Bên kia dòng lũ

THÀNH CÔNG 03/11/2020 05:00

Vài tiếng đồng hồ trong bão dài như cả đời người. Chưa bao giờ người dân thôn Trà Văn A (xã Phước Kim, Phước Sơn) trải qua trận lũ quét kinh hoàng như thế. Hai chiếc cầu bị cuốn trôi, xe máy xúc nằm vắt mình bên hàm ếch đất lở, hơn hai chục căn nhà biến mất, những phận người vùng cao thêm hiu hắt bên bếp lửa, nhen bằng chính đống đổ nát bên dòng Nước Xe.

Thôn Trà Văn A bây giờ đối mặt với nguy cơ cô lập mỗi khi mưa lớn, do hai cây cầu bắc qua sông đều bị cuốn trôi. Ảnh: T.C
Thôn Trà Văn A bây giờ đối mặt với nguy cơ cô lập mỗi khi mưa lớn, do hai cây cầu bắc qua sông đều bị cuốn trôi. Ảnh: T.C

Trong đống hoang tàn

Lũ ném một đống đất đá khổng lồ xuống đầu cầu Dây xã Phước Kim. Những trận mưa sau đó đánh tơi thành một núi bùn nhão nhoẹt, con đường bê tông dẫn vào Trà Văn A gần như mất dấu trong bùn. Vừa đến đầu làng, cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt: những nền nhà trống hoác, vài ngôi nhà bị nước xé toác, hai chiếc cầu còn trơ cốt trụ cùng một chiếc máy xúc nửa ngâm trong nước, nửa vắt mình lên hàm ếch đất lở.

Nước sông đã cạn đi nhiều, nhưng vẫn ngầu đục. Ngổn ngang đất, đá và bùn. Chúng tôi men theo sườn đồi, lội qua suối. Rất nhiều người già, trẻ con đang ngồi trên những nền nhà trơ trọi kia. Họ cúi mặt, nhìn xuống lòng sông cạn.

Tan hoang thôn Trà Văn A sau lũ.
Tan hoang thôn Trà Văn A sau lũ.

Hồ Văn Ong (28 tuổi), ngồi trên một thân cây lớn mà lũ để lại, bần thần ngó về hướng bên kia cầu. Mấy hôm trước, nhà Ong còn ở đó, giờ không còn sót lấy một dấu hiệu gì. “Trước bão, họ thông báo hai, ba ngày, nhưng cứ nghĩ nước không tới. Rồi nước cứ tràn lên, lên nhanh lắm. Nước mấp mé cầu treo, gia đình mình bồng bế nhau chạy lên nhà làng. Sau đó thì nước lên cuốn sạch. Mất hết, không còn thứ gì. Hai vợ chồng và ba đứa con ở nhờ trong nhà làng từ bữa đó đến nay” - Ong kể.

Một đống hỗn độn bày ra trước mặt, dân làng chẳng buồn tìm kiếm. Nhà chưa trôi thì cát lấp tới mái, xiêu vẹo, gãy đổ. Số còn lại thì bị xóa sổ, chỉ trơ trọi nền nhà. Cột bê tông của điểm trường ở xã cũng bị lũ bẻ gãy, đập vỡ nhìn thấy cả cốt thép.

Tôi gặp em Hồ Văn Thoại đang phụ thanh niên ngồi đập gõ những cây cột vỡ ấy. Thoại học lớp 9 nhưng nhỏ thó, khuôn mặt đen nhẻm. Bố mẹ bỏ nhau, Thoại ở một mình, trong căn nhà cuối làng. Hình như trường học và những căn nhà hàng xóm đã chắn đỡ bớt sự giận dữ của dòng lũ, nên căn nhà Thoại còn thấy được vài cây cột và mái tôn đã rách. Thoại để chân trần, bước phăm phăm qua đống rều rác, củi mục lẫn ván, tôn, dẫn tôi về nhà. Nhìn theo phía tay Thoại chỉ, tôi không thể hình dung những thanh ván nằm gác lên góc nhà từng là chiếc giường em nằm. Trên nền nhà, còn sót 2 quyển sách đã tả tơi.

Nhiều nỗi lo sau khi nước lũ quét qua Trà Văn A.
Nhiều nỗi lo sau khi nước lũ quét qua Trà Văn A.

Cách nhà Thoại không xa, dưới tấm bạt bay phần phật vì gió, 5 người trong gia đình bà Hồ Thị Phanh đang tá túc trên phần nền nhà trơ trọi. Bà Phanh nhặt đống ván gỗ làm củi nhen bếp lửa. Thức ăn của bữa trưa là nồi canh chỉ có mấy ngọn rau khoai. Bà đưa ra mấy gói mì tôm, nói xã vừa cho từ hai bữa trước. Cũng như Ong, bà Phanh chỉ kịp bồng bế mấy đứa con chạy, không mang theo được thứ đồ đạc gì.

Từ nhà làng, chỉ thấy một màu nước lũ. Nước lũ khắc lên một màu buồn khổ trên những khuôn mặt. Chỉ có lũ trẻ là vô tư nghịch ngợm, leo trèo qua đống đổ nát và những thân cây, nhặt nhạnh vài món đồ vùi trong bùn đất. Thật khó tìm được một thứ gì nguyên vẹn, bởi ngay cả những thanh dầm sắt khổng lồ của chiếc cầu treo cũng bị bẻ gãy, mấy nhịp cầu bê tông kia cũng mất dấu hoàn toàn.

Níu lấy hy vọng

Bão số 9 khiến 29 căn nhà của xã Phước Kim bị cuốn trôi, vùi lấp hoặc sụp đổ hoàn toàn, trong đó có đến 26 nhà là ở thôn Trà Văn A. Ông Hoàng Đình Ba - Bí thư Đảng ủy xã Phước Kim thông tin, địa phương đã huy động toàn lực để tiếp tế cho bà con trong 5 ngày vừa qua, bên cạnh số người được huy động gùi cõng lương thực cho xã Phước Thành.

“Mưa lũ do bão số 9 gây thiệt hại rất nặng nề cho xã, đặc biệt là ở thôn Trà Văn A này. Trước mắt, chúng tôi đã bố trí cho những hộ bị mất nhà lên nhà làng ở tạm. Có thể trong một, hai tuần tới, bà con vẫn phải sống trong nhà làng. Đời sống người dân có quá nhiều khó khăn, khi xã chỉ mới hỗ trợ khẩn cấp về gạo, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm. Lâu dài hơn, việc bố trí địa điểm để người dân dựng lại nhà cửa cũng sẽ rất khó. Xã dự định dành khoảng đất sân vận động ở phía trước nhà làng để bố trí lại cho các gia đình bị lũ cuốn trôi nhà ở. Nhưng việc ổn định đời sống, tái thiết làng sẽ rất khó, vì nguồn lực không có, người dân mất hoàn toàn tài sản, ruộng rẫy cũng bị bồi lấp, sạt lở. Lúc này, xã Phước Kim rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tổ chức giúp đỡ cho bà con, nhất là cho thôn Trà Văn A này” - ông Hoàng Đình Ba chia sẻ.

Nước lũ khắc lên một màu buồn khổ trên những khuôn mặt. Chỉ có lũ trẻ là vô tư nghịch ngợm, leo trèo qua đống đổ nát và những thân cây, nhặt nhạnh vài món đồ vùi trong bùn đất. Thật khó tìm được một thứ gì nguyên vẹn, bởi ngay cả những thanh dầm sắt khổng lồ của chiếc cầu treo cũng bị bẻ gãy, mấy nhịp cầu bê tông kia cũng mất dấu hoàn toàn.

Giữa ngổn ngang nỗi lo không biết làm sao để bắt đầu lại, may mắn, đã có rất nhiều bàn tay chìa ra, san sẻ những mất mát, hỗ trợ cho bà con Trà Văn A. Sáng 2.11, đoàn từ thiện của một doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã Phước Kim đã chở gạo, thực phẩm cùng những nhu yếu phẩm đến hỗ trợ cho bà con trong thôn. Hàng vừa đổ xuống đầu dốc, bà con được huy động cùng lực lượng tình nguyện gùi cõng qua suối. Trên khoảng đất trống vốn là những nền nhà cũ giữa làng, họ phân chia ra rất nhiều suất quà cho mỗi gia đình.

Chiếc nồi nhôm, bộ chiếu, chăn màn, bao gạo, một phần thịt heo, có cả những thứ nhỏ nhặt nhưng lại rất cần cho bà con sau lũ, như xà phòng, dầu gió, thuốc trị lở loét do ngâm nước lũ. Những phần quà được xếp thành hàng ngay ngắn, khiến hiện về trong tôi hình ảnh bữa cơm chung của làng mà tôi đã đôi lần gặp đâu đó ở các bản làng vùng cao. Mỗi thứ một chút, nhưng đều tăm tắp, nhà nào cũng có phần. Trước đó, họ cũng chia nhau từng bữa ăn, từng bộ quần áo, đùm bọc nhau cho đến khi có sự hỗ trợ của chính quyền.

Những mặt hàng cứu trợ được chia đều cho từng hộ trong thôn Trà Văn A. Ảnh: T.C
Những mặt hàng cứu trợ được chia đều cho từng hộ trong thôn Trà Văn A. Ảnh: T.C

Cũng trong sáng 2.11. máy phát điện, một số bóng đèn năng lượng mặt trời cũng được vận chuyển vào làng, sẽ giúp bà con yên tâm phần nào trước cơn bão số 10 sắp đến. Chính quyền địa phương thông tin thêm, trong những ngày tới, doanh nghiệp này cũng đã cam kết hỗ trợ thêm 7 tấn gạo và lắp dựng 15 ngôi nhà cho những hộ bị thiệt hại nặng nhất sau cơn lũ quét, cùng với việc thi công một bể nước và lắp hệ thống máy lọc nước giúp cung cấp nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh cho đồng bào thôn Trà Văn A.

Dấu vết cuồng nộ của cơn lũ quét kéo dài từ làng Trà Văn A đến tận cầu Dây, nơi nước lũ bẻ gãy lan can cầu và chất đầy những thân gỗ lớn bên bờ sông Nước Xe. Cơn bão số 10 sắp sửa tràn về, những hộ dân trong thôn chắc chắn sẽ một lần nữa bị cô lập khi nước sông dâng lên sau mỗi đợt mưa. Nhưng những ngày này, những chuyến xe từ thiện vẫn hối hả đi về sâu trong núi, đến với Phước Kim, Phước Công, để từ đây san sẻ những quan tâm, tình cảm của khắp mọi miền với đồng bào. Bên kia dòng lũ, có thể sẽ có nhiều hơn những ngày bó gối nhìn xuống dòng Nước Xe, nhưng chắc chắn đã bớt đi đêm lạnh dưới tấm bạt phất phơ, hay nỗi lo đói rét.

Ai cũng phải sống tiếp. Họ rồi sẽ sống, sẽ gượng dậy sau bão lũ, nhưng họ không đơn độc, vì quanh đó, vẫn còn rất nhiều những bàn tay chia sẻ, chăm lo…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên kia dòng lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO