Phòng chống bạo lực gia đình: Hiệu quả từ các mô hình

XUÂN KHÁNH 29/09/2015 13:51

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình (BLGĐ) có rất nhiều, trong đó, nền tảng kinh tế thiếu ổn định, vợ chồng không chịu nói chuyện để hiểu nhau, là những điều nhiều năm qua Hội LHPN nữ xã Tam Đại (Phú Ninh) quan tâm để triển khai các mô hình phòng chống phù hợp.

Tọa đàm giúp đỡ sinh kế, kiến thức gia đình cho phụ nữ xã Tam Đại.
Tọa đàm giúp đỡ sinh kế, kiến thức gia đình cho phụ nữ xã Tam Đại.

Mâu thuẫn vì chuyện tiền nong

Những năm trước, trên địa bàn xã Tam Đại hay xảy ra mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng mà nguyên nhân là chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, thay vì chọn cách ngồi với nhau để bàn bạc, lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, những cặp vợ chồng này thường “giữ trong bụng”. Phần chồng, chọn cách nhậu để giải khuây. Nhưng khi có hơi men trong người, về nhà lại nhớ chuyện cũ nên đem ra nặng nhẹ. Lâu ngày vợ chồng nảy sinh uất ức, nên thường xuyên cãi vả, thậm chí đánh nhau, khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Đại chia sẻ, có một thực tế là, ngay cả khi gia đình rạn nứt, các cặp vợ chồng vẫn tiếp tục chọn cách im lặng, hoặc một người bỏ đi; chuyện gia đình cũng không dám chia sẻ với ai để nhờ tư vấn xử lý tình huống vì sợ phải xấu hổ. Đến khi sự thể dường như không thể cứu vãn mới lo sợ gia đình tan vỡ.

Mới đây ở Tam Đại cũng có vụ việc với tình trạng tương tự như trên, Hội LHPN xã nhanh chóng vào cuộc nên mối quan hệ của hai vợ chồng đã được kịp thời hàn gắn. Đó là chuyện của vợ chồng anh S. và chị H., cũng bắt đầu từ chuyện tiền nong. Số là chị H. phàn nàn chồng đi làm về mà không chịu đưa tiền cho mình để trang trải sinh hoạt gia đình. Anh S. thì cho rằng mình không làm lụng được nhiều nên không có dư để đưa cho vợ. Nhưng trên thực tế, số tiền mà anh S. làm được mỗi tháng tương đối khá so với mặt bằng thu nhập chung ở Tam Đại. Nhưng vì anh sa đà rượu chè nên giấu tiền dành uống rượu. Từ đó, vợ chồng lục đục, rồi đánh nhau, may mà chỉ xây xát nhẹ. Sau đó, anh S. bỏ nhà đi một thời gian mới chịu trở về.

“Thật ra, khi Hội LHPN xã biết chuyện thì anh S. đã bỏ đi nên chúng tôi chỉ đến khuyên nhủ chị H. bình tâm suy nghĩ lại. Vì chuyện cũng không to tát gì, vấn đề là hai vợ chồng không chịu nói chuyện với nhau để hiểu rõ hơn. Đó là chưa nói, vợ chồng hành xử như thế sẽ tội nghiệp cho con cái. Sau khi khuyên chị H. thuyết phục anh S. về nhà, chúng tôi nhiều lần xuống gặp hai vợ chồng để hòa giải. Chủ yếu là khuyên họ cố gắng thường xuyên nói chuyện để hiểu rõ nhau hơn, phải biết nhường nhịn và quan trọng nhất nghĩ đến con cái. Bây giờ thì gia đình họ đã đầm ấm như xưa” - chị Trang cho hay. Trong khi đấy, chị S. cũng thành thật chia sẻ rằng, chuyện bé xé ra to là do vợ chồng không chịu ngồi với nhau để bàn bạc cách chi tiêu hợp lý, mà cứ cãi nhau mãi. Giờ đã hiểu căn nguyên, nên chuyện gì cũng giải quyết ổn thỏa.

Hiệu quả từ 3 mô hình

Trong những năm trở lại đây, tình hình BLGĐ ở Tam Đại giảm rõ rệt. Để có được điều này, chị Trang cho biết nhờ áp dụng 3 mô hình vào thực tiễn, đó là: phát triển kinh tế; nuôi dạy con tốt; làm cha mẹ. Mô hình phát triển kinh tế áp dụng trên toàn xã, qua đó, hội sẽ tư vấn, là đầu mối của các nguồn vốn vay, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế. Hội LHPN xã phát động nhiều chương trình gây quỹ để tạo nguồn kinh phí giúp đỡ hội viên. Nhờ đó, nhiều trường hợp hội viên không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu như hộ chị Trần Thị Tuyết với mô hình nuôi chim cút, chị Nguyễn Thị Thu kinh doanh quần áo…

Nuôi heo đất là cách Hội LHPN xã Tam Đại tạo nguồn kinh phí giúp hội viên phát triển kinh tế.                               (Ảnh: Hội HLPN xã Tam Đại cung cấp)
Nuôi heo đất là cách Hội LHPN xã Tam Đại tạo nguồn kinh phí giúp hội viên phát triển kinh tế. (Ảnh: Hội HLPN xã Tam Đại cung cấp)

Theo chị Trang, hiệu quả nhất về giảm BLGĐ chính là nhờ những buổi tọa đàm, sinh hoạt về kiến thức gia đình, vợ chồng và đặc biệt là thành công từ câu lạc bộ Nuôi dạy con tốt (ở thôn Đại An) và Làm cha mẹ (ở thôn Long Sơn), được thành lập từ năm 2014 theo đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ của Hội LHPN Việt Nam. Về cơ bản, 2 câu lạc bộ có hình thức sinh hoạt giống nhau, hướng các ông cha, bà mẹ đến với những kỹ năng chăm sóc con cái, nhất là chú ý đến tâm lý của trẻ để sớm giúp con em mình thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Và ngay cả bậc làm cha mẹ phải hiểu rõ lẫn nhau, không nên vì những suy nghĩ ích kỷ của mình mà ảnh hưởng đến trẻ, đến hạnh phúc gia đình. Đến nay, câu lạc bộ Nuôi dạy con tốt có 24 thành viên, câu lạc bộ Làm cha mẹ có 21 thành viên. Các câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 2 lần vào mùa nắng, mùa mưa mỗi tháng 1 lần.

Anh Trương Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Nuôi dạy con tốt cho biết, đặc thù lao động ở địa phương là làm nông nghiệp và công nhân, do đó kiến thức về kỹ năng làm chồng, làm vợ hay nuôi dạy con cái ít nhiều còn hạn chế. Kể từ khi tham gia vào câu lạc bộ, các bậc phụ huynh được nâng cao kỹ năng chăm sóc gia đình, nhờ đó góp phần giảm mạnh BLGĐ. “Thông qua những buổi sinh hoạt, mình hiểu thêm về tầm quan trọng của việc vợ chồng thường xuyên nói chuyện với nhau, cùng nhau bàn bạc các vấn đề gia đình, nhất là cùng lên kế hoạch chi tiêu sinh hoạt sao cho hợp lý. Từ đó, chuyện lục đục của vợ chồng hầu như không còn. Không chỉ riêng mình, nhiều cặp vợ chồng khác khi tham gia câu lạc bộ luôn biết giữ cho “cơm lành canh ngọt”” - chị Lê Thị Kim Yến, ở thôn Đại An, tâm sự.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống bạo lực gia đình: Hiệu quả từ các mô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO