Phối hợp đẩy lùi hàng giả

CHIÊU THỤC ANH 22/04/2015 12:31

Lần đầu tiên một thương hiệu thời trang nước ngoài đã vào cuộc, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện một lượng lớn hàng bị làm giả nhãn hiệu. Đây là tín hiệu tích cực trên mặt trận chống buôn bán hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.

Thị trường hàng tiêu dùng giờ đây đã đa dạng hơn và cũng dễ dàng là nơi “trú ẩn” cho các loại hàng nhái, hàng giả.Ảnh mang tính minh họa
Thị trường hàng tiêu dùng giờ đây đã đa dạng hơn và cũng dễ dàng là nơi “trú ẩn” cho các loại hàng nhái, hàng giả.Ảnh mang tính minh họa

Công khai bán hàng giả, hàng nhái

Tại một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống ở TP.Tam Kỳ, Hội An, Vĩnh Điện..., hàng giả vẫn tồn tại và được ngang nhiên bày bán công khai. Phổ biến nhất là các sản phẩm túi xách, nước hoa, dây lưng, giày da, đồng hồ, kính mắt... nhái các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, D&G, Boss, North Face, Catier... Những sản phẩm này thường được bán ở những quầy nhỏ, bày đa dạng chủng loại và có giá rẻ hơn so với hàng thật. Khách hàng tuổi teen có thể dễ dàng sở hữu một chiếc túi hiệu Dior được bán với giá gần 300 nghìn đồng trong khi giá một chiếc túi tương tự như vậy cao hơn chục lần. Tại một cửa hàng đồng hồ, mắt kính trên đường Hùng Vương (TP.Tam Kỳ) bày bán một chiếc đồng hồ Longines có giá 1,2 triệu đồng trong khi sản phẩm chính hãng có giá hơn 30 triệu đồng, chiếc mắt kính Catier có giá 800 nghìn đồng trong khi sản phẩm chính hãng là 16 triệu đồng... Từ khi có thương mại điện tử, hàng giả, hàng nhái có “thêm đất” để tung hoành. Các trang mạng bán hàng fake, super fake (giả, siêu giả) phát triển như nấm sau mưa. “Lướt qua các trang mạng xã hội bán đồng hồ, kính mát, quần áo, túi xách..., có thể nhận thấy việc tìm kiếm sản phẩm chính hãng của các thương hiệu lớn (còn gọi là hàng hiệu) khó hơn nhiều lần so với việc tìm kiếm hàng nhái. Vì thật giả lẫn lộn nên năm vừa qua, một số cửa hàng bán hàng thật (được công ty ủy quyền làm đại lý) đã đâm đơn nhờ lực lượng chức năng can thiệp” - ông Lê Cần, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết.

Theo Đại tá Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC45, Công an tỉnh), việc truy tìm nguồn gốc các loại hàng nhái, hàng giả không hề dễ dàng. Lực lượng chức năng biết rõ quần áo, nước hoa, mỹ phẩm giả bán tràn lan nhưng đôi khi không thể làm tới nơi, giải quyết rốt ráo vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Một trong những “cái khó” tồn tại lâu nay khi xác nhận hàng giả là không có cơ sở để tham vấn, đối chiếu hàng thật hay giả vì không có sự vào cuộc của chính thương hiệu bị làm giả. Ông Lương Viết Tịnh - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh giải thích: “Ví dụ một sản phẩm nước hoa Channel, muốn biết nó bị làm giả hay không thì thương hiệu này phải phân tích chỉ số hóa học, hương liệu, thành phần của sản phẩm bị phát hiện so với các chỉ số của chính thương hiệu mình. Chứ cơ quan chức năng không thể dựa vào bao bì, nhãn mác để kết luận được”.

Thương hiệu nước ngoài vào cuộc

Không chấp nhận thương hiệu của mình bị làm giả và kinh doanh ngang nhiên, cuối tháng 3.2015, Công ty The North Face Apparel Corp (Hoa Kỳ) đã ủy quyền cho Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN (Số 241 đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào cuộc kiểm tra các cửa hàng trên địa bàn TP.Hội An vì nghi ngờ một số cửa hàng kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của The North Face. Theo đơn ủy quyền của Công ty The North Face Apparel Corp, tại Hội An có tới 26 cửa hàng kinh doanh thương hiệu của công ty bất hợp pháp. “Qua phối hợp kiểm tra đợt 1, chúng tôi phát hiện có 6 cửa hàng kinh doanh thương hiệu giả mạo, mặt hàng chủ yếu là áo khoác (143 cái), áo thun (198 cái), túi xách (126 cái), ba lô, túi đeo (128 cái) và một số dây đeo bụng, quần lửng, mũ... bị giả thương hiệu” - ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN cho hay.

Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, tất cả sản phẩm bị thu giữ này không phải sản phẩm của Công ty The North Face Apparel Corp hay bất kỳ chi nhánh/công ty con hoặc đơn vị thứ ba nào được công ty này cho phép sử dụng nhãn hiệu sản xuất và cung cấp. Các cửa hàng bị phát hiện tại Hội An không phải đơn vị được Công ty The North Face Apparel Corp ủy quyền sản xuất hoặc bán sản phẩm mang nhãn hiệu của mình. Rõ ràng, các sản phẩm bị phát hiện và thu giữ tại các cửa hàng đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Và việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty. Hiện đoàn kiểm tra đang hoàn tất thủ tục, hồ sơ để ra quyết định xử lý đợt 1 đối với các cơ sở vi phạm vừa qua.

Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên trên cả nước, một thương hiệu thời trang nước ngoài vào cuộc phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái. Động thái này mở ra hướng đi mới trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đang ngang nhiên tồn tại, thách thức cả cơ quan chức năng. “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp làm việc với các thương hiệu thời trang, công ty nước ngoài trong việc phát hiện, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái. Để từ đó kẻ gian từ bỏ suy nghĩ lực lượng chức năng không làm được gì đối với các sản phẩm mang thương hiệu từ nước ngoài” - ông Lương Viết Tịnh nói.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phối hợp đẩy lùi hàng giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO