Phố nghề ở Vinpearl Land Nam Hội An

CHÂU NỮ 30/04/2018 14:56

(QNO) – Phố nghề ở Vinpearl Land Nam Hội An có thể được xem là “khoảng lặng” yên ả trong không gian mênh mông với nhiều khu vực, hoạt động và trò chơi sôi động, hiện đại ở nơi đây…

Nghệ nhân xứ Quảng giới thiệu biểu diễn nghề dệt vải. Ảnh: C.N
Nghệ nhân xứ Quảng giới thiệu biểu diễn nghề dệt vải. Ảnh: C.N

Mười hai làng nghề truyền thống ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam được tái hiện và trưng bày ở phố nghề trong khuôn viên Vinpearl Land Nam Hội An. Nhiều du khách chọn phố nghề làm điểm dừng chân nghỉ ngơi sau khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ở các khu vực khác trong khu du lịch hiện đại vừa đi vào hoạt động này.

Đến đây, du khách không chỉ được trải nghiệm làm “nghệ nhân” của các làng nghề truyền thống nổi tiếng trong cả nước, mà còn được trò chuyện với nghệ nhân của từng làng nghề để tìm hiểu về nghề.

Trong khi du khách các vùng miền khác thích thú tìm hiểu nghề ươm tơ dệt lụa của Quảng Nam, dệt Chăm hay nghề gốm Thanh Hà (Hội An) thì du khách Quảng Nam lại thích trải nghiệm làm giấy dó, tranh trúc chỉ, vẽ sáp ong, dệt vải lanh của người H’mông...

Nghệ nhân Đinh Công Lai vẽ gốm ở phố nghề. Ảnh: C.N
Nghệ nhân Đinh Công Lai vẽ gốm ở phố nghề. Ảnh: C.N

Đặc biệt là với các du khách trẻ, hầu như nghề nào, làng nghề truyền thống nào ở đây cũng lạ lẫm đối với họ. Thậm chí, ngay cả các vị khách trẻ sinh ra từ một vùng quê dâu tằm xứ Quảng cũng bất ngờ với nghề truyền thống nổi tiếng của cha ông mình. Sau khi cùng cả gia đình tham quan phố nghề, bà Nguyễn Thị Mai (xã Đại An, Đại Lộc) cho biết, bà thường kể cho con cháu nghe về nghề trồng dâu, nuôi tằm nhưng hôm nay, con cháu bà mới tận mắt nhìn thấy và biết được những công đoạn để có được tấm vải.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) chia sẻ, khi được “hóa thân” thành nghệ nhân làng gốm, chị mới hiểu rằng để một sản phẩm ra đời, dù đó là sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhỏ như những con tò he, thật không dễ dàng. “Từ công đoạn nhào đất đến khâu tạo dáng, đều làm bằng thủ công, mới biết nghệ nhân gốm tài hoa và vất vả như thế nào” – chị Lan Hương nói.

Tác giả (trái) trải nghiệm làm giấy dó. Ảnh: B.A
Tác giả (trái) trải nghiệm làm giấy dó. Ảnh: B.A

Vừa chăm chú vẽ hoa văn trên gốm, nghệ nhân Đinh Công Lai (62 tuổi, quê Biên Hòa, Đồng Nai, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) vừa say mê chia sẻ với du khách về kỹ thuật làm gốm Biên Hòa.

Trò chuyện với chúng tôi sau một ngày biểu diễn nghệ thuật làm gốm cho du khách, ông Đinh Công Lai ưu tư: “Nghề gốm rồi sẽ dần mai một, lớp trẻ bây giờ không mấy người thích làm cái nghề vọc đất này nữa. Nhưng cũng mừng là cậu con trai duy nhất của tôi cũng đam mê và theo nghề của cha”. Đến Quảng Nam lần này, ông Lai cho biết, chỉ mong muốn giới thiệu nghề gốm thủ công đến với mọi người, nhất là giới trẻ, những mong nghề được lưu truyền.

Nghệ nhân Lê Thị Tự (46 tuổi, làng Phong Khê, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vừa biểu diễn cách làm giấy dó thủ công, vừa vui vẻ nói về các công đoạn để làm ra một tờ giấy dó. Tranh dân gian Đông Hồ trên chất liệu giấy dó được nhiều người biết đến, nhưng khi tìm hiểu về các công đoạn để cho ra đời một tờ giấy dó thì du khách mới biết là quá kỳ công và phức tạp.

Nghệ nhân Lê Thị Tự (Bắc Ninh) giới thiệu nghề làm giấy dó với du khách. Ảnh: C.N
Nghệ nhân Lê Thị Tự (Bắc Ninh) giới thiệu nghề làm giấy dó với du khách. Ảnh: C.N

Nghệ nhân Lê Thị Tự cho biết, vì phức tạp như vậy nên chỉ có những ai yêu nghề, say mê với nghề, mới làm giấy dó thủ công, cũng là để lưu giữ hồn dân tộc. Cũng vì quá vất vả nên ngay ở Bắc Ninh hiện nay cũng chỉ còn vài gia đình làm giấy dó thủ công, số đông còn lại đều chuyển sang làm theo kiểu công nghiêp. Nghệ nhân 46 tuổi này đã có hơn 30 năm theo nghề, từ khi mới hơn 10 tuổi; gia đình cũng có đến 5 đời làm giấy dó, chị luôn sợ nghề này mai một nên được giới thiệu về nghề đến với du khách là niềm vui của chị.

Liên tục có khách đến tham quan phố nghề, điều đó cũng có nghĩa là các nghệ nhân phải liên tục biểu diễn, trò chuyện với khách về nghề nhưng dường như ai cũng tỏ ra vui vẻ. Nói như các nghệ nhân làng nghề, được giới thiệu nghề truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước, với họ không chỉ là công việc mà còn là niềm vui và tự hào!

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố nghề ở Vinpearl Land Nam Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO