như một viện bảo tàng.
Thực ra, những so sánh ấy chỉ đúng với vùng lõi Di sản văn hóa thế giới. Tất cả như đang trả lại cho không gian phố cổ một chiều kích khác, tĩnh hơn, đăm chiêu hơn. Còn rộng ra vùng ven, địa phương đang cố gắng “chiều chuộng” khách bằng những dịch vụ và với múi giờ được co giãn, linh hoạt.
3. Dịp Giáng sinh cách đây 5 năm, tôi thức khuya ở phố cổ Hà Nội. Vị bia đắng và lạnh, cảnh tượng đông đúc ồn ào, chỗ ngồi chật hẹp trên phố Tạ Hiện… như vẫn còn vương vất, hiển hiện.
Bởi phố cổ thức khuya đã là một phần trong “danh mục” khám phá Hà Nội mà du khách, nhất là du khách nước ngoài, muốn có. Hãy xem các dòng thông tin giới thiệu sơ lược. Nếu ngõ chợ Đồng Xuân được biết đến là “nơi tụ tập quen thuộc của các bạn sinh viên trẻ”, hay Hàng Buồm có bún chả, phố Đinh Liệt có ốc luộc… thì phố Tạ Hiện có bia. Chi tiết hơn nữa, Tạ Hiện được du khách mặc định là phố nổi tiếng về ẩm thực ban đêm. Con phố bé nhỏ ấy “lúc nào cũng đông nghịt người”, thậm chí còn được mệnh danh là “ngã tư quốc tế” và được đưa vào danh sách “những nơi phải đến” cho du khách nước ngoài khi tới Hà Nội…
Nhắc lại chút cảm xúc ấy, để nhận ra, phố cổ Hội An chưa đến nỗi ồn ào và “lúc nào cũng đông nghịt người” vào ban đêm. Không những vậy, phố Hội cứ tiếp tục là một ông già để nghiền ngẫm kỷ niệm. Vì tôi biết, bao lâu nay phố Hội đã “bán” món hàng tĩnh lặng cho khách, và bán rất đắt.
Đâu phải ai, lúc nào, ở đâu cũng muốn thức thật khuya…