14 ngày một mình sống trong "vùng đỏ"

TƯỜNG MINH 28/08/2021 05:49

“Vùng đỏ” nào cũng nguy hiểm. “Vùng đỏ” trong trường hợp này là để phân biệt những khu dân cư có nhiều ca dương tính với Covid-19 hay còn gọi là “ổ dịch” bị phong tỏa cứng, nội bất xuất ngoại bất nhập với những “vùng vàng” ít ca nhiễm hơn hay “vùng xanh” không có dịch. Và tôi đã trải qua 14 ngày không thể nào quên khi một mình sống, thật ra là bị “nhốt” trong một “vùng đỏ” ở TP.Đà Nẵng.

Mỗi ngày đi xét nghiệm là một ngày vui, dù trong âu lo.
Mỗi ngày đi xét nghiệm là một ngày vui, dù trong âu lo.

Lồng lớn, lồng nhỏ

“Liệu cái lồng lớn có được mở cửa không bà con?”. Một câu hỏi vu vơ của ai đó trên nhóm Zalo chung của khu chung cư vào lúc khuya khoắt. Và câu trả lời rằng: “Thôi ngủ đi mai còn có sức mà tự kỷ. Lồng nhỏ của chúng mình đây còn chưa biết đến bao giờ, quan tâm chi chuyện lồng lớn đại sự”.

Lồng lớn là chỉ TP.Đà Nẵng bị phong toả cứng 10 ngày. Còn “lồng nhỏ” chính là những “vùng đỏ” như khu chung cư của tôi đang sống với hơn 20 ca dương tính tạm tính đến hết 14 ngày bị phong toả cứng để lực lượng y tế “tát hồ bắt F0”.

Và tất nhiên trong “lồng nhỏ” còn có những cái lồng nhỏ hơn - những căn hộ ngày đêm cửa đóng then cài không một tiếng động, khu hành lang bình thường ngắn tưởng vài chục bước chân giờ bỗng sâu hun hút và lạnh đến rùng mình.

Ngày cũng như đêm, tiền sảnh chung cư nơi tôi sống vắng lặng đến rợn người.Ảnh: TƯỜNG MINH
Ngày cũng như đêm, tiền sảnh chung cư nơi tôi sống vắng lặng đến rợn người.Ảnh: TƯỜNG MINH

Những cuộc điện đàm hàng đêm với vợ và con gái, đang “mắc dịch” trên tận Buôn Ma Thuột của tôi luôn bắt đầu bằng tiết mục kể chuyện. Hôm nay tôi kể cho con gái nghe chuyện mình rón rén mở cửa phòng, xách bì rác to đùng đi đến cuối hành lang thì bất ngờ gặp phải một cô gái đi về phía đối diện.

Hoảng hốt! Chính xác là sự hoảng hốt khi cô gái ấy thấy tôi đang đến gần với hành động bản năng lấy tay kéo khẩu trang lên tận mắt, dù lúc đó khẩu trang vẫn đang phủ kín miệng mũi.

Ánh mắt có chút lo lắng, cô ấy thu tay đứng nép vào góc tường cho đến khi tôi qua mới vội bước chạy bước đi về hướng phòng mình. Cô gái ấy không phải sợ tôi mà đang sợ một F0 vô hình nào đó.

Chạnh lòng, nhưng cũng không trách được cô ấy bởi ở chung cư của tôi, ngày đầu tiên chỉ có một F0 nhưng giờ thì đã nhân bản hàng chục F0 và tôi hay bất kỳ ai khác cũng có thể đang là F0 chưa được phát hiện hoặc là F0 dự bị sắp được tìm thấy.  

Đổ rác, nhận thực phẩm cứu trợ hoặc nhờ Tổ Covid-19 cộng đồng mua hộ, đi xét nghiệm định kỳ 3 ngày một lần… là những việc làm buộc những cư dân sống trong vùng đỏ phải lê chân ra khỏi nhà mình. Đổ rác, gặp người thì người tránh như tránh hủi nên tủi thân vô cùng.

Nhận thực phẩm, cũng toàn được Tổ trưởng và các thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng phân sẵn cho từng hộ ở sảnh tầng một, cứ xuống tìm tên mình mà nhận nên phần lớn chỉ thấy hàng không thấy người.

Chỉ có những lần đi xét nghiệm là những lúc vui hiếm hoi bởi dưới sân lúc đó sẽ rất đông người. Dù có qua 2 tầng khẩu trang và gân cổ khản cả giọng mới nói được với người đối diện mấy câu nhưng dù sao vẫn là gặp gỡ, vẫn mang đến cho mình cảm giác đang được sống một cuộc sống “bình thường mới”. Tất nhiên đó là những giây phút vui trong âu lo.

Nhìn đời qua những song sắt của ban công.
Nhìn đời qua những song sắt của ban công.

Nhắc đến chuyện F0 và F1 mới nhớ, thi thoảng những người tò mò của  cư dân “vùng đỏ” chúng tôi còn xuống sân nghe ngóng khi hay tin xe y tế chuẩn bị đến đón F0 đi bệnh viện và các F1 đi cách ly tập trung.

Thường là cảm giác rưng rưng nước mắt khi thấy những người già, trẻ con dắt díu nhau tay xách nách mang bước lên xe còi hụ. Có lần thì tôi rớt nước mắt thật khi nghe bạn F0 nhà đối diện nhắn tin: “B. nhà em (7 tuổi, F1 của mẹ) rất vui, nói được đi xe cấp cứu sướng lắm mẹ ạ…”.

Nhìn đời qua song cửa sắt

Tôi thường chào mặt trời vào lúc 7h sáng và phải nhờ đến đồng hồ báo thức. Tôi chế biến đồ ăn sáng, pha cho mình một cốc trà, cà phê rồi bỏ vào cái khay khệ nệ ra ban công ở cửa sau, tranh thủ vừa phơi nắng cho cơ thể có vitamin D tăng đề kháng vừa lướt tin tức đầu ngày.

Ban công là nơi duy nhất tôi có thể giao lưu với khí trời ngoài những lúc buộc phải mở cửa ra ngoài. Đó là những ô gạch khoảng 5m2, được ngăn cách với khoảng không bằng 23 thanh sắt đứng được tôi sơn nửa xanh nửa vàng nhìn giống bọn nửa người nửa ngợm từ năm trước.

Ở đó, những ngày bị “vùng đỏ”, cảm giác rất đúng với câu “nhìn đời qua song sắt”. Bên kia những song sắt là một khoảng sân và một cây điệp vàng; xa hơn là mặt đường hai chiều; xa tí nữa là một quán cà phê vườn đẹp nhất nhì thành phố này giờ đã thành vườn hoang…

“Cuộc đời” bây giờ của tôi chỉ có thế. Và vốn dĩ tôi nhìn đời qua 23 thanh sắt rất ngay ngắn theo chiều thẳng đứng. Tuy nhiên trước những thanh sắt ấy, tôi lại nhét vào đấy nào là những chậu cây hoàng lan, dủ dẻ, nguyệt quế, mộc, hàm tiếu, trà my… cành lá sum sê nên cuộc đời với tôi nhìn qua đó nó cứ méo méo, xiên xiên; lúc vuông lúc tròn, lúc dài lúc ngắn nên cứ lẫn lộn mọi thứ chả ra làm sao cả.

Bình thường từ sáng đến chiều, quán cà phê sân vườn ở bên kia đường hay vọng lại nhiều ca từ hay ho của nhạc Trịnh Công Sơn (luôn là Trịnh Công Sơn) kiểu “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…” nghe đầy năng lượng sống. Nhưng giờ thì thứ âm thanh cuộc đời mà tôi nghe được chỉ là tiếng gió lướt đều đều làm ngoe nguẩy những đọt cây điệp.

Buổi chiều đôi khi trời đùng đùng trở gió, sau mây mù là âm thanh của những giọt mưa lộp độp trên lá, nhưng chỉ thi thoảng. Thứ âm thanh đều đặn nhất, thường xuất hiện tầm 5h chiều là những tiếng “khì khì” nghe rất giống “tiếng Huế” quê hương phát ra từ miệng con rùa đực khi hắn mất khá nhiều thời gian và công sức để chồm được lên con rùa cái từ phía sau…

Có những đêm điện đàm với vợ và con gái, nói được mấy câu thì giật thót mình nhớ ra là sáng giờ mình chưa bao giờ mở miệng nói tiếng nào cả. Lại quẹt tay vào miệng rồi đưa lên mũi ngửi ngửi xem cả ngày không nói gì thì mồm nó có thối không, nhưng hóa ra vẫn chưa đến mức đó.

Thật ra thì cảm giác kinh khủng nhất là mỗi đêm trước khi ngủ, phải gác tay lên trán rồi mất rất nhiều thời gian để nghĩ xem là ngày mai mình nên ăn gì trong những thứ còn có trong tủ lạnh? Ngày mai khi ăn xong mình sẽ rửa chén bát vào buổi trưa hay buổi tối, hay là mình để dồn đó tầm 3 ngày rửa một lần?

Những lúc lẩm nhẩm tự hỏi như thế mới thấy thương và thấu hiểu cho nỗi khổ phải cơm nước hầu chồng con ngày 3 bữa của vợ bao nhiêu năm nay… Có đêm nghĩ mãi không ra mai nên ăn gì nên mất ngủ, bực bội lại ước nếu giờ này mình là F1 của ai đó và đang ở trong một khu cách ly nào đó, đến bữa có người bưng thức ăn tận nơi và không phải rửa chén bát thì hay biết mấy.

Rồi chợt nhớ đến những F1 trong chung cư giờ này chắc cũng đang thao thức ở các khu cách ly, trong đó có những trường hợp rất trớ trêu và buồn cười. Ví như ông tổ trưởng tổ dân phố và ông nhà trưởng bị đưa đi cách ly vì lý do lãng xẹt: Trên tầng 7 có ông F0 tên H.

Ông H. khai cách đó mấy hôm có tiếp xúc gần với ông tổ trưởng và nhà trưởng ở dưới sân. Hai ông tổ trưởng và nhà trưởng ớ người, không hiểu tại sao mình bỗng dưng thành F1 và cũng không nhớ là tiếp xúc gần với ông H. khi nào, “nhưng thôi, mình là đảng viên thì phải làm gương, đồng ý đi cách ly, không cãi”, ông tổ trưởng nhắn tin với tôi.

Chưa hết, ông H. còn khai thêm là có tiếp xúc gần với tầm chục người ở cùng tầng trong sự ngớ ra của họ. Và lần nữa y tế phường thà đưa đi cách ly nhầm còn hơn bỏ sót! Cả chung cư xôn xao. Và trên nhóm zalo, bây giờ họ gọi ông H. là “H. khẩu”, ý nói khẩu nghiệp…

Nhớ gần 2 năm trước, dịch Covid-19 mới lần đầu xuất hiện và Đà Nẵng lần đầu tiên bị phong tỏa, hạn chế người dân ra đường. Tôi từng viết đại ý đây là cơ hội để mình đi vào đối thoại và khám phá bên trong mình… Nhưng giờ tôi thật, tôi không dám kể cảm giác “đi vào bên trong” của mình trong 14 ngày qua nó như thế nào. Người thường và muốn được sống như người thường thì không nên đi vào đó quá lâu…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
14 ngày một mình sống trong "vùng đỏ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO