Dấu chân trong tâm dịch

XUÂN HIỀN - ÁNH MINH 14/08/2021 06:12

Những ca làm kéo dài 8 giờ liền trong bộ đồ bảo hộ. Có nhiều lúc nhận lệnh đi ngay trong đêm. Nhịp thời gian trôi với họ, gần như không phải đêm ngày nữa. Giữa ngổn ngang dịch bệnh khó lường như Sài Gòn hay ngay địa phận đang phong tỏa như Hội An, những chiếc áo blouse trắng vẫn đang hết mình cho cuộc chiến sinh - tử...

Chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG LAN
Chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG LAN

1. Bắt đầu tuần thứ 5. A.D cùng đội y bác sĩ tình nguyện của Quảng Nam vẫn bám trụ ở Bệnh viện Dã chiến số 1 Thủ Đức. Trong khi tin từ quê nhà, Covid-19 đã xâm nhiễm những người quen tên, là đồng nghiệp trong khu vực “vùng đỏ” - nơi chị cũng đã thay phiên trực liên tục từ 2 năm nay. “Hôm ấy, cả đội đều yên lặng” - D. nói.

Vì họ biết, dịch bệnh đã thật sự lan đến nơi thân thuộc của mình. Nơi thân thuộc đó là Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam, đóng tại Núi Thành. Dù bệnh viện này đã 2 năm trời điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng rủi ro là điều không ai lường được.  Nhưng rồi họ phải tạm gác lại những riêng tư này, để tiếp tục đối diện với tình hình của Sài Gòn.

Chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG LAN
Chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG LAN

“Lão tướng” Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam, người dẫn đầu đoàn y bác sĩ tình nguyện của Quảng Nam chi viện cho tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, hồ như phải tìm cách để trấn an mọi người. Anh nói, với nhân viên y tế, cụ thể là người chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19, thì việc không may mình trở thành F0 - cũng là một điều bình thường.

“Anh em làm y tế thì phải chấp nhận chuyện đó rồi. Không cần phải lo lắng, hoang mang. Khi đã xác định vào vùng dịch và trực tiếp tiếp xúc với người bệnh thường xuyên thì chuyện mình mắc bệnh là điều phải được chấp nhận và sẽ phải xảy ra. Không có cách nào khác. Nếu không may nhiễm rồi thì mình cũng sẽ điều trị như một bệnh nhân thôi. Nhưng nếu là nhân viên y tế thì sẽ lạc quan hơn, không bi quan như những người bệnh khác” - bác sĩ Nguyễn Đình Hùng nói. 

Ngày 20.8, Đội tình nguyện do bác sĩ Nguyễn Đình Hùng dẫn đầu sẽ trở về Quảng Nam sau gần 1 tháng rưỡi bám trụ ở tâm dịch. Trước đó, ngày 11.8, một kíp khác cũng từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam bắt đầu hành trình tiếp tục vào chi viện cho lực lượng y tế của TP.Hồ Chí Minh.

Như còn nguyên cảm xúc ngày anh ngắt từng quãng giọng để hoàn thành hết bài phát biểu của mình trước lúc lên đường ở bệnh viện. Bác sĩ Hùng nói rằng, dù ở đâu thì với trách nhiệm, kiến thức của mình, anh và đồng đội đều mong sẽ cố gắng cùng các đồng nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh. Dốc toàn lực của mình như chính cái cách mà các đồng nghiệp từ TP.Hồ Chí Minh đã vào chi viện cho Quảng Nam tháng 7.2020. 

Ngày 12.7, đoàn chi viện của Quảng Nam gồm 39 y bác sĩ lên đường vào Nam hỗ trợ cho lực lượng y tế tại TP.Hồ Chí Minh trong cuộc chiến sinh - tử với dịch Covid-19. Họ được điều động vào tác nghiệp trực tiếp tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Thủ Đức.

Nếu như bệnh viện hồi sức Covid-19 là nơi các y bác sĩ căng thẳng giành giật sự sống cho bệnh nhân nặng thì các bệnh viện dã chiến thu dung bệnh nhân triệu chứng nhẹ, bệnh nền ổn định, và được xác định là phòng tuyến chăm sóc tránh cho bệnh nhân chuyển nặng hoặc xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển tuyến.

Bác sĩ Hùng nói đa số “quân” của Quảng Nam vào chi viện cho Sài Gòn lần này đều đã có kinh nghiệm điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19. Người trưởng đoàn này dù có xác định tâm lý vững vàng cỡ nào, thì vẫn luôn nhắc nhở các đồng đội trẻ của mình, dù được trang bị phòng hộ đầy đủ nhưng làm việc ở lõi dịch, luôn phải cẩn thận vì không biết ai sẽ trở thành F0.

Công việc hằng ngày ở BV Dã chiến số 1 Thủ Đức của các điều dưỡng. Ảnh: H.L
Công việc hằng ngày ở BV Dã chiến số 1 Thủ Đức của các điều dưỡng. Ảnh: H.L

Liên tục ghi chép các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân để đối chiếu, điều dưỡng D. nói đôi lúc nhiều bệnh nhân lo lắng quá mức ảnh hưởng đến chỉ số oxy, vì vậy nhân viên y tế kiêm luôn tư vấn tâm lý cho bệnh nhân. Đây cũng là điều chị đã làm liên tục khi còn ở vùng đỏ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. D. nói như reo vui rằng ngày hôm nay có một ca bệnh là người Điện Bàn mình làm việc ở TP.Hồ Chí Minh vừa ra viện.

Hơn một tháng đi qua giữa tâm dịch, những người đồng đội đã bớt nói về con cái gia đình ở quê. Họ nói thiếu hơi ấm quê nhà đúng thật theo nghĩa đen, nhưng người trong đoàn vẫn luôn thấy ấm áp vì những quan tâm của người Sài Gòn dành cho lực lượng chi viện. Thêm nữa, đoàn tình nguyện ở Bệnh viện Dã chiến thu dung số 1 Thủ Đức luôn được nhận quà quê là mắm cái, cá khô... từ số lương thực thực phẩm quê nhà gửi vào bằng các chuyến xe của hội đồng hương. 

2. Một giờ khuya. Chuông điện thoại reo. Anh bật dậy, nhanh chóng bận đồ bảo hộ, đến khu vực nhà xe bệnh viện và lên đường. Gần như là người lớn tuổi nhất trong kíp lái xe cứu thương của bệnh viện, nhưng lại cũng là người chở F0 nhiều nhất, đã 57 tuổi, anh Phạm Lực nói những trải nghiệm này có kể kiểu gì cũng không thể diễn hết. Gần 1 tháng Hội An liên tục là tâm điểm của dịch bệnh thì cũng từng ấy thời gian, các lái xe của bệnh viện làm việc liên tục.

Tài xế Phạm Lực trong một lần chở F0 đến bệnh viện. Ảnh: NVCC
Tài xế Phạm Lực trong một lần chở F0 đến bệnh viện. Ảnh: NVCC

Công việc hằng ngày của anh Lực là đến các khu vực phát sinh ổ dịch cộng đồng hoặc khu cách ly để đón F0. “Đến điểm đón, sau khi tiếp nhận giấy tờ từ cán bộ y tế, các F0 mặc quần áo bảo hộ, chuẩn bị đồ dùng và bắt đầu lên xe.

Trong suốt quá trình vận chuyển F0 thì phải bảo hộ, giữ khoảng cách, thường xuyên xịt khuẩn, rửa tay bằng cồn. Xe vận chuyển bệnh nhân có nhân viên y tế đi kèm và các trang thiết bị y tế cơ bản như: bình oxy, mặt nạ thở, máy đo SpO2” - anh Lực kể một hồi dài, như quy trình này đã nằm lòng trong người đàn ông trung niên. 

Trước khi nhận nhiệm vụ đặc biệt, anh Lực nói mình tham khảo rất nhiều kênh về phòng chống dịch. Và chiếc xe cứu thương của bệnh viện Hội An được lắp vách ngăn giọt bắn ngay khi có ca nhiễm đầu tiên.

“Vận chuyển F0 trong tình cảnh “nước sôi, lửa bỏng”, rất lo lắng trong lòng nhưng chúng tôi luôn muốn đóng góp một phần nhỏ công sức vào công tác phòng, chống dịch. Có hôm trở về bệnh viện đã 2 - 3 giờ sáng, chợp mắt một lúc để sáng sớm tiếp tục lên đường. Nhưng vất vả của chúng tôi vẫn chưa là gì so với các y bác sĩ và người bệnh” - anh Lực trầm ngâm.

Có những F0 gia đình nằm trong các con hẻm lòng vòng của Hội An, xe cứu thương phải tìm cách đi vào để hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân tự di chuyển. 

Ba ngày, kíp lái xe lại được xét nghiệm 1 lần. Gọi là kíp nhưng tại bệnh viện Hội An chỉ có 2 lái xe thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Ở suốt bệnh viện trong vòng 14 ngày, sau đó lại thay phiên nhau để thực hiện cách ly. Hội An bước sang lần thứ 3 sang chấn vì dịch bệnh. Số ca mắc chỉ riêng địa phương này đã lên đến hơn 30.

Trong những chuyến đón F0 trong đêm, cả chặng đường đi về không ai mở lời chào. Mọi thao tác gọn lẹ và nhanh chóng vì đã quá quen. Sự quen mà như anh Lực tếu táo, thật chẳng nên chút nào.

Trong nhiều ngày cao điểm, Hội An buộc phải huy động lực lượng y tế về hưu cùng hỗ trợ công tác xét nghiệm, truy vết cũng như các phần việc chăm sóc sức khỏe người dân trong khu phong tỏa. Âu cũng là điều cần phải xem xét trong bối cảnh nhân lực y tế tại các nơi hiện không đồng đều. 

Dù thực hiện nhiệm vụ ở đâu, điều kiện như thế nào, thì điều trên hết với một người thầy thuốc vẫn là phải cứu người, giữ lấy sinh mạng con người. “Can trường mà bước tới” như nhắn nhủ của một bác sĩ đang làm nhiệm vụ ở TP. Hồ Chí Minh, hay cứ xoay xở và thích nghi như lời người điều trị ở Quảng Nam. Vì họ, vẫn đang thực hiện nhiệm vụ nhọc nhằn của mình...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chân trong tâm dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO