Thiện lương, một nẻo về

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN 22/05/2021 05:44

Không ai có thể xóa bỏ lịch sử quá khứ. Với anh Huỳnh Văn Bình (khối phố 4, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ), cách duy nhất để thay đổi số phận là phải bước qua những buồn tủi của ký ức một người từng lầm lỡ. Cánh cửa sẽ không bao giờ khép lại, vẫn luôn còn đó một nẻo về bằng chính khao khát thiện lương trong lòng mình…

Sau nhiều cố gắng, anh Huỳnh Văn Bình đã có thể mỉm cười về tương lai của cuộc đời mình. Ảnh: C.Q
Sau nhiều cố gắng, anh Huỳnh Văn Bình đã có thể mỉm cười về tương lai của cuộc đời mình. Ảnh: C.Q

1. Bốn giờ sáng, mồ hôi đã đẫm trên mặt, trên lưng của người đàn ông trạc tuổi 40. Người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé, gầy gò ấy đã gắn bó với công việc bốc vác thuê suốt nhiều năm nay, đến độ trở thành quen thuộc với những người ở chợ.

“Năm Lơi” là cái tên mà họ vẫn gọi anh mỗi khi có hàng cần nhờ anh bốc vác. Anh làm luôn tay luôn chân, đáp lại những câu chào của bà con xóm chợ bằng một nụ cười hiền, rồi lại tất tả, chạy nhiều hơn đi. Tờ mờ sáng đến tận chiều tối, anh lao vào việc, như một cách để trả nợ cho quá khứ, trả nợ những ân tình…

Câu chuyện của chúng tôi với anh bắt đầu bên góc chợ Tam Kỳ, giữa những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của Huỳnh Văn Bình trong một ngày. Anh kể, về những gian khó của gia đình mình ngày còn nhỏ. Tuổi thơ trong anh là những ám ảnh nhọc nhằn của cuộc mưu sinh.

Ba mẹ vẫn cố gắng cho anh ăn học đến hết phổ thông. Rồi Bình ở nhà, phụ giúp gia đình. Tuổi mới lớn chưa kịp nghĩ suy nhiều, anh dần đua đòi theo bạn bè, thể hiện bản thân, rồi sa chân vào lầm lỡ. Năm 1996, Bình dính án đầu tiên. Mới ra tù, lại trượt dài vì tái phạm.

Công việc của anh Bình kéo dài từ sáng sớm đến lúc tối muộn. Ảnh: C.Q
Công việc của anh Bình kéo dài từ sáng sớm đến lúc tối muộn. Ảnh: C.Q

Chịu 9 năm tù giam là cái giá mà Bình phải trả cho những lỗi lầm của mình. Cánh cửa trại giam đóng lại, chàng trai trẻ đã từng tưởng cuộc đời mình khép đằng sau cánh cửa ấy. Những ước mơ vụn vỡ, kỳ vọng của gia đình với anh cũng sụp đổ, trong cái ngày anh bước chân vào trại giam.

“Mọi thứ tối tăm, bi kịch. Nhưng có lẽ, người đau đớn hơn cả là mẹ, là vợ của mình, khi vừa phải gánh lấy cuộc mưu sinh, vừa chịu đựng những điều tiếng không hay khi mình vào trại. Thời gian ở trong trại là quãng thời gian đằng đẵng nhất, mình cực một, thì ở nhà mẹ và vợ chắc cực mười. Mình ở trong trại, dù sao cũng không phải đối mặt với bà con, họ hàng, còn ở nhà, mẹ vì không chịu nổi cú sốc mà bệnh tình thêm nặng. Đó là khoảng thời gian đau khổ nhất của mình và cả gia đình” - anh kể lại.

Thời gian cứ chầm chậm trôi, trong những day dứt lầm lỗi, trong cả nỗi nhớ tiếc khoảng trời tự do và niềm thương gia đình đang còn ở quê. Không ít lần định buông xuôi, nhưng những day dứt lại trở thành động lực cho Bình.

Đứng dậy hay gục ngã không đơn thuần chỉ là một lựa chọn. Anh đã tự tranh đấu qua những đêm dài suy nghĩ về tương lai, về tuổi trẻ mà mình đã hoang phí đốt cháy ngoài kia. Và anh quyết chí làm lại. Thứ tồn tại duy nhất với anh, là ngày mai. 

Sự động viên của công an phường, các đoàn thể và chính quyền đã giúp anh quyết tâm làm lại cuộc đời mình. Ảnh: C.Q
Sự động viên của công an phường, các đoàn thể và chính quyền đã giúp anh quyết tâm làm lại cuộc đời mình. Ảnh: C.Q

2. Tháng 12.2006, Huỳnh Văn Bình chấp hành xong bản án và được trở về địa phương, kết thúc 9 năm cải tạo. Không biết điểm bắt đầu, hoang mang và tự ti về quá khứ, lo sợ bị kỳ thị, xa lánh, mọi thứ ập đến khó khăn hơn anh vẫn nghĩ.

Sau niềm vui ngày đoàn tụ, là những chông chênh. Thật may, lúc khốn khó nhất, đã có những bàn tay chìa ra cho anh nắm lấy. Ngày anh còn trong trại, Hội Phụ nữ phường đã chủ động gặp gỡ mẹ anh, quan tâm đến gia đình anh bằng những suất quà nhỏ ấm tình người.

Khi được mãn hạn tù trở về, các tổ chức đoàn thể cũng đã phân công cán bộ là những người có tâm huyết, nhiệt tình tham gia quản lý, giáo dục, động viên giúp anh xóa đi mặc cảm về lỗi lầm trong quá khứ.

Sau chín năm ròng, anh biết mình không thể cứ thế buông xuôi. Quá khứ chẳng có gì, chỉ có một hướng là nhìn về tương lai mà sống.

“Lúc đầu, cũng chẳng biết phải bấu víu vào đâu. Mẹ thì già, em thì khờ, hai đứa con còn quá nhỏ dại. Bữa cơm bữa cháo, nhiều buổi tối mình ra ngã tư nằm ngủ, ai thương thì gọi dậy đi bốc vác, không thì mình cứ ngủ cho quên đi. Sáng ra thì chạy quanh xem có công trình nào thì xin đi phụ hồ. Tháng ngày qua đi, trời cũng thương, ngó lấy mình, cho mình sức khỏe để làm việc” - anh bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng cũ.

Được nhận vào làm tại tổ bốc vác tự quản tại chợ Tam Kỳ, Bình lấy công làm lãi, mưa nắng, ngày đêm, kể cả những lời rủ rê của bạn bè cũ, anh bỏ ngoài tai, làm việc như thể để cứu chuộc lấy cuộc đời.

Một niềm tin được gieo xuống, là những bước đầu tiên khi anh đứng lên từ vấp ngã… Suốt quá trình làm việc, biết được những người có cùng hoàn cảnh như mình, anh gặp gỡ, kêu gọi họ cùng tham gia trong tổ bốc vác.

“Về làm với anh, cái gì nhẹ thì phụ anh bưng, cái gì nặng thì cùng anh khiêng, có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo. Mình giờ như là những người tận cùng cái khổ rồi, nếu không cố gắng, sẽ còn khổ nữa” - anh đã nói với họ như thế.

Niềm tin lớn dần trong anh và cả những người đồng nghiệp, mọi người bầu anh làm tổ trưởng. Từ năm 2017, anh tích lũy được số vốn nhỏ, mua một chiếc xe ba gác để chở hàng. Thầm lặng và cần mẫn, anh ngược xuôi với những chuyến hàng chở thuê, chắt chiu từng đồng để nuôi sống gia đình nhỏ.

Đồng hành với anh là những người bạn cùng cảnh ngộ. Mức thu nhập vài ba trăm nghìn đồng mỗi ngày chưa hẳn là cao so với nhiều người, song chính sự vui vẻ, đùm bọc của cả tổ bốc vác, thành quả từ sức lao động, từ sự thiện lương giúp anh và những người đồng cảnh ngộ thêm vững bước trên con đường mưu sinh.

“Tất cả rồi cũng sẽ trôi qua, vết thương nào rồi cũng sẽ lành. Đứng trước những biến cố, thử thách của cuộc đời, tôi thấy mình trưởng thành và vững vàng hơn. Chính tình yêu thương của gia đình, sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con làng xóm, chính quyền địa phương đã giúp tôi tin vào chính mình, quyết tâm làm lại cuộc đời. Không có gì là quá muộn, chỉ muộn khi mình không dám bắt đầu” - anh Bình nói.

3. Nụ cười trở lại nơi mái nhà nhỏ của Huỳnh Văn Bình. Vẫn có những giọt nước mắt khi kể về những ngày đã qua, nhưng mẹ anh - bà Lê Thị Lơi đã có thể yên tâm về anh, khi giờ đây anh đã có thể gánh vác, chăm lo cho cả nhà. Người mẹ hẳn nhìn thấy rõ nhất khao khát thiện lương của anh, thấy nỗ lực của anh để bước qua mặc cảm lỗi lầm, cố gắng làm lại cuộc đời, và đã làm được. Một cái kết mà bà đã hằng mong chờ suốt những ngày mòn mỏi chờ tin con ra trại.

Góc chợ Tam Kỳ trở thành nơi chở che cho một người trẻ trở về từ lầm lỗi. Hăng say lao động, anh Bình dần quên đi cảm giác tự ti của ngày đầu để hướng đến với ngày mai. Không còn quá tin vào rủi may của cuộc đời, anh tâm sự, số phận của mình phải do tự bản thân mình gieo gặt lấy.

Anh Phạm Hồng Anh - đồng nghiệp của anh Bình, cũng là một người từng lầm lỡ nói, chính câu chuyện của anh Bình, lòng quyết tâm dựng lại cuộc đời của anh và sự sẻ chia, thông cảm anh dành cho anh em trong tổ bốc vác là động lực để họ cùng cố gắng.

“Với những anh em trong tổ bốc vác, anh Bình là người anh rất thương mến, luôn hiểu, chia sẻ và động viên. Trở về hoàn lương, ai cũng gặp khó khăn, nhờ có sự giúp đỡ của anh mà anh em có được nguồn sống để lo cho gia đình, nỗ lực hơn để làm việc, sống cuộc đời tử tế” - anh Phạm Hồng Anh chia sẻ.

Quá khứ, dù không dễ quên, nhưng hẳn đã có thể ngủ yên với anh Huỳnh Văn Bình, sau hành trình dài gieo mồ hôi và niềm tin, ươm tương lai của cuộc đời mình. Thiện lương sẽ luôn có một nẻo về, cho anh, cho những ai biết đứng dậy từ nơi mình vấp ngã…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiện lương, một nẻo về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO