Đò ngang một chuyến nữa thôi...

PHAN HOÀNG 20/06/2021 06:15

Đứng trưa, nắng như chan lửa xuống mấy chiếc ghe cắm sào chòng chành bên bãi cát. Gió từ sóng sông không đủ khua mấy ngọn tre phía làng Thượng Phước - ranh giới giữa Đại Hòa (Đại Lộc) và Điện Hồng (Điện Bàn).

Mấy chục năm qua, nhu cầu đi lại của người dân phải phụ thuộc vào đò ngang. Ảnh: P.H
Mấy chục năm qua, nhu cầu đi lại của người dân phải phụ thuộc vào đò ngang. Ảnh: P.H

Chúng tôi đến bến Ông Đốc. Đợi đò. Cùng lúc gặp nhóm người tất tả xuống ghe chuẩn bị cho buổi kinh độ siêu thoát. Họ không phải người làng. Bến sông này, mỗi năm biết mấy bận lũ tràn, cũng khó nhớ hết bao nhiêu người đã ở đáy sông sâu.

Dừng chân trên bến

Về bến sông, hỏi bà Hai (hay Hai Thương, tức Lê Thị Thương) thì ai cũng rành. Người làng vẫn vậy. Đầu làng cuối làng tỏ tường. Cũng là bởi có ai đưa đò lâu như bà Thương. Đưa từ mãi những năm 1975, đến tận bây giờ, khi đã bước qua tuổi 73. Người làng hai bên sông, lụy đò chớ chưa thấy ai phàn nàn phải lụy bà.

 “Rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội sẽ được giải quyết khi cầu Văn Ly bắc qua sông. Trong đó, quan trọng nhất là kết nối kinh tế liên vùng trong giao thương giữa 3 xã vùng Gò Nổi, các xã vùng B của huyện Đại Lộc cũng như huyện Nam Giang với TP.Đà Nẵng. Cùng với nhu cầu đi lại của người dân, cầu Văn Ly và đường dẫn cũng sẽ giảm tải áp lực lưu lượng xe quá lớn hiện nay trên tuyến đường qua cầu Giao Thủy”.

(Ông Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh)

Chuyện qua sông hằng ngày, mấy chục năm nay, từ cái thuở phải còng lưng mà chèo đến thời “sang cả”, sắm được chiếc ghe gắn máy nổ bạch bạch um cả khúc sông.

Hễ ai cần là bà đưa sang, không nề hà lấy một tiếng, cũng không tự than thân trách phận làm chi cái nghề cực nhọc. “Họ cần mới nhờ mình, chớ không cần ai nhờ chi”. Cái lý của bà đơn giản vậy, mà buộc thân vào cái nghiệp này dễ chừng hơn 50 năm.

Đến những năm gần đây, bà kể, bà “chuyên nghiệp” hẳn nhờ chuyện đăng ký số hiệu cho mấy cái ghe. Mà đó là đều nhờ thằng Út. Út của bà, đứa con kế tục nghề của mẹ - là anh Trần Hữu Cảnh (49 tuổi).

“Đó, 3 ghe. Chiếc lớn nhứt đang cho người ta thuê để cúng lễ”. Bà chỉ tay về phía ghe số hiệu QNa-0563 có cắm neo buộc dải cờ trắng, bên trong bày bàn lễ cúng. Tiếng tụng niệm từ ghe, u u lẫn trong tiếng chuông, vọng lại từ mặt nước.

Bến đò Ông Đốc được người già trong làng kể gắn với giai thoại đốc binh Bùi Xuân Bảng của Nghĩa hội Quảng Nam. Chuyện này, cũng từng được một tờ báo kể lại như cách lý giải cho tên bến đò. Rằng đốc binh đã có trận đánh oanh liệt với giặc Pháp và hy sinh tại bãi Chài - Văn Ly; người trong vùng nhớ ơn ông nên đã đặt tên cho bến.

