Khai mở giấc mơ ở đỉnh Trà Linh

THÀNH CÔNG - ĐAN NGUYÊN 22/07/2020 08:45

Trong khói sương chiều lảng bảng, những ngôi làng trên đỉnh Ngọc Linh ở xã Trà Linh (Nam Trà My) vẫn níu lấy sườn đồi như muôn thuở. Nhưng không còn thấy vẻ u buồn của 5 năm trước, ngày chúng tôi còn băng bộ qua những con dốc trập trùng trong mây núi để về với làng, nay góc núi sáng bừng màu mới. Những con đường vươn dài về phía tây, khai mở giấc mơ về một đời sống khác, một vận mệnh khác, Trà Linh đang thức giấc giữa đại ngàn…

Nóc Tăk Lang bừng sáng giữa đại ngàn. Ảnh: C.N
Nóc Tăk Lang bừng sáng giữa đại ngàn. Ảnh: C.N

1. Chúng tôi lờ mờ nhận ra quán tạp hóa dưới chân đồi, điểm đầu của con đường mòn băng bộ lên Trà Linh ngày trước. Nay từ đó khởi đi con đường bê tông xuyên qua vạt rừng, lên thẳng tới nóc. Như một cánh cửa lớn mở vào thẳm sâu Ngọc Linh ngày cũ, theo con đường lớn, chúng tôi vào thẳng trung tâm xã, đi tới tận Tăk Lang. Sáng màu tôn mới, màu của những căn nhà xây khang trang nổi lên giữa xanh thẳm của rừng.

Căn nhà của già Hồ Văn Hình nổi bật giữa làng. Nhà xây tiền tỷ, là dãy công trình kéo dài hàng chục mét, xây hẳn bờ kè ở lưng chừng dốc, có đủ chỗ để ô tô, xe máy, đặt máy xay gạo, nhà kho. Cuối dãy công trình là căn nhà hai tầng rộng hơn 100 mét vuông, lắp điều hòa. Cư dân trong làng nói, riêng bờ kè đã ngốn của chủ nhà hơn 2 tỷ đồng, bởi căn nhà được xây từ khi đường chưa mở đến làng. Thời điểm già Hình xây nhà, một bao xi măng cõng lên nóc mất 3 tiếng đồng hồ, giá tiền gấp… 5 lần ở trung tâm xã. Cát, sỏi, đá cũng tính giá theo từng cân, chỉ có cách gùi cõng về làng. Con đường mở về tới thôn, giá cả không còn đắt đỏ cũng là lúc một cuộc “đại thi công” bắt đầu, người dân Tăk Lang sửa nhà, kè đất, mua cả ô tô. Mọi giao dịch quy đổi bằng một thứ của cải cực kỳ giá trị: sâm Ngọc Linh.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh mỗi tháng ở Tăk Pỏ mang về vài tỷ đồng cho dân Trà Linh, đó là chưa kể bán tại chỗ cho thương lái hay người ở xa lặn lội đến tìm mua. Quan trọng hơn, bà con đã ý thức được giá trị kinh tế của cây sâm, cũng như tự biết phải gìn giữ rừng, rồi chống nạn sâm giả, ngăn các giống sâm ngoại lai trà trộn vào bản địa...

Tăk Lang giờ thành làng tỷ phú, nhờ sâm. Người Xê Đăng ở Trà Linh gửi tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng ở ngân hàng không còn là chuyện lạ, xây dựng nhà, sắm sửa các vật dụng hiện đại, khi điện về tới nóc. Còn sót lại vài căn nhà cũ nhưng chắc chắn, mất hẳn dấu vết của những căn nhà tạm thấp bé, u tối của ngày xưa. Có thể tìm thấy các nhu yếu phẩm trong tiệm tạp hóa ngay giữa làng, thay vì phải băng bộ gùi cõng từng chút muối, chút dầu. Cán bộ phụ trách văn hóa xã đi cùng chúng tôi nói, không riêng gì Tăk Lang, ở thôn 1, thôn 2, thôn 3, người dân xây nhà mới, mua ô tô chẳng còn là chuyện hiếm nữa. Chỉ một phần của thôn 4 còn “tắc” đường, nhưng dự án đã triển khai thi công, nói như bà con, là chẳng bao lâu nữa đi về xã chân chẳng còn lấm bùn đất…

2. Lục tìm những bức ảnh cũ chụp năm 2014, khi chúng tôi vào nóc Măng Lùng, nhắc nhớ về một thời chưa xa ở núi. Con suối Tơ Tu nhỏ xíu, lách qua từng kẽ đá và những chiếc tua bin nhọc nhằn chảy xuống. Bếp lửa buồn hiu hắt, hàng dài phụ nữ và cả trẻ con nối nhau gùi cõng từng thùng hàng thuê về tới nóc đổi lấy gạo, muối, và… rượu. Nồng nặc mùi men trong quán tạp hóa nhỏ duy nhất ở trong làng. Những ánh nhìn dò xét và im lặng, gạo còn giã bằng tay, và chữa bệnh bằng cách giết heo, giết gà để cúng. Hồi ấy, còn có tục “đâm tay”, tức là phân xử mọi tranh cãi bằng cách dùng que nứa đâm vào gan bàn tay, xem máu chảy ra để mà phán xét rồi phạt vạ. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trà Linh - Hồ Văn Thể nói, người Trà Linh thực sự đổi đời, nhờ sâm. “Năm 2015, mỗi ký sâm loại 1, tức mỗi củ nặng gần một lạng, chỉ có giá 27 triệu đồng. Bây giờ, sâm còn ở rừng đã có người tới hỏi mua, giá mỗi ký sâm loại 1 hơn 200 triệu đồng. Hàng chục hộ khá giả nhờ sâm, cả kho báu nằm sâu trong những chốt sâm lẩn khuất dưới tán rừng. Toàn xã có 716 hộ, chỉ còn chừng 30 hộ chưa trồng. Người nghèo đổi công cho các hộ khá hơn để lấy giống sâm về chăm trồng. Người khá hơn, mở rộng diện tích, ươm giống, tham gia những chốt trồng sâm. Đếm sơ sơ, toàn xã có 13 chiếc ô tô, giá từ vài trăm triệu tới hơn một tỷ đồng” - ông Thể kể.

Sắc màu của đổi thay không chỉ nhìn thấy được ở từng nóc, từng nhà. Trụ sở làm việc của xã khang trang, sát ngay cạnh là ngôi trường cấp 2 gồm 3 dãy nhà hai tầng vừa được hoàn thiện. Thống kê mới nhất của xã Trà Linh cho biết, từ thu nhập bình quân chưa đến 7 triệu đồng/người của năm 2015, đến nay con số này tăng lên gần 45 triệu đồng, phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng lên 55 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo cũng giảm mạnh, xã mạnh dạn đăng ký con số thoát nghèo trong năm 2020 lên 46 hộ. Mà nói đâu xa, ngày trước, mỗi lần có việc phải đi Tăk Pỏ, người Trà Linh mất cả ngày trời. Bây giờ đường sá thuận lợi, dù có đôi chỗ xuống cấp nhưng cũng chỉ chừng một giờ đồng hồ xe máy là tới nơi. Cây sâm về với chuẩn giá trị của một loại “quốc bảo”, nên chỉ lo không có sâm mà bán, thương lái lặn lội tới tận nơi mua ngay mỗi khi người dân mang từ vườn về. Xây nhà, đổi bằng sâm. Mua ô tô, bán lấy vài ký sâm là đủ. Lá sâm cũng có giá đắt đỏ. Chưa kể các loại dược liệu như giảo cổ lam, sâm nam, sâm quy... Thôn 1 của xã Trà Linh “khởi động” việc trồng sâm khá chậm khi vườn sâm của thôn này chỉ mới chừng hơn 5 năm tuổi, song cũng đã gia nhập bản đồ sâm của xã, và sẽ còn tăng giá trị khi chỉ dẫn địa lý cho cây sâm được triển khai áp dụng trên toàn địa bàn huyện…

3. Một cái nhấp chuột, google cho ra đến 91 triệu kết quả tìm kiếm về địa danh Trà Linh, chỉ trong vòng… 0,59 giây, đủ để định danh cho sức hút mới của vùng đất nằm cao hơn mặt nước biển trên hai ngàn mét này. Mọi thứ, gom về lại cây sâm Ngọc Linh. Người đứng đầu UBND xã Trà Linh thông tin, có tổng cộng 60 chốt vừa quản lý bảo vệ rừng, vừa phát triển, bảo vệ cây sâm, với quy mô vài hộ đến vài chục hộ mỗi chốt. Phiên chợ sâm Ngọc Linh mỗi tháng ở Tăk Pỏ mang về vài tỷ đồng cho dân Trà Linh, đó là chưa kể bán tại chỗ cho thương lái hay người ở xa lặn lội đến tìm mua. Quan trọng hơn, bà con đã ý thức được giá trị kinh tế của cây sâm, cũng như tự biết phải gìn giữ rừng, rồi chống nạn sâm giả, ngăn các giống sâm ngoại lai trà trộn vào bản địa. Đảng ủy xã ban hành hẳn một chương trình gồm 14 nội dung, vận động bà con và thương lái kinh doanh trên địa bàn cam kết, trong đó nghiêm cấm việc buôn bán sâm không rõ nguồn gốc, trục xuất ra khỏi vùng sâm những đối tượng cố tình trà trộn giống sâm giả vào địa bàn. “Cuối năm 2019, xã hướng dẫn bà con tự thống kê lại số cây sâm để làm cơ sở mai này cung cấp chỉ dẫn địa lý cho từng gốc sâm. Ngoài ra, Đảng ủy xã phân công đảng viên phụ trách các hộ, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm, phát triển cây dược liệu. Trà Linh bây giờ “nóng”, cũng dễ hiểu, vì ở đâu có phát triển ở đó có những hệ lụy nảy sinh, nhưng cái chính là phải dựa vào cộng đồng, dựa vào ý thức của từng người dân, vì đây là tương lai, là sinh kế của từng gia đình chứ không chỉ là chủ trương, chính sách Nhà nước. Các chốt trồng sâm hiện nay được tổ chức khá nghiêm ngặt, ứng dụng công nghệ hiện đại, thường xuyên kiểm tra, rà soát, chống trộm. Sắp tới, tuyến đường từ Măng Lùng đi Đăk Lây (Kon Tum) được đầu tư, cùng với đề án phát triển du lịch vùng sâm sẽ hứa hẹn mở ra thêm nhiều tiềm năng cho vùng này, cho người dân đất này nữa” - Chủ tịch UBND Xã Trà Linh, Hồ Văn Thể nói.

Mây tan góc núi, những khó nghèo cũng dần lùi xa, từ phía đỉnh Ngọc Linh, những kỳ vọng và dự tính đang lớn dần...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai mở giấc mơ ở đỉnh Trà Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO