Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Đột phá từ cơ sở

THÀNH CÔNG 01/03/2020 03:54

Bằng cách thanh loại các mô hình không phù hợp, thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp tổ chức, các cấp, ngành của Quảng Nam đã huy động sức mạnh toàn dân vào công tác xây dựng phong trào, hình thành và củng cố thế trận an ninh vững chắc ngay từ cơ sở. Chú trọng chất lượng, bám sát địa bàn, nhiều cách làm hay, hiệu quả dựa trên nguồn lực xã hội hóa đã và đang trở thành điểm sáng để nhân rộng.

 

NHỮNG CÁCH LÀM THIẾT THỰC

Trong bối cảnh chế độ chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh trật tự ở thôn, khối phố còn khá khiêm tốn, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm mới khá sáng tạo, huy động được sự chung tay của cả cộng đồng. Cộng hưởng cùng những mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự” vẫn đang phát huy được vai trò tích cực, các sáng kiến mới đã góp phần củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân.

Trạm gác dân phòng

Từ nhiều năm nay, đội dân phòng của thôn Nam Định (xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành) luôn là điểm sáng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Đặc biệt, từ khi mô hình “trạm gác dân phòng” được xây dựng từ cuối năm 2017 đến nay, địa bàn được quản lý tốt hơn, giảm hẳn những vụ việc phức tạp nảy sinh liên quan đến an ninh trật tự.

Ông Hồ Tấn Sơn – Đội trưởng Đội dân phòng thôn Nam Định chia sẻ, tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc – Nam đi ngang qua thôn Nam Định đã chia cắt địa bàn thành 3 khu vực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh. Thời gian trước, khu vực phía dưới Quốc lộ 1 được quy hoạch thành khu dân cư mới bỗng trở thành nơi các đối tượng thường xuyên tụ tập tiêm chích ma túy, nhậu nhẹt về đêm gây mất trật tự, đua xe trái phép và cả tổ chức trộm cắp vặt. Tuy lực lượng dân phòng và Công an xã đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng tình trạng vẫn không có chiều hướng giảm.

Bức xúc từ tình hình thực tế nên đội dân phòng thôn đề xuất xây dựng mô hình “Trạm gác dân phòng”, kết hợp với việc duy trì tuần tra, trực đường dây nóng để quản lý địa bàn. Ngoài việc được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn xây dựng khu dân cư nông thôn mới, người dân ở thôn đã tình nguyện đóng góp được 15 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng vào việc thiết kế, xây dựng trạm gác đóng tại trục đường chính, trang bị mũ bảo hộ, đèn pin, gậy tuần tra… để phục vụ cho hoạt động của đội dân phòng. Liên tục mỗi đêm, sẽ có 2 người trong tổ dân phòng 14 người của thôn thay phiên đứng trạm, tuần tra địa bàn từ 19 đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.

Nhiều tấm gương điển hình ở cơ sở đã góp phần tạo đột phá trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tấm gương điển hình ở cơ sở đã góp phần tạo đột phá trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh.

“Năm 2018, mô hình “Trạm gác dân phòng” bắt đầu chính thức hoạt động, ngay lập tức đem lại hiệu quả. Địa bàn đã giảm đến 95% tình trạng nhậu nhẹt gây mất trật tự, đua xe trái phép, trộm cắp vặt, nạn hút chích ma túy cũng không còn không còn xuất hiện. Đội cũng ngăn chặn được các ý định trộm cắp, gây gổ đánh nhau của thanh niên trên địa bàn. Nhờ làm tốt, an ninh được giữ vững, xử lý kịp thời các vụ việc nóng, bà con trong thôn sẵn sàng hỗ trợ thêm kinh phí để chúng tôi duy trì hoạt động” - ông Sơn nói.

Tổ cứu nạn cứu hộ biển

Là một địa bàn ven biển, nơi thường xuyên có những tai nạn liên quan đến đuối nước, đắm tàu, Tổ cứu nạn cứu hộ thôn Trung Phường (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) đã nhiều lần ứng cứu thành công cho bà con ngư dân trong thôn, góp phần hạn chế những thiệt hại về người và của.

Ông Nguyễn Văn Lương - Tổ trưởng Tổ cứu nạn cứu hộ trên biển chia sẻ, hoạt động từ vài năm nay, tổ đã tham gia cứu hộ nhiều vụ việc ngư dân bị đắm tàu, gặp các sự cố gây mất an toàn trên vùng biển của thôn và cửa sông Cửa Đại. Tháng 12.2017, trong quá trình di chuyển từ vùng biển Cù Lao Chàm vào Cửa Đại để về bến neo đậu, thuyền của ngư dân Trịnh Mẫn bị sóng đánh chết máy. Trong lúc sóng to, gió lớn, diễn biến thời tiết phức tạp, Tổ cứu nạn cứu hộ thôn Trung Phường đã không quản nguy hiểm, tiếp cận, ứng cứu kịp thời cho ngư dân Trịnh Mẫn và một thuyền viên khác cùng trên tàu.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc mà tổ cứu nạn cứu hộ đã ứng cứu thành công trong suốt nhiều năm qua. Với lực lượng nòng cốt khoảng 10 thành viên từng làm nghề biển, có nhiều kinh nghiệm khi xử lý các tình huống trên sông, cửa biển, tổ cứu hộ cứu nạn không chỉ trục vớt người, phương tiện khi có tai nạn xảy ra, còn tham gia vào việc tìm kiếm những ngư dân bị mất tích khi hành nghề trên cửa sông, cửa biển.

Theo ông Lương, từ thực tế tai nạn trên sông biển ngày càng nhiều, chính từ tình nghĩa với quê hương, các thành viên đã tình nguyện tham gia tổ cứu nạn cứu hộ biển. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho tổ khá khiêm tốn, song các thành viên vẫn nỗ lực duy trì hoạt động của tổ.

“Xác định làm việc nghĩa, giúp đỡ kịp thời cho các ngư dân khi có tình huống xảy ra, anh em luôn sẵn sàng mỗi khi có thông tin. Dù nhiều anh em trong cảnh cơm nhà áo vợ, nguồn kinh phí khá hạn hẹp, song không vì thế mà chúng tôi nề hà nhiệm vụ. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, tổ cứu nạn cứu hộ luôn xung kích đi đầu, giúp bà con kịp thời sơ tán an toàn phòng tránh những thiệt hại” - ông Lương nói.

Bảo vệ làm việc thiện

Được thành lập từ năm 2007, suốt 13 năm hoạt động đến nay, siêu thị Coop Mart Tam Kỳ nhiều lần được biểu dương khi cán bộ bảo vệ, nhân viên nhặt được của rơi, trả lại cho khách hàng bị mất.

Năm 2014, anh Hồ Văn X., khi mua sắm tại siêu thị đã để quên túi xách, trong đó chứa tiền mặt và nhiều tài sản với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng, được nhân viên siêu thị nhặt được sau đó tiến hành trao trả cho khách.

Gần đây nhất, vào ngày 4.12.2019, nhân viên bảo vệ của Coop Mart Tam Kỳ phát hiện túi xách của khách hàng đánh rơi ở khuôn viên siêu thị. Sau khi thông báo trên hệ thống loa của siêu thị mà không có người đến nhận, tổ bảo vệ đã lập biên bản để xác định tài sản, tìm kiếm chủ món đồ thông qua giấy tờ tùy thân trong túi xách, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo siêu thị, ban bảo vệ và các khách mua hàng. Sau khi xác định người mất túi xách là một phụ nữ ở thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước), đơn vị đã chủ động tìm kiếm, liên lạc và trao trả lại tài sản gồm toàn bộ giấy tờ, số tiền hơn 20 triệu đồng.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Coop Mart Tam Kỳ cho hay, toàn thể cán bộ, nhân viên siêu thị luôn được quán triệt việc tham gia gìn giữ an ninh trật tự ở siêu thị, bảo quản tài sản cho đơn vị, đồng thời luôn trung thực, có ý thức giữ gìn tài sản khách hàng.

“Rất nhiều vụ việc khách hàng đến mua sắm để quên hoặc đánh rơi ví, túi xách với nhiều tài sản giá trị lớn được bảo vệ, nhân viên của chúng tôi nhặt được. Những trường hợp này siêu thị đều thông báo rộng rãi để tìm người đánh mất, trả lại nguyên vẹn tài sản cho khách. Đối với những trường hợp khách hàng đã rời khỏi siêu thị, chúng tôi lập biên bản để xác định tài sản, tìm kiếm hành khách thất lạc tài sản để trao trả. Đây không chỉ là nét văn hóa trong thái độ ứng xử, mà còn thể hiện sự văn minh, hiếu khách, xây dựng uy tín, sự tin cậy của Coop Mart Tam Kỳ” - bà Lai chia sẻ.

HUY ĐỘNG SỰ VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ

Sự góp mặt, ủng hộ của các chức sắc tôn giáo, các vị già làng, người có uy tín… trên địa bàn tỉnh đã góp thêm sức mạnh cho việc củng cố, duy trì vững chắc thế trận an ninh nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sức lan tỏa và hiệu quả của phong trào nhờ đó cũng được nhân lên rõ theo từng năm.

Già làng Alăng Đàn (trái) và đại đức Thích Thiện Thế (giữa), hai điển hình có nhiều thành tích trong vận động đồng bào thiểu số, phật tử sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
Già làng Alăng Đàn (trái) và đại đức Thích Thiện Thế (giữa), hai điển hình có nhiều thành tích trong vận động đồng bào thiểu số, phật tử sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.

Tăng cường tình đoàn kết

Chùa Đông An (thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh) thành lập năm 2010. Đây là ngôi chùa đầu tiên của huyện miền núi Đông Giang (đóng tại xã Ba), hiện có hơn 500 Phật tử tu tập thường xuyên, đa số là người Cơ Tu. Kết hợp tính hướng thiện, từ bi hoan lạc của giáo lý nhà Phật với tinh thần “hộ quốc, an dân”, chùa thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó, học sinh con em người Cơ Tu, đồng thời là đại diện tiêu biểu của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo.

Đại đức Thích Thiện Thể - trụ trì chùa Đông An cho biết, các Phật tử luôn tâm niệm sống tốt đời đẹp đạo, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. “Phật pháp không thể rời thế gian, đạo và đời không thể lìa nhau. Đối với vai trò chức sắc tôn giáo trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, bên cạnh việc chính yếu là tu hành, thực hành theo giáo lý, giáo luật của nhà Phật, chúng tôi chỉ dạy cho Phật tử giữ gìn tăng giới, thực thi 10 điều lành, vận động tín đồ sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Ngoài ra, cũng khuyên dạy Phật tử tích cực tham gia các phong trào giữ gìn an ninh ở địa phương, góp phần giữ bình an cho gia đình, thôn xóm nơi mình đang cư trú” - Đại đức Thích Thiện Thể chia sẻ.

Ngược về vùng cao Tây Giang, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nơi biên giới có thêm sự chung tay của những người đặc biệt: các vị già làng. Già làng Alăng Đàn (thôn A Rớt, xã A Nông, Tây Giang) là một trong những tấm gương sáng về kêu gọi, vận động đồng bào vùng cao chung tay gìn giữ an ninh trật tự, thực hiện đúng Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Nhờ sự tích cực, quyết liệt của vị già làng, nhiều năm nay thôn A Rớt không có người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không xảy ra tệ nạn.

Già làng Alăng Đàn thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng bà con, kịp thời đề đạt lên các cấp chính quyền để tìm cách tháo gỡ. Các tổ hòa giải, tổ an ninh ở thôn được thành lập và duy trì, nêu cao trách nhiệm của từng cá nhân với cộng đồng làng, tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

“Mình vừa phải nói để bà con hiểu, bà con tin, vừa phải làm gương cho bà con theo. Giữ an ninh trật tự, là giữ bình yên cho làng mình, để bà con yên ổn làm ăn, tránh được những thói hư tật xấu trong thanh niên. Nói đúng, làm đúng là bà con tin, sẵn sàng cùng nhau góp sức để xây dựng bản làng đẹp hơn, an toàn, văn minh” - già làng Alăng Đàn chia sẻ.

Phối hợp đồng bộ

Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trên cơ sở chương trình phối hợp, thời gian qua, đơn vị luôn đồng hành, chú trọng cùng các cấp ngành triển khai công tác tuyên truyền vận động, kêu gọi nhân dân chung tay xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Việc quán triệt nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác, “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” luôn được duy trì trong nhân dân. Nhờ đó, huy động được sự vào cuộc của các tầng lớp, tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn mọi hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm.

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh gắn với các cuộc vận động, phong trào khác, tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc.

Ngoài ra, hàng loạt đề án về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng, xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn, nhiều cuộc thi, tập huấn, đối thoại với nhân dân được thực hiện, từng bước đưa hiệu quả phong trào đi vào chiều sâu, tạo được sự đồng bộ trong phối hợp.

Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì tổ chức thành công diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”, “nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”, từ đó thu hút được nhiều ý tưởng, ý kiến đóng góp giúp ngành Công an, chính quyền hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn dân cư.

Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường cùng công tác phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội tạo được sức mạnh tổng hợp để phong trào từng bước lớn mạnh, rộng khắp.

“Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Lực lượng Công an đã chủ động làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến tương đối thống nhất trong toàn tỉnh. Thông qua phong trào, đã góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; củng cố, duy trì khối đại đoàn kết toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và nền an ninh nhân dân vững chắc. Việc này đã giúp củng cố hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh từ cơ sở, phục vụ hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh” - Đại tá Phan Văn Dũng cho hay.

“TẤM LÁ CHẮN ĐẶC BIỆT”

Đánh giá cao những kết quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, lãnh đạo tỉnh và Bộ Công an đã có những chỉ đạo để Quảng Nam tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Lực lượng Công an phải biết lắng nghe

Năm 2020 là thời điểm diễn ra hàng loạt sự kiện quan trọng. Cùng với đó, trong bối cảnh đang có những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, cần nhận định thấu đáo những mặt thuận lợi, khó khăn để có giải pháp duy trì, ổn định tình hình an ninh. 

Để tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của phong trào, thời gian tới, các cấp ngành, đặc biệt là ngành Công an cần quán triệt cụ thể, sâu rộng đến từng địa bàn về các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, và phải phù hợp thực tiễn của từng vùng, từng nơi, từng khu dân cư.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho cán bộ Đảng viên và nhân dân, cần chủ động đánh giá đúng tình hình, dự lường các tình huống phức tạp nảy sinh. Phải bám dân, bám phong trào, Công an phải là nòng cốt trong tham mưu, chủ động đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, song song với việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa.

Ngoài ra, không chỉ thuần túy làm công tác đảm bảo an ninh, lực lượng Công an, nhất là Công an chính quy được tăng cường về xã phải lắng nghe những phản ánh của dân, tạo điều kiện cho người dân chia sẻ, và tiếp thu những ý kiến của dân phản ánh.

Lực lượng này phải biết vận động, thuyết phục tùy theo từng đối tượng, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín. Đây là tấm lá chắn đặc biệt để phòng ngừa các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thời gian tới, các địa phương cần đa dạng hóa hình thức phát triển các phong trào, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả, nhưng cũng mạnh dạn loại bỏ những mô hình yếu, chưa thiết thực.

Thời gian qua, đã có những quy chế tương đối tốt, phát huy được vai trò phối hợp, song cũng còn đó nhiều bất cập cần nhận diện, rút kinh nghiệm và thay đổi ngay để đáp ứng tình hình.

Đội ngũ xây dựng phong trào phải có phẩm chất tốt, là tấm gương trước dân về đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin trong dân. Có như thế, hiệu ứng và sức lan tỏa của phong trào mới đi vào chiều sâu trong đông đảo tầng lớp nhân dân. 

Trung tướng Trần Thị Ngọc Đẹp - Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh  Tổ quốc: Cần đột phá trong xây dựng mô hình

 Năm 2019, chủ đề công tác Công an là “hoàn thiện thể chế, tăng cường cơ sở” với phương châm hành động của toàn lực lượng là “chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.

Do đó, cần phát huy vai trò gương mẫu, nêu gương, trước hết là người đứng đầu cấp ủy Đảng, thủ trưởng các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự rõ nét trong lực lượng, xây dựng lực lượng thực sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thời gian tới, Công an tỉnh cần bám sát chương trình công tác trọng tâm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Công an. Trong đó, chú trọng công tác nắm tình hình, kịp thời phân tích, dự báo để có nội dung, hình thức vận động từng đối tượng, địa bàn cụ thể, đem lại hiệu quả cao.

Cấp ủy, chính quyền nên thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai ở cơ sở. Các phòng, ban phụ trách hoạt động phong trào của Công an tỉnh và các địa phương cần kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền lực giải quyết phù hợp, thỏa đáng chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an xã sau khi bố trí Công an Chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

Một trong những việc trọng tâm là phải xây dựng quy định về quan hệ công tác, lề lối làm việc đối với từng mô hình bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở địa phương, kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.

Quảng Nam cũng cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng với những đột phá về phương thức thực hiện, tìm tòi sáng tạo xây dựng, triển khai các mô hình điểm mang tính đặc sắc và phát huy tối đa những tác động chính trị của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong phát triển kinh tế xã hội và công cuộc đổi mới…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Đột phá từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO