Thảo dược xứ Panan

ALĂNG NGƯỚC 21/08/2021 05:49

Ông Phạm Quốc Phòng nói, quan trọng nhất với mình bây giờ, là sản xuất dược liệu tự nhiên từ chè dây razéh, chè dây búp razéh, trà hoa hồng... và chất lượng sản phẩm bán ra thị trường. Bởi đó mới thực sự là thương hiệu mà ông muốn xây đắp ở xứ Panan (xã Tư, Đông Giang) này.  

Ông Phạm Quốc Phòng bên vườn hoa hồng được trồng dưới chân núi Panan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ông Phạm Quốc Phòng bên vườn hoa hồng được trồng dưới chân núi Panan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cuộc mưu sinh lận đận khiến ông Phạm Quốc Phòng trải qua rất nhiều công việc. Nhưng, người ta thấy ở ông nghị lực không mệt mỏi của một nông dân chính hiệu. Bắt đầu làm quen với khởi nghiệp ở tuổi 50, không bao lâu, ông cho ra đời lần lượt sản phẩm độc đáo từ rừng tự nhiên.

Đó là vào năm 2016, lần đầu tiên ông xuất xưởng hơn mươi tấn chè dây ra thị trường trước sự ngạc nhiên của các cư dân vùng núi Panan. Bước đầu thành công, ông khuyến khích nhiều hộ dân trong vùng thay đổi tư duy canh tác, mở hướng phát triển vườn cây dược liệu dưới tán rừng.

Ông Phòng nói, cuộc đổi đời của mình nhờ chút duyên ở vùng đất này. Hơn 30 năm trước, sau thời gian nghỉ việc ở Nông trường Quyết Thắng, vợ chồng ông dắt díu nhau đến vùng đất rộng dưới chân núi Panan để định cư, mong tìm cơ hội thay đổi cuộc sống.

Rồi ông được bầu làm trưởng thôn, may mắn được dự một cuộc họp của xã để nghe triển khai chủ trương, bàn bạc tìm kiếm mô hình kinh tế phù hợp cho người dân phát triển. Cuộc họp đó, chính quyền địa phương thống nhất chuyển đổi từ trồng keo sang trồng chè dây razéh - một loại dược liệu mọc hoang trên núi.

“Mỗi ngày, vợ chồng tôi chỉ thu hoạch búp hoa hồng 2 lần, vào sáng sớm và cuối chiều. Bởi đây là thời điểm hoa hồng cho nhiều hàm lượng vitamin và một số hoạt chất khác. Chỉ ngắt búp hoa vừa hé nụ để làm trà nên chất lượng trà được đánh giá rất cao. Năm 2020, sản phẩm trà hoa hồng Panan được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP và được biết đến như một thương phẩm đặc trưng xứ Panan của đồng bào Cơ Tu ở vùng đất này” 

(Bà Nguyễn Thị Oanh - vợ ông Phòng)

Nắm cơ hội trong tay, ông Phòng mạnh dạn vay vốn, gom góp tất thảy vốn liếng gia đình lên rừng tìm giống chè dây tốt nhất để di thực trồng ngay đồi cao trước nhà.

“Thấy chè dây của mình sống tốt, bà con mới bắt đầu học hỏi kinh nghiệm. Tôi chia sẻ tất tần tật những gì mình biết giúp bà con từ cách trồng, chăm sóc các loại chè dây razéh, hoa hồng cổ, cho đến việc thu hoạch, tạo ra thương phẩm độc đáo ra thị trường” - ông Phòng bộc bạch. 

Hoa hồng xứ núi

Nói chuyện một chặp, ông Phòng lấy từ trong tủ ra những gói trà hoa hồng đã đóng hộp, giới thiệu với khách. Một sản phẩm mới, được ông mày mò nghiên cứu, tìm hiểu và cho ra đời cách đây không lâu.

Công sức bỏ ra, ông Phòng nói là cả một quá trình, từ việc tìm giống hoa, cải tạo vườn đồi, cho đến học cách chăm sóc, thu hoạch. Công đoạn chế biến được xem là cuối cùng cũng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn công nghệ cao, với nguyên liệu chế biến hoàn toàn tự nhiên.

Ngoài trà hoa hồng Panan, ông Phòng đang thử nghiệm sản phẩm mới kết hợp giữa chè dây razéh và búp hoa hồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ngoài trà hoa hồng Panan, ông Phòng đang thử nghiệm sản phẩm mới kết hợp giữa chè dây razéh và búp hoa hồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Những gốc hồng cổ được ông Phòng trồng nhiều năm trên diện tích vườn nhà, nay đã ra hoa rực thắm. Từ trên cao, nơi góc cửa sổ nhà sàn nhìn xuống, những búp hoa xinh xắn khoe sắc thắm giữa vườn hồng nên thơ.

“Hồi trước chỉ trồng chơi là chủ yếu. Sau này, qua sách báo, rồi nghiên cứu thực tế, thấy hoa hồng có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người nên đã tìm nguồn giống để trồng mở rộng, vẫn được ngắm hoa vừa kiếm được tiền” - ông Phòng mở lời.

Từ “cuộc chơi hoa” ban đầu, vườn hoa của ông Phòng bây giờ đã hơn 2.000 gốc hồng cổ, trở thành mô hình kinh tế hiệu quả giúp ông có thêm thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Ông Phòng kể, loại hoa hồng này, hơn chục năm trước, ông lấy về từ một chủ trồng hoa lâu năm ở Huế. Sau thời gian cải tạo vườn đồi trước nhà trồng hoa, ông mở rộng diện tích, rồi nghiên cứu chế biến sản phẩm trà hoa hồng tự nhiên phục vụ khách hàng.

Phát triển du lịch sinh thái từ vườn cây dược liệu

Ông Lê Duy Trường - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Tư (Đông Giang) cho biết, ở địa phương bây giờ, số hộ dân trồng cây dược liệu đã tăng vọt, với hàng chục hécta đất đồi phủ kín chè dây razéh, hoa hồng cổ. Nhiều hộ dân như Phạm Quốc Phòng, Lâm Văn Thông… còn kết hợp trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu với mở rộng không gian tham quan trải nghiệm cho du khách. Xem thảo dược là mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn giúp người dân thoát nghèo, thời gian qua, chính quyền xã Tư quy hoạch nhiều diện tích trồng dược liệu đồng thời phục vụ tham quan, học tập kinh nghiệm giữa cộng đồng. Trong tương lai, một vài khu vực trồng chè dây, hoa hồng sẽ được mở rộng diện tích, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhu cầu thiết yếu đảm bảo mục tiêu “kép” vừa giúp người dân “sống được với nghề”, vừa có cơ hội phát triển du lịch sinh thái, phục vụ du khách.

Thoang thoảng mùi hương từ gói trà hoa hồng càng khiến tôi mê mẩn sau lần thưởng thức ly nước màu hồng nhạt đang cầm trên tay. Vị ngọt thanh, xen lẫn hương quyến rũ cứ dịu ngọt trong cổ họng như thể níu lấy tâm hồn ở một không gian nào đó rất lạ.

Chẳng thế, mà trà hoa hồng rất được chị em phụ nữ ưa chuộng. Tôi đọc trên bao bì, thấy loại trà này không chỉ làm đẹp da và hỗ trợ giảm cân, còn giúp giảm đau bụng kinh cho phụ nữ, rất tốt cho hệ tiêu hóa, viêm họng. Đồng thời trị chứng cảm cúm, ngăn ngừa viêm khớp, ung thư, cũng như chống lão hóa ở người cao tuổi.

“Nhiều vị khách chọn trà hoa hồng pha riêng để uống, cũng có người pha với mật ong và một vài nguyên liệu khác. Nhưng, loại trà này, chủ yếu là dành cho phụ nữ, bởi nó có khả năng làm đẹp da, tái tạo tế bào da chống lão hóa” - ông Phòng cho hay.

Mở rộng quy mô sản xuất, ông Phòng đang thử nghiệm chế biến loại trà kết hợp chè dây - hoa hồng, nhằm đa dạng hơn sản phẩm từ dược liệu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bước đệm này sẽ giúp ông mạnh dạn hơn trong việc hình thành sản phẩm mới, tạo thương hiệu đặc trưng với người tiêu dùng. Và hơn cả, là động lực khuyến khích ông mở rộng diện tích trồng hoa hồng và làm giàu từ chính sản vật tự nhiên ở xứ Panan này.

Mang ơn “cây thoát nghèo”

Nhiều người biết đến chè dây razéh, hẳn sẽ nhớ đến ông Phòng và vài hộ dân Cơ Tu khác ở xã Tư. Bởi chính họ là những người tiên phong trong việc di thực, trồng và chăm sóc thành công chè dây tự nhiên trước khi sản phẩm này trở thành thương hiệu độc đáo như bây giờ. Điều đó, dễ dàng nhận thấy khi đến vùng đất Panan này. Hàng chục hécta đất đồi ngút ngàn chè dây razéh và hoa hồng cổ đón nắng như “của đề dành” mà đồng bào Cơ Tu hoài vọng. Không ít hộ dân ở xã Tư thoát nghèo nhanh chóng nhờ loại chè dây này.

Ông Phòng nói với tôi, chỉ riêng gia đình ông có gần 2ha đất trồng chè dây, cùng hơn 4 sào trồng hoa hồng cổ đang vào mùa thu hoạch. Trước khi thử nghiệm trồng và cho ra đời sản phẩm trà hoa hồng Panan, ông có trong tay diện tích chè dây chất lượng, năng suất thu hoạch mỗi năm 15 - 20 tấn, với doanh thu bình quân 170 - 180 triệu đồng.

Sau bao năm miệt mài, ông trở thành “mô hình điểm”, hằng năm đón rất nhiều người dân trong vùng, các nhà khoa học, cùng thương lái tìm đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, thu mua sản phẩm. Nhờ vậy, từ hộ khó khăn, ông Phòng trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ dân khác trong vùng vươn lên thoát nghèo. Kể từ khi mở rộng diện tích chè dây, gia đình ông Phòng duy trì hỗ trợ giống, liên kết với 3 - 4 hộ dân trong thôn hình thành nhóm hộ cùng phát triển trồng cây dược liệu, cho thu nhập khá ổn định.

Trong kế hoạch của mình, ông Phòng đang tính đến việc đa dạng sản phẩm chất lượng từ cây hoa hồng, trong đó hình thành trung tâm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng, để làm được điều đó, ông Phòng nói, cần sự liên kết hỗ trợ từ doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực và đam mê trong việc kinh doanh đầu tư các sản phẩm tự nhiên từ cây dược liệu dưới tán rừng.

Xem chè dây razéh, cây hoa hồng cổ như mô hình thoát nghèo bền vững, ông Phòng và nhiều hộ dân ở Đông Giang cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn trồng, đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ dân khó khăn trên địa bàn cùng vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là cách mà những cư dân xứ Panan muốn trả ơn vùng đất đã ban tặng cho họ những loại thảo dược quý, giúp mở ra cơ hội đổi đời.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thảo dược xứ Panan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO