Tọ mọ mót vàng ven suối

TUỆ LÂM 01/10/2022 15:34

Khi trời xen kẽ giữa những trận mưa - nắng, dòng suối vừa đủ nước, không sâu cũng chẳng cạn thì những người dân ở những “vùng đất vàng” lại lục đục suốt ngày ở ven suối. Với họ, chẳng có giấc mơ đổi đời nào mà chỉ là làm “tọ mọ” (mót vàng cám) để kiếm thêm bữa ăn.

Từ sáng sớm, nhóm người của anh Hồ Văn H. đã cơm đùm, gạo nắm men theo dọc bờ suối để tìm vàng. Ảnh: T.L
Từ sáng sớm, nhóm người của anh Hồ Văn H. đã cơm đùm, gạo nắm men theo dọc bờ suối để tìm vàng. Ảnh: T.L

Thân cò bên bờ suối

Mùa thu, khi trời bắt đầu những trận mưa mang theo đất đá trên những triền núi đang lở nham nhở từ mùa lũ trước xuống suối, những người dân ở cánh Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Hiệp (Phước Sơn) hay Cà Dy (Nam Giang)… lại cơm đùm gạo nắm ra bờ suối để mót vàng. Người ta thường gọi là những người làm vàng “tọ mọ”.

Những ngày cuối tháng 9, tình hình khai thác vàng trái phép lại rộ lên ở Phước Sơn. Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, huyện đang tăng cường truy quét. Nhưng cả mấy chục năm nay, vẫn cứ thế. Đẩy đuổi thì chạy, khi lực lượng rút đi thì lại làm. Biện pháp căn cơ, vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Từ sáng sớm, nhóm người của anh Hồ Văn H. (46 tuổi, xã Phước Chánh) ăn vội rồi kéo nhau ngược theo bờ suối phía trên nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 để bắt đầu tìm vàng. Nhóm của anh gồm 12 người, kể cả trẻ nhỏ, phụ nữ, là người trong một gia đình dắt díu nhau tới một khe suối, mỗi người một công việc.

Nam thì lấy đá ngăn dòng thành một hố lớn rồi vét cát, đá ở đáy lên. Nữ với chiếc sàng bằng sắt cố gạn đi nhưng hạt sạn to, đến khi chỉ còn lại đám bụi li ti ở dưới đáy sàng thì đổ ra chiếc ca nhỏ để trên bờ, chờ lắng lại. Sau lưng, là đứa trẻ 2 tuổi vẫn đang say giấc.

“Thực ra chẳng có kinh nghiệm nào cả. Đã gọi là tọ mọ, là hên xui. Làm khoảnh này không có thì sang khoảnh khác thử vận may. Thế thôi!” - anh H. nói.

Nhóm người anh H. chỉ có những kinh nghiệm mót vàng từ hồi theo các bậc cha chú trong làng. Họ cũng chẳng khác gì nhóm anh hiện tại, là hên xui. Nhưng ít nhiều, từ cách dựng đá tạo thành hố giữ lòng suối, cách sàng lọc vàng… cho đến thời điểm thích hợp nhất để đi kiếm thêm chút gì cải thiện bữa ăn.

"Dễ làm nhất và dễ có vàng nhất là vào khoảng từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 10 hàng năm. Khi đó, có những trận mưa lớn, kéo theo lớp đất từ các triền núi đổ xuống suối. Vàng ở trong đó. Mà chỉ là vàng cám, những hạt li ti, nhỏ hơn cả hạt cát. Nên nói trúng, là trúng theo kiểu của tụi tui. Một ngày, chia theo đầu người ra được 200 ngàn đồng thì ngày đó có thể gọi là trúng” - anh H. giải thích, đôi tay vẫn thoăn thoắt lấy từng viên đá hộc dưới suối xếp lên từng lớp, xen kẽ ở giữa là tấm bạt chống nước chảy tràn tạo thành một cái hộc rộng chừng 5m. Ba người đàn ông lấy xẻng nhỏ, hất những lớp cát dưới đáy lên cho những người phụ nữ ở trên lắng, lọc.

Hồ Văn P. mới chỉ 18 tuổi, theo chân cha chú đi tìm vàng. Đôi dép xăng – đan mới vẫn chưa mua được. Ảnh: T.L
Hồ Văn P. mới chỉ 18 tuổi, theo chân cha chú đi tìm vàng. Đôi dép xăng – đan mới vẫn chưa mua được. Ảnh: T.L

Hồ Văn P. 18 tuổi, theo chân cha chú làm tọ mọ ở ven sông suối. Hy vọng của em, là kiếm thêm được ít tiền mua đôi dép mới, cái áo trắng để thay cho cái áo cũ đã ngả màu cháo lòng, hòng đeo bám cho hết năm học 12.

“Nhà có 5 anh chị em, mấy đứa sau còn nhỏ lắm, nên phụ được chi thì em phụ thôi. Giờ, vô năm học mới rồi, tiền học, sách vở đã có nhà nước lo. Nhưng em vẫn chưa mua được đôi xăng-đan để mang giống các bạn” - P. cười, tay múc những gàu nước dội lên tấm thảm cỏ nhân tạo. Ở trên đó, những hạt cát nhỏ dính vào sợi cỏ, lấp lánh dưới ánh nắng ban mai nuôi chút hy vọng của P.

Vào mùa này, dọc các con sông Đắk Mi (Phước Sơn), Cà Dy (Nam Giang) rất dễ bắt gặp từng tốp người tay xách nách mang dụng cụ đi tọ mọ. Họ không đào bới hay khai thác kiểu hầm lò mà chỉ dùng cách thủ công nhất, đơn giản nhất là múc cát dưới bờ suối lên rồi lắng lại, tìm vận may.

“Quanh năm chỉ có mấy sào ruộng lúc được lúc mất. Đến mùa keo thì đi bóc vỏ kiếm ngày công. Hai vợ chồng đắp đổi cũng qua ngày được. Nhưng từ khi mấy đứa con lớn, bắt đầu đi học thì chi tiêu ngày một tăng, trong khi chẳng biết đào đâu ra tiền nên mới phải tọ mọ ở ven sông” - chị Bhnước Thị S. thở dài.

Nghèo trên đất vàng

Chúng tôi dọc theo đoạn đường liên xã từ Phước Chánh, Phước Công lên Phước Lộc khi đã quá trưa. Con đường này vẫn ngổn ngang kể từ đợt bão lũ cuối năm 2020 hầu như phá nát toàn bộ. Hai bên bờ suối, là những nhóm người vẫn miệt mài tìm kiếm những hạt vàng li ti ở đâu đó dưới lòng suối.

Những đứa trẻ cũng theo cha mẹ trầm mình trong dòng nước đục ngầu. Ảnh: T.L
Những đứa trẻ cũng theo cha mẹ trầm mình trong dòng nước đục ngầu. Ảnh: T.L

Thấy chúng tôi ghé, nhóm chị Hồ Thị V. vội dừng tay, lục tục kéo nhau lên bờ. Chưa đợi chúng tôi lên tiếng, chị đã vội giải thích: “Nghỉ rồi đây. Hồi nãy có mấy cán bộ công an lên nói rồi, nhưng tiếc ngày công quá, ráng thêm được xí mô hay xí nấy”. Nói rồi chị xốc lại đứa con lớn chừng 2 tuổi phía sau lưng, đi vội về phía bờ suối.

“Làm thế này không sợ bị bắt à?” - tôi hỏi. Chừng như bị làm gián đoạn, người đàn ông trung niên có về gắt gỏng: “Bắt chi? Mấy anh có giỏi thì bắt mấy ông đưa máy đưa móc vô làm rầm rầm trong rừng kìa. Phá nát hết. Chứ như tụi tôi, chỉ như con cò ven suối, không đào bờ, không phá rừng. Mà có bắt cũng chẳng có tiền nộp phạt đâu”. Câu nói có phần ngang ngược nhưng… lại đúng.

Có lần, tôi đem chuyện này hỏi ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, ông lắc đầu, đúng khó! Khó, không phải vì không thể dẹp mà là không muốn làm căng với những người dân đang cố mưu sinh. Chỉ nhắc nhở họ đừng làm nữa. Ông Thoại nói khoan mơ mộng gì xây dựng nông thôn mới ở Phước Lộc hết, mà nhiệm vụ đầu tiên là làm sao để nâng cao được mức sống của người dân. “Khi họ đảm bảo được cuộc sống, thì chẳng bao giờ họ đi làm bậy cả” - ông Thoại phân trần.

Làm vàng tọ mọ, cũng có… đẳng cấp của vàng tọ mọ. Thường thì được chia làm 3 hạng: thứ nhất là những nhóm người chỉ quanh quẩn ở ven sông suối; thứ 2, những người cũng làm ven suối nhưng đào bới, xâm phạm bờ khiến xói lở. Riêng hạng sang hơn cả là làm ở những vùng có vàng khối, có đánh hầm, đánh theo mạch vàng, máy móc hiện đại đủ kiểu… Nhóm này, thường là những đầu nậu có tiềm lực kinh tế, thuê nhân công phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép.

Và, những nhân công đó lại là những người dân địa phương, họ làm thuê trên chính đất của mình. Cách đây chừng dăm năm, nhiều người đi tìm mua lại đất rẫy, ruộng đồng của người dân trải dài từ Phước Đức, Phước Hiệp, Phước Hòa… rồi thậm thụt làm vàng trái phép.

“Bán được mấy đồng, chẳng giải quyết được chuyện chi. Nhưng để đó, cũng chả kiếm được bao nhiêu. Ruộng thì bữa được bữa mất, làm vàng thì bị chính quyền phạt, thành ra bán. Hết tiền thì lại đi làm thuê, ai thuê chi làm nấy. Như mình đây, đang làm ngày công 200 ngàn đồng, cũng đủ lo bữa cơm cho mấy đứa nhỏ ở nhà” - người đàn ông trung niên mặt cháy nắng, tay đều đặn xúc từng xẻng đất lên xe rùa đưa về nơi xay, tuyển quặng, chỉ kịp quay lại nói rằng mình tên Hiên. Mà cũng chẳng biết, đó có phải là tên thật của anh không.

Anh Hiên nói mình làm thuê cho ông chủ tên Thạch ở Bãi Ruộng (xã Phước Thành), ngày hai bữa cơm. Thấy lực lượng truy quét thì lẩn vào rừng, khi họ rút đi thì ra làm lại. Cứ thế nhùng nhằng. Cũng có lúc, chủ bị công an bắt, số tiền công làm cả tháng trời cũng chẳng biết đòi ở đâu. Cuộc đời làm vàng đắp đổi qua ngày. Sống trên vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ vàng” nhưng có mấy ai giàu có được đâu?

Bữa cơm trưa là những nắm cơm với ít muối ớt, cá khô được đùm trong lá chuối. Có lẽ, nếu không có chúng tôi quấy rầy, họ sẽ ăn muộn hơn, tranh thủ thời gian chứ đến nửa chiều mưa sẽ đổ sập xuống, lúc đó, nước suối chảy xiết, có muốn làm cũng chịu. Tôi từng hỏi rất nhiều người đi tọ mọ, nhưng đáp lại là tiếng thở dài, trôi theo dòng nước đục ngầu ở phía xa. Cuộc sống, quẩn quanh với cơm áo, muốn thoát ra, cũng chẳng biết làm thế nào. Biết rõ mình phạm luật, nhưng rồi cũng trượt dài qua những cái chậc lưỡi. Ở phía sau, họ còn có cả một gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tọ mọ mót vàng ven suối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO