Nghĩa tình thời bình...

XUÂN HIỀN - HỒ QUÂN 27/07/2022 06:58

Có một nơi mà nghĩa tình và tri ân chính là ý niệm để vận hành mọi hoạt động. Ở đó, đôi lúc những người đồng đội cũ gặp nhau, tay xiết chặt nhớ những ngày gian lao. Ở đó, có những người cuộc đời này chỉ còn một mình, nhưng họ biết mình không đơn độc...

Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công Quảng Nam tính đến nay đã chăm sóc, điều trị gần 2.000 lượt thương bệnh binh cả trong và ngoại tỉnh. Ảnh: Q.H
Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công Quảng Nam tính đến nay đã chăm sóc, điều trị gần 2.000 lượt thương bệnh binh cả trong và ngoại tỉnh. Ảnh: Q.H

1. Những ngày này, ở Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công (phường Thanh Hà, TP.Hội An), những giỏ hoa thắm tươi đặt khắp các phòng. Đoàn người ở nhiều độ tuổi, ngành nghề, từ cả trong lẫn ngoài địa phận Quảng Nam tìm đến, xôn xao cả vùng không gian vốn tĩnh lặng. Những tiếng cười nói của lớp trẻ, hình như, giúp người già bớt đi khoảng lặng của từng ký ức theo ngày tháng tìm về.

Mẹ Võ Thị Sao, năm nay 79 tuổi, chọn trung tâm làm nơi sống những ngày tuổi già. Khi người thân của bà lần lượt qua đời và cũng từ trước đó, chồng và con đều hy sinh, khi nghe địa phương giới thiệu về trung tâm, biết ở đó sẽ có những đồng đội, đồng chí của mình, người phụ nữ này không ngại ngần để chọn nơi đây trở thành ngôi nhà thứ hai của mình.

Dáng vóc của một đàn bà từng len lỏi ở nơi địch vây ráp, đóng bốt đồn nhằm bám sát tình hình để báo lại cho quân đội ta, dù qua những tàn khốc của thời gian, vẫn toát lên thần thái nhanh nhẹn, tinh anh. Nhiều năm làm công tác hậu cần, ở ngay Cây Thị Đồng Tràm (xã Quế Phú, Quế Sơn), hình như chưa bao giờ lòng người phụ nữ này thôi những câu chuyện của chiến chinh.

Cũng như mẹ Sao, mẹ Diệp Thị Vui, Huỳnh Thị Bảy... đều là những người phụ nữ đã từng trải qua những khốc liệt của đạn bom, những đau đớn từ cả trong thân thể lẫn tinh thần. Mất chồng, mất con, có những người chỉ trong một năm nhận đến hai giấy báo tử.

Ngày ấy, họ là những người phụ nữ tóc xanh. Bây giờ, họ là những mẹ Việt Nam anh hùng, những thương bệnh binh, những người giữ trong mình rất nhiều vết thương - theo nhiều nghĩa khác nhau. Những câu chuyện họ kể, đã có lúc nhớ, lúc quên. Những giọt nước mắt nhớ chồng con, cũng đã lặm sâu xuống dưới những nếp nhăn.

Nhưng bao giờ, những ngày tháng Bảy hằng năm, khi lúc nào cũng có bước chân người tìm đến không gian này, thì ký ức về những tháng ngày cam go nhứt, lại trỗi lên. Nước mắt người già, như hơi sương thôi, nhưng lúc nào cũng làm cay lòng người…

Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công Quảng Nam - nơi nghĩa tình thời bình biểu hiện rõ nét nhất. Ảnh: Q.H
Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công Quảng Nam - nơi nghĩa tình thời bình biểu hiện rõ nét nhất. Ảnh: Q.H

2. Nhưng cũng là một niềm an ủi, khi họ có rất đông người sống cùng, những người chăm sóc tận tụy. Mẹ Huỳnh Thị Bảy nói, cán bộ công nhân viên đội ngũ phục vụ tại đây nhiệt tình lắm.

“Có những người nằm một chỗ thậm chí đã 7, 8 năm, nhưng má thấy mấy đứa nhỏ chăm sóc rất cẩn thận. Tắm rửa, đút ăn, thậm chí hỗ trợ để mấy người lớn tuổi ở đây được đi dạo cho thông thoáng...” - mẹ Bảy bảo.

Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công hẳn là nơi không chỉ cần đội ngũ những người có nghiệp vụ về y học.

Ông Phạm Đình Ca - Phó Giám đốc Trung tâm nói, lực lượng cán bộ nhân viên ở đây, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, họ còn cần nhiều hơn nữa sự tinh nhạy, đồng cảm để hàn gắn, làm lành những thương tổn từ thẳm sâu đến cả đau nhức của cơ thể những người đã dành cuộc đời mình vì hòa bình dân tộc.

Cho đến bây giờ, trung tâm đã điều dưỡng, điều trị phục hồi chức năng và đưa về ổn định ở gia đình gần 2.000 thương binh, bệnh binh nặng và đang phụng dưỡng 55 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người có công.

Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công Quảng Nam - nơi nghĩa tình thời bình biểu hiện rõ nét nhất. Ảnh: Q.H
Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công Quảng Nam - nơi nghĩa tình thời bình biểu hiện rõ nét nhất. Ảnh: Q.H

Những con số như vậy, đã nói lên hết áp lực công việc của nhân viên chăm sóc, điều dưỡng tại đây. Nhưng lạ lùng, chúng tôi không nghe lời cảm thán nào về công việc, thay vào đó họ thuộc từng câu chuyện của các mẹ, thương bệnh binh, người nào đã mấy năm ở đây, đã đau những vết thương của cuộc chiến nào.

Hộ lý Lê Thị Chín - thâm niên hơn 20 năm làm việc ở trung tâm chia sẻ: “Có những người khó tính nên việc chăm sóc của mình phải có tâm, phục vụ dần dần, thì tình thương cũng bắt đầu. Từ đó mình xem như người thân. Thương binh, người có công càng ngày càng yếu, tâm tính người lớn tuổi mình phải hiểu”.

Vì hiểu, nên họ đã làm việc bằng tất cả tâm huyết. “Mình cũng nhớ câu “Uống nước nhớ nguồn” để chăm lo tốt cho các cụ. Mong các cụ sống vui, sống khỏe. Các cụ vui thì chúng tôi cũng phấn khởi, làm việc tốt hơn” - chị Chín nói thêm.

Có nhiều nữ điều dưỡng, từng ấy năm trung tâm hình thành thì cũng chừng đó thời gian họ gắn bó với nơi này. Người nào thích ăn món gì, hằng ngày uống thuốc ra sao, các điều dưỡng thuộc nằm lòng, và cũng thuộc cả tính cách mỗi cụ ông cụ bà, chỗ nào đau nhức, khi nào thì phải gọi bác sĩ… Và cũng đã rớt nước mắt, mỗi khi tiễn biệt một ai. “Làm riết rồi thương các cụ như người nhà mình” - họ nói.

Chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt từng thương bệnh binh, công việc này đòi hỏi những người như chị Chín... phải thật sự nhẫn nại, chịu đựng và có tâm, bởi người già thì khó ở, hơn nữa, họ còn mang trong mình vài căn bệnh không thể chữa khỏi ngày một ngày hai.

3. Và thật lạ lùng, ở nơi tưởng chỉ có những nỗi buồn của quá khứ, những vắng lặng của tình thân, thì tình yêu lại nảy nở giữa vòm trời này.

Nhiều năm về trước, người ở trung tâm chứng kiến một đám cưới đẹp như cổ tích giữa thương binh nặng Võ Văn Đến và nữ hộ lý nhỏ hơn gần 20 tuổi Võ Thị Tín. Thương binh Võ Văn Đến được đưa đến trung tâm sau khi bị cắt bỏ 1 chân do bị thương trong cuộc chiến chống quân Pôn Pốt trên đất Campuchia.

Chính những ngày chăm sóc anh thương binh người Quế Sơn hiền lành và vui tính, cô hộ lý Võ Thị Tín đã mến rồi yêu. Bây giờ, hai người con của họ - những đứa trẻ được sinh ra từ hạnh phúc đặc biệt này, đều đã thành danh. Có nhà riêng, nhưng phần lớn thời gian trong ngày vợ chồng họ dành cho trung tâm.

Hộ lý Võ Thị Tín vẫn hằng ngày chăm sóc những cụ ông cụ bà lớn tuổi, còn ông Đến thì ngồi cùng đồng đội trở về từ chiến trường ác liệt khi xưa, để tâm tình và xoa dịu những nỗi đau.

Trong căn phòng được bài trí gọn gàng ở trung tâm, vợ chồng ông bà Trần Hẳn - Trần Thị Bảy cùng chăm sóc lẫn nhau. Cả cụ ông cụ bà đều đã hơn 80 tuổi. Bà là thương binh nặng, hơn 81%, ông là thương binh hơn 61%.

Bị thương nặng khiến ông bà không có con, nhưng ông bà vẫn hạnh phúc vì có nhau. Họ như hai mảnh ghép rời của bức tranh quá khứ, để ngày hòa bình gặp nhau và thương yêu nhau, bù đắp cho nhau những mất mát, chia ly...

Những nỗi đau, theo một cách nào đó, ở những con người đang cùng sống tại trung tâm này, hình như đều giống nhau. Nhưng có lẽ, cũng ở nơi đây, nghĩa tình thời bình phần nào xoa dịu nỗi đau quá khứ, mỗi ngày, khi bên họ là sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cùng vòng tay chăm sóc, yêu thương của mọi người...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩa tình thời bình...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO