Săn cá đặc sản dưới Hoàng Sa

LÊ VĂN CHƯƠNG 22/06/2021 09:45

Những con cá nhím tròn tựa quả bóng và giương gai nhọn tua tủa; cá mặt quỷ trông giống cục đá và nếu ngư dân nào bị gai đuôi ghim vào tay thì lập tức ngã bật vì đau đớn khắp người; cá chình có hàm răng sắc như dao và ngư dân có thể gây mê bằng cách ném một cục đá nhỏ vào thùng nước để chúng bớt hung dữ...

Ngư dân nhìn về phía các đám mây ở Hoàng Sa để đoán thời tiết. Ảnh: V.C
Ngư dân nhìn về phía các đám mây ở Hoàng Sa để đoán thời tiết. Ảnh: V.C

Trung Quốc đơn phương cấm biển, nhưng các ngư dân vẫn lặn lội giữa các đảo ngầm để bám biển mưu sinh, săn các loại hải sản mà vùng biển gần đất liền rất hiếm gặp.  

Những ánh đèn dưới đáy biển chọc thẳng lên mặt nước khiến khung cảnh biển đêm huyền bí, vì dễ liên tưởng đến một ngôi làng nào đó lung linh dưới đáy đại dương.

"Trèo núi" dưới đáy biển

Ngồi trong ca bin, thuyền trưởng Quang (ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, Quảng Ngãi) dõi theo bóng của những ngọn đèn, tay nhích cần ga cho con tàu bám theo 6 ánh đèn để dây tiếp dưỡng khí không bị kéo quá căng. Sau 50 phút, các thợ lặn từ độ sâu 22m bắt đầu ngoi lên. Giỏ cá căng tròn phát ra âm thanh xào xào và mọi ánh mắt đổ dồn với những câu nói “1 tôm, 2 mặt quỷ, 5 cá nhím…”.

Đó là hình ảnh khó quên với chúng tôi trong chuyến đồng hành với ngư dân đánh bắt ở vùng biển khơi vào thời điểm Trung Quốc đơn phương tuyên bố cấm biển từ ngày 1.5 đến 16.8.

Bong bóng và da cá nhím phơi khô.
Bong bóng và da cá nhím phơi khô.

Con tàu của ngư dân thôn Phú Quý (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thả neo giữa bãi ngầm Ba Tiến, quần đảo Hoàng Sa vào chiều 15.5, giữa lúc đoàn tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn tiếp tục hải trình ra hướng đông để đến bãi ngầm Macclesfield. Trên máy Icom, một ngư dân ở cửa biển Kỳ Hà loan thông tin phải đi thêm 15 hải lý nữa ra đảo Bom Bay để đánh bắt, nhưng đến Macclesfield thì may ra kiếm được nhiều cá hơn.

Ở ngoài khơi, mây thường kết thành nhiều hình thù cực kỳ ấn tượng như chiếc quạt, con tàu, pháo nổ, ngôi nhà, cánh rừng… Trong cuốn sách “Nhà giả kim”, tác giả Paulo Coelho thường nhắc đến cụm từ “tâm linh vũ trụ”, có nghĩa là thiên nhiên dường như thường có những điềm báo những điều sẽ xảy ra.

Ở ngoài vùng biển xa xôi này, mây trên bầu trời dường như cũng ngầm báo trước cho con người những điều sẽ xảy ra. Ngư dân Lương Văn Tiền (ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành) từng khẳng định “nếu không biết trước thì đi ghe nhỏ, đi ghe buồm là chết hết”.

“Vài ngày nữa sẽ có mưa dông, tháng 8 thì chòm mây hình quạt kia sẽ đổ ra hướng biển, tháng 3 thì đổ vào phía mặt trời”, các ngư dân nói về kinh nghiệm dân gian và cũng không quên nhắc chuyện nếu có chút mưa gió thì biển sẽ xuất hiện nhiều cá, thợ lặn cá sẽ lướt đi nhanh hơn dưới đáy biển để lặn bắt cá nhím, hải sâm, cá mặt quỷ…

Bãi ngầm Ba Tiến dài gần 20km, từ trên boong tàu nhìn bằng mắt thường vẫn có thể thấu suốt cảnh vật dưới làn nước biển trong vắt. Các ngư dân cho biết, phần lớn gò san hô là những quả đồi nhỏ nằm bạt ngàn, mỗi quả chỉ rộng khoảng 30m, vì vậy các loại cá ngon nhất sẽ quần tụ về.

Ngư dân còn chỉ những con số tọa độ khá chi tiết bao gồm kinh độ, tọa độ, các thông số phút, giây và khiến tôi ngạc nhiên vì các anh nắm quá rõ đáy biển. Đêm thứ 2 của phiên lặn, 6 thợ lặn rời mạn tàu, lao xuống đáy biển ở vị trí “nhà cá” mà các ngư dân đã đề cập. Chỉ 15 phút sau, những bóng đèn lặn đã thấp thoáng xuất hiện trên mặt biển, báo trước về phiên lặn trúng đậm.

Ngư dân Trần Thanh Vương (quê ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) oằn vai để kéo từng giỏ cá nặng. Mỗi giỏ chứa khoảng hơn 20kg cá. Những con cá nhím mỗi khi kéo lên thường căng tròn như quả bóng, xù gai, vì vậy chiếm diện tích khá lớn trong giỏ. Do phiên lặn quá nhiều cá, các ngư dân phải chọc thủng da để cá nhím hết “xù lông”, người dài thuỗn ra, ánh mắt đờ đẫn vì không còn khả năng kháng cự theo bản năng.

Cá phản công

Ở quần đảo Hoàng Sa, ánh đèn đêm trên tàu giống như ánh mắt khép mở linh hoạt. Thuyền trưởng Quang ra mũi tàu đốt nén hương và nắm giấy bạc. Lễ vật để cúng tại Hoàng Sa bao giờ cũng phải có thêm 2 đĩa trầu cau...

Ở quần đảo Hoàng Sa có rất nhiều loại cá nhím lớn. Cá được làm thịt ngay để kịp phơi bộ da vào sáng sớm hôm sau. Ngư dân không quên bóc tách bong bóng cá phơi riêng và cả 2 mặt hàng này đều xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc.

Da cá nhím để chế biến món ăn, sau khi đã nấu chín và nhổ sạch lông. Ngư dân bán da cá với giá 1,7 triệu đồng/kg, bong bóng cá được bán với giá từ 4,5 đến 7 triệu đồng/kg. Ngư dân Lê Văn Trung (cũng ở Phú Quý) cho biết, mỗi phiên biển chỉ kiếm được chừng hơn 1kg bong bóng cá, có lần anh em lấy nấu ăn thử vài bong bóng, cảm nhận hương vị tuyệt ngon. Cá nhím sashimi là món đặc sản đường phố của Nhật Bản, nhưng ở Việt Nam thì nhiều người vẫn e ngại ăn loại cá này.

Trong màn đêm, bóng những chiếc tàu cá thấp thoáng rìa bãi san hô. Ở quần đảo Hoàng Sa, ánh đèn đêm trên tàu giống như ánh mắt khép mở linh hoạt. Thuyền trưởng Quang ra mũi tàu đốt nén hương và nắm giấy bạc. Lễ vật để cúng tại Hoàng Sa bao giờ cũng phải có thêm 2 đĩa trầu cau. Các ngư dân nhắc chuyện những binh phu đi Hoàng Sa thời trước đều là người sống ở thời ăn trầu, phiên biển nào các ngư dân cũng vái lạy và nguyện xin cho chuyến biển thuận lợi, đánh bắt thành công.

Bãi ngầm Ba Tiến cũng là một trong những điểm ngư dân Quảng Nam ra bủa lưới rút. Nằm cách đất liền khoảng 150 hải lý, nhưng bãi này giống như một hòn đảo ngầm, có nơi chỉ sâu chừng 15m. Ngư dân Quảng Nam làm nghề lưới rút vây thì thường đi sập gò.

Sập gò là cách nói của dân biển, đó là đi ra khu vực vành đai, nơi có độ sâu 70 - 80m và đánh lưới. Chiếc máy định dạng Innoxi trên ca bin thuyền trưởng quét tín hiệu và nhận ra hàng chục tàu cá của ngư dân Quảng Nam đang ở rìa đông của bãi ngầm, hoặc di chuyển ra hướng bãi ngầm Macclesfield. Ngư dân làm nghề lưới vây rút chì đánh được các loại cá nổi như cá ngừ, nục, chim, thu, còn những loại cá ngon nhất trên đại dương thường sống dưới đáy biển nên rất ít khai thác được.

Phiên lặn cuối cùng kết thúc lúc 4 giờ 30 phút, các ngư dân kéo cá đổ xuống hầm, bỗng có những động tác thậm thụt, dò dẫm giống như giây phút “chạm mặt” thủy quái. Thì ra, trong giỏ cá kéo lên tàu có rất nhiều cá chình. Những con chình hoa nằm bất động trong giỏ lưới, nhưng chỉ cần một cú đớp ngược là mất cả ngón tay. Ngư dân phải đeo găng dày và hết sức thận trọng khi chộp đầu chình hoa, ném xuống hầm tàu nuôi nhốt, khi vào đất liền thì chình sẽ được vận chuyển sống tới các nhà hàng.

Cá mặt quỷ thường được báo chí đề cập với giá vài triệu đồng/con, đó là loại cá thường sống ở đáy biển Hoàng Sa. Phiên lặn nào ngư dân cũng ngoi lên và mang theo 1 - 2 con cá mặt quỷ. Bắt cá mặt quỷ cũng phải rón rén như bắt chình. Bởi chiếc đuôi có gai của nó quất vào tay thì ngư dân phải được đưa ngay đến phòng cấp cứu để giải độc.

Chiều, những đám mây xòe ra như hình rẽ quạt ngay trước mũi tàu. “Sắp có bão” – một ngư dân thốt lên. Ngay chiều hôm đó, Đài Thông tin Duyên hải miền Trung phát đi dự báo, khu vực tây Thái Bình Dương có thể hình thành cơn bão. Và đêm đó, âm thanh của cá nhảy trên sàn tàu nhiều hơn. Ngư dân không vội bỏ chạy ngay khi nghe tin bão. Hai ngày sau, thuyền trưởng Quang thò đầu ra khỏi ca bin reo lên “tan bão rồi, tiếp tục thôi anh em ơi!”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Săn cá đặc sản dưới Hoàng Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO