Phố xanh

ĐÌNH QUÂN 25/08/2017 09:30

Có một thời Tp. Tam Kỳ loay hoay chưa biết xác định nên trồng cây gì để tạo cảnh quan đường phố bởi không dễ cho các nhà quy hoạch cây xanh đô thị. Có phải vì hấp lực của nhạc phẩm “Hoa sữa” của Hồng Đăng mà họ đắc ý khi “rinh” về thứ cây này trồng hai bên đường Huỳnh Thúc Kháng. Cây lớn lên đến mùa phả mùi hương nồng nực bất kể ngày đêm, khiến người dân không chịu nổi phải kiến nghị chặt bỏ gấp. Thế là uổng phí một thời gian dài đầu tư cây xanh! Đâu đã hết, họ còn đem về trồng những loại cây có lẽ “xa lạ” vì không hợp với thổ nhưỡng như sao đen, viết v.v.  nên một thời gian sau cây tự rụi hoặc có thoi thóp thì cũng còi cọc, gầy yếu thấy mà rầu lòng!

Cây xanh đường phố Tam Kỳ. Ảnh: Đ.Q
Cây xanh đường phố Tam Kỳ. Ảnh: Đ.Q

Khúc ruột miền Trung thường nắng nóng gay gắt, không chỉ những ngày hè mà cả lúc trời sang thu, nắng “tháng tám nám trái bưởi”. Vì vậy, người dân ở phố tự trồng cây trước nhà mình, giải quyết cấp thời như: bàng, trứng cá, sanh si, muồng… Những cây này lớn nhanh, mau cho bóng mát. Nhưng rồi công chăm sóc bỏ ra chỉ là công cốc, vì từ khi có chủ trương của thành phố đào đường cống thoát nước, chỉnh trang vỉa hè thì những cây xanh phải chặt bỏ ngổn ngang để trồng cây mới. Tôi đoan chắc không ai có thể biết những loại cây này sẽ có tuổi thọ là bao nhiêu.  Trong bài viết “Thầu đâu - giờ này em ở đâu?” số đầu tiên của Văn nghệ Tam Kỳ tôi có đưa ra một ý: Cây sưa trồng thích hợp nhất là những con đường dọc sông, hoặc nơi trũng thấp… cốt yếu chống sạt lở đất. Cây có bộ rễ rất khỏe nếu đem trồng những dãy phố trung tâm, đông đúc người xe qua lại thì bất lợi. Có phải vì chút “háo hức” là thành phố hoa sưa mà chúng ta cứ “giả lơ”, “không chịu lắng nghe” mà cứ cho trồng sưa càng dày, càng nhiều càng tốt? Sưa có bộ rễ khỏe dễ phá hỏng cống thoát nước nên chúng ta cần dè dặt khi trồng, nếu không, biết đâu lại phải chặt bỏ uổng phí…

Mấy năm trước nhân chuyện phiếm về trồng cây trong phố tôi đưa ra ý tưởng nên trồng cây rõi. Về thăm địa đạo Kỳ Anh, tôi tin chắc nếu có hướng dẫn viên thì họ sẽ dắt chúng ta đến xem cây rõi. Bóng rõi xanh ngát sừng sững riêng một góc trời, từng làm chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng tôi nghe nói có một dạo lính Việt Nam cộng hòa ra quyết tâm phải tiêu diệt cái cây rõi “chết tiệt” này. Vì “cây rõi cảnh giới” nên mọi động tĩnh của địch rõi như đều nghe-thấy-biết. Rõi là cây cao nhất vùng nên cách mạng thường cho người leo lên để làm nhiệm vụ quan sát, cảnh giới… Sau năm 1975  tôi được chú L. dẫn ra xem cây rõi, chỉ những chỗ thân rõi từng mang thương tích của đạn bom, còn tán cành thì trơ trụi. Nhưng rồi rõi làm cuộc hồi sinh mạnh mẽ vượt qua nắng mưa, bốn mùa tươi tốt, bóng cây giờ tỏa rộng cả một vùng… Năm trước tôi viếng chùa Phú Quang lễ Phật, thấy sân chùa hai cây có thế thẳng, thân sù sì, phiến lá dày, xanh mướt mát, hỏi sư trụ trì, mới hay nó chính là cây rõi. Tôi nghĩ, dành phương án trồng cây rõi cho một con đường phố nào đấy ở Tp.Tam Kỳ cũng rất hợp lý, tại sao không?

Rồi có buổi chiều nào đạp xen len qua các ngả đường trong phố bất chợt thấy chút hương sắc vàng sưa, tim tím bằng lăng, tím trắng thầu đâu, đỏ thắm phượng hồng hay mướt xanh tán rõi… trong vườn phố để mà thương nhớ Tam Kỳ như câu thơ ngân rung: Trong thành phố có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta/ Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật/ Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra… (Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ).

ĐÌNH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO