Lòng tôi đã thanh tân lại tựa đóa phù dung dậy sắc trong một sáng tháng Mười ở Đà Lạt, khi hạnh ngộ khoảnh khắc sương giăng và hoa khoe khắp lối…
Trước Nhà sáng tác Đà Lạt có một mảng tường rêu thật đẹp, đó là một khoảng lưng chừng mà dường như con dốc nào Đà Lạt cũng có thể dẫn tới. Buổi sáng hôm ấy, trời ấm hơn tôi tưởng.
Khác với những lần “bước xuống” Đà Lạt giữa màn sương ào ạt trong cái lạnh đột ngột như muốn cứng cả khung xương, buổi sáng hôm ấy trời chỉ vừa se lạnh. Cảm giác bất ngờ đó khiến tôi cứ ngỡ mình hẳn là đi chưa tới, ngơ ngác đợi chờ một xứ sở nào bỗng chốc hiện ra.
Tới Đà Lạt lần này với tôi thật khác hơn mọi lần. Với ước mong có đủ thời gian để “làm tươi” lại mình sau khoảng nghỉ dài với văn chương, mang theo ba cuốn sách, tôi tin đời mình sẽ có những trang hồi ức đẹp khi thao thức cùng tiền nhân giữa chốn mù sương. Nơi này tôi chỉ có một, không phải tất tả với những bữa sáng vội vàng, không vướng bận lo toan “hôm nay ăn gì”, không nghe những tiếng chao chát quen nơi công sở…
Cuốn “Trần Thủ Độ” vì âm thầm mến mộ nhà văn - dược sĩ Trần Thanh Cảnh, mua hôm trước mới đọc mấy trang đầu, cuốn “Nữ sĩ thời gió bụi” mang theo với dự định thử sức trong đợt review sách cho NXB Phụ Nữ và cuốn thơ Nguyễn Bắc Sơn, đọc nhiều lần, nhưng vẫn muốn đọc lại, vì tôi muốn tìm thêm “một cái gì ở đó” - nơi trĩu nặng thân phận một con người đầy ắp nỗi niềm qua tao loạn của thời gian.
Cũng như nhiều nơi trên Đà Lạt, nơi tôi ở không thiếu các loài hoa đẹp nhưng mảng tường rêu triền theo con dốc phía trước vẫn thu hút tôi mãnh liệt. Tôi lớn lên ở vùng Lộc Yên (Tiên Phước) nơi có những ngôi nhà cổ như cổ hơn bởi những ngõ đá được phủ đầy rêu quanh năm suốt tháng.
Rêu sống trong đá, lớn lên từ đá, âm thầm qua bao tháng bao năm dệt nên vẻ thần tiên cho xứ sở quê hương. Tường rêu chỗ tôi thường tần ngần nơi phố núi ngàn hoa này không phủ đầy mà mọc dọc ngang như một dạng bản đồ có can thiệp của tự nhiên và cả của con người.
Và trên rêu đó, trong những khe hở bất ngờ, hoa cúc dại li ti vàng, hoa bồ công anh nhẹ như tơ đang chực bay tứ tán. Những mến thương Đà Lạt như dồn cả vào đây, giản dị và vô ngôn, bỏ mặc tôi từng thất vọng với một Đà Lạt quá ồn ào và náo nhiệt vừa chia tay tháng trước.
Bất luận những đổi thay chóng mặt của Đà Lạt, ven đường hoa vẫn cứ mọc, bao nhiêu hạt giống cứ kiên nhẫn sẵn đợi con người nhường lại chút mẩu đất thừa. Tôi những muốn tin rằng, trong cuộc thoại thì thầm giữa lữ khách và phận hoa bên lề, chúng tôi đã tưởng tiếc trong nhau một Đà Lạt im hơi lặng lẽ.
Con người đang can thiệp thô bạo vào tự nhiên để sinh tồn, khai thác quá mức nhu cầu cần có: những rừng thông lâu năm bị xâm lấn không thương tiếc để làm farm, homestay, resort, chợ đêm chen kín xô bồ khách thập phương, ngay cả món bánh căn dân dã nhất xứ này cũng như mất đi nét từ tốn của bữa điểm tâm.
Đà Lạt nóng lên từng ngày, mùi nhân sinh đã lấn át mùi cỏ cây vốn được thiên nhiên hưỡn đãi mấy ngàn năm… Chúng tôi đã an ủi nhau, thương mến nhau và cứ thế hẹn sẽ còn chờ vỗ về nhau trong những lần gặp lại.
Đó là buổi sáng sau cùng ở Đà Lạt khi tôi tới thác Prenn trong tờ mờ hơi sớm. Thất vọng bởi những xanh đỏ nửa vời tựa “Nhớ rừng” của Thế Lữ, tôi quay trở về trong bâng khuâng như ý thơ vừa xuất hiện: Trừ những bông cúc dại ven đường/ Đà Lạt và tôi còn lại trong nhau rất ít. Qua đèo Mimosa, bất chợt thần tiên hiện ra một hàng phù dung tràn ngập hoa đang nở. Phù dung như diện liễu như mi, sắc phù dung xứ lạnh thêm nồng trong cuộc đi không chờ mà đến khiến lòng tôi có những hứng khởi riêng sâu sắc. Ở xứ sở ngàn hoa ngàn thông, dù bị sương săn hay vẫn đói buổi “săn sương”, dù nhiều lần ít lần tới cao nguyên rộng mở thì có lẽ, đời tôi đã có cuộc dài đắm mình thăm thẳm cùng Đà Lạt.