Đáng tiếc là hành trạng của đốc binh Bùi Xuân Bảng không được ghi chép gì nhiều trong sử sách địa phương. Theo thầy Lê Thí - cựu giáo viên dạy sử thì, tài liệu của Nguyễn Sinh Duy và Trần Viết Ngạc đều không thấy nhắc đến người đốc binh có tên Bùi Xuân Bảng.

Làm rõ thân thế và một giai đoạn là quan trọng với người nghiên cứu chính sử. Còn với người dân trong vùng, có hề gì. Họ tưởng tiếc một người vì nước vì dân. Thế là đủ để tên người đi cùng năm tháng.

Sẽ thôi lụy đò

Trước đây không lâu, có lần tôi theo con dốc đi xuống bến đò ông Đốc. Một cô giáo hối hả chạy, một tay xách dép, tay còn lại níu xắn áo dài. Một chị mặc áo công nhân. Một chị đi làm đồng về. Họ bàn tán về covid, về giá lúa giá rau. Không có cây cầu trong đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mà ai cũng chen nói cho kịp chuyến đò ngang.

Dân vùng Gò Nổi và cả bên này Điện Hồng, Đại Hòa từng khao khát, từng mơ. Nhưng mơ mãi không thấy cầu, họ thành mặc nhiên đợi. Rồi chấp nhận tiếp tục đò ngang bởi chuyện đi trên cầu cũng như… lên trời hái sao.

Sang đò. Ảnh: P.H
Sang đò. Ảnh: P.H

Nhưng, từ hồi giữa tháng 3 này, khi thấy bao nhiêu là cán bộ về khảo sát vị trí xây cầu, làm đường, bắt đầu bàn tán xôn xao. Trong câu chuyện hằng ngày, mở đầu thường là “Mai mốt có cầu!”.

Điểm nhấn quan trọng kết nối kinh tế liên vùng

Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn có tổng mức đầu tư 525 tỷ đồng, là một trong 7 dự án nhóm B sử dụng vốn ngân sách trung ương được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND, ngày 19.4.2021). Công trình khi hoàn thành là trục kết nối đông tây, thông suốt từ quốc lộ 1, ĐT610B qua Duy Xuyên, lên vùng Gò Nổi và vượt sông Thu Bồn đến địa phận xã Điện Hồng, kết nối vào ĐT609B, ĐT609C, quốc lộ 14B (địa phận Đại Lộc). Trong đó, một đoạn đường dẫn sẽ đi về ngã ba Cẩm Lý - nơi giao nhau với ĐT609 và ĐT605 (xã Điện Hồng).

Bà Lê Thị Liễu (thôn 3, xã Điện Quang) nói, hồi bà tới đây dựng nhà, cả khu vực này là bãi cát trắng. Ngủ còn thấy cát chui vào cả giấc mơ. Chừ, thì giấc mơ của bà hiện sừng sững cây cầu. Bà Liễu nói: “Làm lẹ đi! Có cầu, ai cũng sướng, mà chắc mừng nhứt là ông Seo Nam”.

Ông Seo Nam mà bà nói, là Công ty TNHH Seo Nam, chuyên gia công, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu nông - thủy hải sản. Hồi năm 2013, công ty của Hàn Quốc này là một trong những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có vốn đầu tư lớn tại Quảng Nam (4,5 triệu USD).

Công ty đóng ở mảnh đất cuối cùng của Gò Nổi, nhìn sang bên tê Văn Ly. Khi cây cầu dựng lên, hẳn đây sẽ là vị trí vô cùng đẹp. Kinh tế Điện Bàn - Đại Lộc (và cả Duy Xuyên nữa) chắc chắn phát triển mạnh hơn nhờ liên kết vùng. Doanh nghiệp thuận lợi cũng là điều dễ nhìn thấy.

Bà Hai Thương rổn rảng: “Ừ, đò vài chuyến nữa, rồi giải nghệ. Coi như tới đời mình là chấm dứt cái nghiệp đưa đò. Trời cho mình khỏe mạnh thêm vài ba năm nữa để thấy được cây cầu bắc qua. Nhẩm chừng 2 năm nữa hông con?”. “Dạ, chắc tầm nớ cô. Vì còn phụ thuộc nhiều thứ”.

“Từ chủ trương đầu tư đến cây cầu trên thực địa, là gánh cả mấy gánh giấy tờ, hồ sơ và chạy rạc cẳng chưa ra tiền để làm”. Đó là tôi nhớ anh bạn kỹ sư cầu đường nói, khi làm xong cầu Cửa Đại - cây cầu kỳ tích mở ra bước ngoặt cho hai bên Duy Xuyên và Hội An. Khi đó, cơ chế quản lý, phê duyệt dự án, giao trách nhiệm chủ đầu tư chưa khó khăn như bây giờ.

Có cầu, chuyện chi cũng dễ...

Anh Cảnh chào người đàn bà cà nhắc đi từ dưới bến sông lên: “Năm ngoái mới thấy còn đi mạnh ù mà?”. “Chu, cũng nhớ hả?”. Bà dân Ô Gia (Đại Cường), năm một lần sang Điện Quang đám giỗ và thắp hương mồ mả ông bà. Bà chọn đường đò thay vì phải đi vòng xuống Duy Xuyên quá xa.

Anh Cảnh xốc vác, bộc trực và cũng vui tính như mẹ. Ba cái ghe, mẹ con thay phiên nhau. Mẹ hơn bảy mươi rồi, đôi lần dự tính cho mẹ nghỉ. Mà nghỉ thì buồn tay buồn chân. Lại đưa đò. Tôi nói: “Hai, ba năm nữa, cầu bắc qua, rứa đã tính chi chưa?”. “Dễ òm, cất đò thì mình đi cò đất!” - anh tếu táo kèm theo tràng cười giòn.

Sực nhớ, T. (một người bạn buôn bán bất động sản) nói: “Mới rục rịch lãnh đạo huyện, tỉnh về khảo sát, là thấy người ta hô giá đất vèo vèo, hô trúng đất vèo vèo. Chẳng biết mô mà lần”. Nên ngay từ đầu khi khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đã yêu cầu quản lý chặt hiện trạng, cũng là không thừa.

“Cũng tính rồi. Mà không phải tính. Là ao ước” - anh Cảnh bộc bạch. Giá có cây cầu, mẹ và vợ mở quán tạp hóa buôn bán lặt vặt. Mẹ đỡ tù túng vì tính hay làm, không chịu ngồi yên. Nhớ sông nhớ chèo thì cứ xuống bến chơi. Còn chiếc ghe lớn, anh sẽ tham gia tour du lịch lên Hòn Kẽm hay đâu đó tùy thích.

Cả đời đò ngang, sông thì rộng nhưng bên ni bên tê vẫn chừng trong một cái chớp mắt là thu gọn cả biền bãi. Nên anh mơ ngày đi đò dọc. “Không làm du lịch thì tính chuyện khác. Có cầu, thứ chi cũng dễ tính mà” - anh Cảnh nói. Vậy đó. Cái nghĩ ngợi của anh, biết đâu thành hiện thực, khi cây cầu bắc qua.

Tôi ngồi trong chòi nhỏ dưới bóng cây sợp già. Bữa đó trời xuống dông sớm, đứng bên này bến sông, phía Văn Ly, nghe bên tê doi đất Gò Nổi, vẳng câu gọi đò, không não nuột, lướt thướt như bài hát “Gọi đò ơi!” mà gấp gáp như chạy cho kịp mưa. Hú…hú… bớ đò...

“Thêm một chuyến nữa thôi!” - người đàn bà chèo đò ấy đã nhủ mình vậy. Mấy mươi năm rồi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đò ngang một chuyến nữa thôi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO