Vua trầm

TRẦN ĐĂNG 08/05/2021 07:25

Phải gọi “vua trầm” để nói về Nguyễn Văn Tưởng - người đã làm hồi sinh một thương hiệu từng vang danh cho vùng đất Khánh Hoà cách nay nhiều thế kỷ.

Nguyễn Văn Tưởng trong cánh rừng dó bầu.
Nguyễn Văn Tưởng trong cánh rừng dó bầu.

Trong tưởng tượng của tuổi thơ tôi, người nào sở hữu được trầm hương người ấy phải là một dị nhân. Bà nội tôi kể rằng, nhiều người trong làng đã bỏ xác nơi rừng sâu núi thẳm cũng vì tiếng gọi đầy mê hoặc của loài cây mới nghe thôi mà đã thơm lừng này.

Câu “ngậm ngải tìm trầm” không biết linh diệu đến đâu, cũng không thấy “ngải” ấy như thế nào nhưng ai cũng mặc nhiên thừa nhận, đó là một loại “thuốc” đặc biệt giúp con người có thể khỏe mạnh mà không phải ăn uống gì, có thể chống chọi với tất cả loài thú dữ và nước độc trong suốt hành trình vào rừng tìm kiếm trầm hương. Câu ấy cũng muốn nói về ý chí “sắt đá” của con người, hễ đã xác định được mục tiêu là phải đi đến đích cuối cùng.

Nguyễn Văn Tưởng giới thiệu một khối trầm hương quý. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Nguyễn Văn Tưởng giới thiệu một khối trầm hương quý. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Là tôi suy đoán vậy. Cho đến khi anh Nguyễn Văn Tưởng (sinh năm 1973) bằng xương bằng thịt ngồi trước mặt tôi đây thì bao nhiêu “ma mị” từng hằn sâu trong ký ức của tuổi thơ tôi về trầm, về người sở hữu trầm, tan biến hết.

Tưởng nói anh chưa bao giờ biết “ngải”, cũng chưa “ngậm” thứ ấy bao giờ nhưng gia sản trầm hương của anh thì được liệt vào hàng “vua” của đất Khánh Hòa này. Sự việc bắt đầu từ một câu chuyện đậm màu huyền tích.

Mơ một đàng thành danh một nẻo

“Lúc nhỏ tôi hay dựa gốc cây để nghe đài như bao đứa trẻ thời ấy. Cứ lởn vởn trong đầu tôi một câu hỏi là làm thế nào để người ta có thể nói trong cái loa ấy rất rõ ràng mà lại không thấy người ở đâu cả. Tôi mơ ước sau này lớn lên, tôi sẽ đi tìm cho ra cái người núp trong cái loa ấy” - Tưởng nhắc lại một kỷ niệm vui của tuổi thơ, khi còn sống trên đất Hưng Yên quê anh.

Rồi anh đi bộ đội. Ra lính, Tưởng  thi vô Đại học Bách khoa Hà Nội và đậu đúng cái khoa mà anh mơ ước từ ngày còn bé. Tốt nghiệp đại học, Tưởng vào làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú tại Tây Nguyên năm 1999.

Khung cảnh chuẩn bị cho một nghi thức “thưởng trầm”.
Khung cảnh chuẩn bị cho một nghi thức “thưởng trầm”.

Những chuyến xuyên rừng để về với đại ngàn hoặc qua đêm tại các buôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã giúp chàng trai mang nhiều mơ ước ấy có thêm những trải nghiệm thú vị về văn hóa, phong tục và cách hành xử của con người với thiên nhiên. Tuy vậy, hình như có một tiếng gọi khác từ sâu thẳm cứ thúc giục Nguyễn Văn Tưởng đi kiếm tìm một bến đỗ mới của đời mình.

Cho đến một ngày, anh xuống Nha Trang và ghé thăm Tháp Bà Ponagar. Huyền tích kể về ngôi đền rất đỗi thiêng liêng của người Chăm này cứ đeo bám rồi mê hoặc chàng trai có nhiều mơ tưởng ấy. Nhất là câu chuyện về Thiên Y A Na - Thánh Mẫu liên quan đến trầm hương càng thôi thúc Nguyễn Văn Tưởng phải mày mò tìm hiểu.

Và rồi như một kỳ duyên, Tưởng quyết định… thôi làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam và xuống định cư ở Nha Trang để phục dựng, viết tiếp câu chuyện về trầm hương. Câu ca dao “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương/ Non cao bể rộng người thương đi về” cứ ám ảnh lấy Tưởng. Đó là năm 2008, sau 9 năm anh gắn bó với Tây Nguyên và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nơi hội tụ của linh khí đất trời

Trầm hương hầu như có mặt khắp dải đất Việt Nam, đặc biệt là miền Trung - Tây Nguyên. Nhưng tại sao lại gọi Khánh Hòa là “xứ Trầm Hương” để thi sĩ lừng danh Quách Tấn viết hẳn một quyển sách nói về xứ sở này?

Tôi thắc mắc với Nguyễn Văn Tưởng thì được anh giải thích: “Khánh Hòa là nơi đón hai dòng hải lưu giao thoa trên biển. Chính khí hậu đặc biệt như vậy đã góp phần tạo sự khác biệt giữa trầm hương Khánh Hòa với các nơi khác. Cây dó bầu - nơi sản sinh ra trầm hương có mặt khắp dải Trường Sơn và Tây Nguyên, song chỉ có cây dó ở Khánh Hòa mới cho ra loại sản phẩm trầm hương đặc biệt. Nó là linh khí của đất trời và linh khí ấy phải hội đủ các điều kiện của thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng. Khánh Hòa đã có tất cả yếu tố đó”.

Chính vì trầm hương là “linh khí của đất trời” nên được các triều đại của người Chăm dùng nó trong các mối bang giao với các nước láng giềng. Trầm hương cũng đã xuyên đại dương cùng với các chuyến tàu buôn châu Âu để có mặt trong các nghi lễ của người Ả Rập trong nhiều thế kỷ trước đây.

Tưởng và những ý tưởng

Nếu chỉ đam mê “nghiên cứu chay” thì sẽ không thành “vua trầm” như người đời phong cho Tưởng hôm nay. Anh nói rằng, một khi trầm hương được xem như linh khí của đất trời thì linh khí ấy phải được lan tỏa để mọi người cùng hưởng. Trong một thời gian dài, Nhà nước coi dân “đi điệu”, tức những người đi tìm trầm là bất hợp pháp. Còn những người buôn bán trầm hương là dân buôn lậu vì trầm được coi như hàng quốc cấm.

Sau khi tìm hiểu về “lai lịch” của trầm ở Khánh Hòa, Nguyễn Văn Tưởng bắt tay thực hiện ý tưởng của mình: phải khôi phục vị thế của một sản vật từng vang danh một thời nhưng đã bị chìm khuất bởi nhiều lý do, trong đó có việc coi trầm như hàng quốc cấm. Cần phải “khai thông” câu chuyện hàng cấm này trước rồi mới tính tiếp câu chuyện biến trầm hương thành một thứ hàng hóa nhưng là “hàng hóa đặc biệt”.

Kiến nghị của Nguyễn Văn Tưởng về việc bãi bỏ coi trầm như hàng quốc cấm đã được các ban ngành hữu quan ở trung ương ủng hộ. Cho đến năm 2004, sau các cuộc hội thảo về trầm hương với sự đóng góp tích cực của Nguyễn Văn Tưởng, trầm hương đã được “tháo xích”.

Để cho danh chính ngôn thuận, Nguyễn Văn Tưởng thành lập Công ty ATC - Trầm Hương Khánh Hòa. Trầm hương thô đã nâng lên một cấp bằng những chế tác tinh xảo. Tưởng muốn biến Khánh Hòa thành “thủ phủ” của trầm hương và thực sự, và sau chưa đầy 10 năm, ý tưởng đó của anh đã thành hiện thực.

Không chỉ là chế tác và mua bán trầm, những cánh rừng trồng dó bầu hàng ngàn héc ta ở phía đông Đắk Lắk cũng đã được chăm chút hơn 10 năm qua. Đó sẽ là nơi bảo tồn nguồn gene quý hiếm của thứ cây sản sinh trầm hương và là nguồn cung cấp trầm trong một tương lai không xa.

Tôi thật sự “ngợp” khi đặt chân vào Bảo tàng trầm hương ở xã Phước Đồng, ngoại ô Nha Trang. Tưởng đã đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng bảo tàng này. Không chỉ là nơi trưng bày những khối trầm và kỳ nam khổng lồ được Tưởng sưu tầm khắp vùng rừng Khánh Hòa và Tây Nguyên, Bảo tàng trầm hương còn là câu chuyện kể về lịch sử của một vùng đất kể từ khi cha ông ta mở cõi về phương Nam.

Là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng trầm hương, dĩ nhiên lợi nhuận phải được coi trọng, song điều quan trọng hơn là thông qua sản phẩm của mình, Nguyễn Văn Tưởng muốn giới thiệu với bạn bè năm châu về đất nước và con người Việt Nam cùng với sự kỳ diệu của nó mà trầm hương như một sứ giả.

Công ty ATC - Trầm Hương Khánh Hòa tài trợ cho nhiều sự kiện lớn trên đất nước ta như Hội nghị APEC 2017 - mỗi đại biểu được tặng một chiếc quạt trầm hương, rồi tài trợ cuộc chạy marathon toàn quốc tại đảo Lý Sơn hồi năm 2020 và mới đây nhất là tại Pleiku.

Hiện tại, ý tưởng về một “Làng hoà bình sáng tạo” trên đèo Cù Hin bên bờ vịnh Nha Trang vẫn luôn thôi thúc Nguyễn Văn Tưởng. Anh như người “nhập đồng” khi nói về dự định này. Ngôi làng 2.200ha ấy xuất hiện trên đèo Cù Hin sẽ là một câu chuyện khác nữa về trầm hương ở Khánh Hòa.

“Một không gian huyền thoại sẽ kể câu chuyện về lịch sử nước nhà trong hương trầm mê hoặc; một bảo tàng sống về biển; những cánh rừng dó bầu sẽ được hình thành nơi này; hàng ngàn món ăn đặc sản từ các vùng miền sẽ tề tựu về đây… Tôi muốn ngôi làng này thành một địa chỉ tin cậy không thể bỏ qua của du khách khi đến Việt Nam” -  Tưởng hy vọng.

Câu chuyện về trầm hương sẽ được con người hay mơ mộng này viết tiếp. Ý tưởng của Tưởng rồi sẽ thành hiện thực. Tôi tin như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vua trầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO