Mo cau thoát phận

TRẦN ĐĂNG 27/08/2022 07:16

Có một chàng trai quê Quảng Nam đã giúp mo cau thoát phận làm quạt và kéo xe bằng những sản phẩm độc đáo.

Tàu cau được tập kết tại kho. Ảnh: T.Đ
Tàu cau được tập kết tại kho. Ảnh: T.Đ

Những ai sinh ra và lớn lên ở thôn quê vào những năm 70 của thế kỷ trước, hẳn sẽ lưu lại trong ký ức của mình về chiếc quạt mo “giải nhiệt” vào những tháng hè. Còn với lũ trẻ, hấp dẫn chúng lại là những chiếc tàu cau dùng làm xe kéo cùng tiếng reo hò lẫn trong bụi cuốn mù trời…

Miền Trung là nơi có rất nhiều cau. Mỗi ha cho khoảng 12.500 mo, bán 1.000 đồng/mo, cũng thu được 12,5 triệu đồng từ mo cau thay vì đem đốt. Buổi sáng ra vườn dạo một vòng cũng kiếm được 5-10 mo cau. Cứ mỗi tuần chở đến xưởng anh Tuyến để bán một lần, lấy tiền tươi luôn! Người dân trong vùng đã bắt đầu ý thức được giá trị của một thứ mà lâu nay cứ nghĩ vất đi, đó là mo cau.

Bây giờ, có một chàng trai quê Quảng Nam đã giúp mo cau thoát phận làm quạt và kéo xe bằng những sản phẩm độc đáo. Anh tên là Nguyễn Văn Tuyến, 38 tuổi, người gốc Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nhưng trở thành “Tuyến mo cau” khi anh chọn Đồng Dinh thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi để lập nghiệp.

Anh Tuyến giới thiệu với khách về sản phẩm của mình bằng một… đôi giày, thoạt nhiên không ai nghĩ nó được làm từ mo cau: “Dĩ nhiên, nó sẽ không bền như đôi giày da ở các cửa hiệu nhưng tôi muốn thay đổi cái nhìn của nhiều người về chiếc mo cau vẫn mặc định trong suy nghĩ của họ rằng nó là thứ chỉ để làm… quạt hoặc làm củi đun bếp” - Tuyến giải thích thêm về đôi giày khá lạ mắt này.

Tìm tiền trong rác

“Quê gốc Núi Thành nhưng lớn lên ở Phú Yên, học Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh”. Nghe Tuyến “sơ yếu lý lịch” của anh như thế, tôi cắt ngang: “Nhưng học giao thông vận tải thì liên quan gì đến các loại phế phẩm nông nghiệp - những thứ mà anh đã theo đuổi hơn 10 năm qua? Học đại học một đàng, lại đi làm cái nghề một nẻo như thế có phí không?”.

Lần đầu tiên tôi nghe chàng trai mang gien “hay cãi” của xứ Quảng này vỡ vạc cho mình: “Ồ không! Điều này vừa đúng lại vừa… sai. Nếu được làm công việc mà mình từng học thì tốt quá, nhưng học đại học có khi chỉ là để trang bị một thứ phản xạ, tức kỹ năng sống chứ không chỉ là kiếm kiến thức rồi ra trường sống chết với những gì từng được học. Cuộc sống có lúc nó tách mình ra khỏi cái quỹ đạo tưởng như đã được mặc định ngay từ lúc chọn trường. Tôi là một trường hợp bị “tách ra” như thế”.

Xưởng sản xuất. Ảnh: T.Đ
Xưởng sản xuất. Ảnh: T.Đ

Không theo đuổi “giao thông” hay “vận tải”, Tuyến tự tìm lối đi riêng. Lối đi ấy chả giống ai cả. Ngay sau khi ra trường, anh cùng nhóm bạn thành lập công ty chuyên chế biến sản phẩm thân thiện với môi trường từ những phế phẩm bỏ đi, để xuất khẩu.

“Khu vực miền Trung, đặc biệt là vùng nông thôn, rất đa dạng các loại cây trồng. Mỗi một loại cây trồng, sau khi người nông dân thu hoạch, lấy sản phẩm chính để tiêu thụ thì sản phẩm phụ hoặc họ đốt, hoặc cứ vất ngoài đồng thành rác.

Vỏ, thân và cùi bắp, xác mía, rác mía, lá sắn, cây đậu… nằm la liệt trên ruộng trước khi chúng hóa thân vào đất, làm phân tự nhiên cho cây trồng vụ sau. Điều này cũng tốt thôi, nhưng mình gom lại rồi chế biến thành một thứ hàng hóa để xuất khẩu thì lợi nhuận mang lại cho người nông dân vẫn cao hơn”.

Suy nghĩ này giúp Tuyến cùng nhóm bạn mạnh dạn đầu tư các loại thiết bị để “đóng bánh” những sản phẩm phụ từ cây trồng nông nghiệp, được gọi là rác ấy, rồi xuất khẩu. Các nước họ mua thứ rác này về làm giá thể, phục vụ trong nông nghiệp công nghệ cao. Vậy là, Tuyến cùng các cộng sự đã nhìn ra câu chuyện “tìm tiền trong rác” đến 9 năm.

Từ lá xoài sang mo cau

Nguyễn Văn Tuyến đặt chân hầu khắp khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ để tìm các phế phẩm từ nông nghiệp. Trên bước đường rong ruổi ấy, anh bị cây xoài vùng Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa hút hồn.

Huyện Cam Lâm có đến 6.000ha xoài, thành thủ phủ xoài của cả nước. Việc thu gom lá xoài ở đây gặp thuận lợi hơn là đi gom các loại phế phẩm khác nhờ giao thông vùng này thuận lợi, diện tích xoài lại tập trung.

Mo cau đựng thức ăn. Ảnh: T.Đ
Các sản phẩm từ mo cau. Ảnh: T.Đ

Anh Tuyến kể, năm 2013, anh ngang qua vùng cát trắng bời bời năm nào giờ phủ lên một màu xanh no mắt bởi những vườn xoài ngút ngàn. Trong lúc nhiều người chăm chú nhìn những cây xoài lúc lỉu quả thì Tuyến lại nhìn vào… lá của nó.

Xoài vùng này ngoài việc luôn cho những vụ mùa bội thu, lá của nó cũng rất khác biệt, vừa to lại vừa dày nên việc thu gom rất thuận lợi. Vẫn theo kỹ thuật ép lá xoài khô thành bánh để xuất khẩu, Tuyến mua với giá 1.000 đồng/kg lá khiến cho câu chuyện thu gom lá xoài có lúc thành cơn sốt ở vùng này.

Dạo đó nước Nhật vừa trải qua trận sóng thần tàn phá, nhu cầu mua các loại phế phẩm từ nông nghiệp để làm giá thể cho cây trồng rất cao. Hai loại lá cây sốt nhất lúc đó là cao su và xoài nhưng xoài vẫn hiệu quả hơn. Đến mức, Tuyến phải khuân cả máy ép lá thành bánh về đặt ngay giữa cánh đồng xoài ở xã Cam Hải Tây để mua và ép tại chỗ mới kịp với yêu cầu của đối tác!

Sau 5 tháng, công ty của anh đã thu mua ở Cam Lâm 500 tấn lá xoài khô để xuất khẩu sang Nhật. Công việc đang ngon trớn với “lá xoài đi Nhật” thì đùng một cái, có tin đồn ác ý rằng đang xuất hiện một nhóm người xúi dân bứt cả lá xoài non để xuất khẩu sang Trung Quốc! Chính quyền bắt đầu dòm ngó và cảnh giác, còn dân thì ngờ vực trước việc mua thứ rác vất đi này. Tuyến cùng các cộng sự đành gác lại chuyện mua lá xoài và quyết định tìm hướng đi mới.

Những chuyến rong ruổi trên đường của Tuyến lại tiếp tục. Một hôm từ Gia Lai, Tuyến về vùng Nghĩa Hành, Quảng Ngãi để tìm nguyên liệu phục vụ cho việc sấy chuối, anh như lạc vào thế giới của những vườn cau sum sê nơi này.

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Tuyến: “Tại sao không biến những chiếc mo cau kia thành… chén đĩa để thay cho chén xốp, đĩa nhựa?”. Ý tưởng đó đã khiến anh gạt bỏ nhiều dự định khác để quyết tâm thành “Tuyến mo cau” hơn hai năm qua.

Mo cau xuất ngoại

Dĩ nhiên để được lên tàu bay hay xuống tàu biển xuất ngoại, những chiếc mo cau phải được Tuyến cho “thoát phận” trước đã. Anh chọn Đồng Dinh - nơi mà huyện Nghĩa Hành từng quy hoạch thành cụm công nghiệp làng nghề nhưng khá vắng vẻ.

Tuyến thuê lại nhà xưởng của một cơ sở kinh doanh nay đã nghỉ. Máy dập khuôn để cho ra những chiếc đĩa, chiếc chén cùng hàng loạt sản phẩm khác khá bắt mắt đã được mang về lắp ráp.

Mo cau đựng thức ăn. Ảnh: T.Đ
Mo cau đựng thức ăn. Ảnh: T.Đ

“Ban đầu, tôi vừa là chủ vừa là thợ luôn. Kỹ thuật không quá phức tạp nên ngay cả những nữ công nhân cũng có thể đứng máy dập khuôn để cho ra các sản phẩm như thế này” - Tuyến vừa giải thích các công đoạn để làm ra sản phẩm vừa “thống kê” các loại sản phẩm mà cơ sở sản xuất của anh đang làm.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì không thể nhận ra những chiếc khay vuông vức, những chiếc đĩa, chén, chiếc ly tròn tròn, những chiếc quạt xinh xắn được xếp chồng lên nhau khá ngăn nắp này vừa được những người thợ trong xưởng của anh Tuyến cho “thoát phận mo cau”. “Lên các chuyến bay của VietJet rồi đấy!” - Tuyến thông báo ngắn gọn.

Anh nói thêm: “Sắp tới tôi sẽ tìm cách đưa đến các khu du lịch để giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường này. Giá thành, tùy loại, có hơi cao một chút nhưng tôi nghĩ, xu hướng hiện nay là không nên dùng các loại đồ đựng thức ăn bằng túi bóng hoặc nhựa sử dụng một lần. Một đất nước mà nhìn đâu cũng thấy rác ny lon thì không thể nói là xanh - sạch - đẹp” được”.

Thực ra thì với giá bán 1.700 đồng/chén, 400 đồng/muỗng…, lại có thể tái sử dụng thì không quá đắt để mà phân vân. Người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng vào độ sạch của các loại sản phẩm này sau khi được xử lý bằng các phương pháp làm sạch bằng dây chuyền công nghệ khử trùng hiện đại.

Chả thế mà, trong lúc chúng tôi trò chuyện thì một khách hàng tận Hải Dương đã vào để nhận container hàng đầu tiên xuất sang Hàn Quốc. Sau 20 ngày, những công nhân ở xưởng đã sản xuất được 200 nghìn sản phẩm thuộc 16 chủng loại gồm chén, đĩa, muỗng, ly, quạt, khay…, trị giá 400 triệu đồng.

“Tôi đã thấy tiềm năng xuất khẩu từ những container hàng như thế này!” - Tuyến hy vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mo cau thoát phận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO