Với nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Phú Ninh đã khai thông nhiều “điểm nghẽn” trong dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trên thực địa gói thầu số 7, vào đầu giờ chiều ngày 30.3, chúng tôi ghé vào thăm gia đình ông Trương Kim (thôn Xuân Trung, xã Tam Đàn, Phú Ninh) để nắm bắt lý do vì sao hộ này còn “cầm cự” chưa tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) và đơn vị thi công. Vợ ông Kim cho biết, ban đầu, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Ninh (nay là Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Ninh) khi đến gặp thông báo chủ trương chuẩn bị thu hồi đất phục vụ thi công đường cao tốc thông tin, với diện tích bị ảnh hưởng như trên thì sẽ được bố trí 3 lô tái định cư (TĐC). Gia đình thấy vậy cũng mãn nguyện vì diện tích thu hồi lớn và tin tưởng lời của người có trách nhiệm ở đơn vị bồi thường. “Mà ngờ đâu, họ xác định lại nguồn gốc đất sử dụng từ sau năm 1980, nên cho rằng chỉ được bố trí 1 lô đất và đồng thời xin lỗi gia đình. Chúng tôi không đồng ý với kiểu làm ăn tiền hậu bất nhất này” - vợ ông Kim trình bày. Sau đó, ông Trương Kim gửi đơn kiến nghị, Chủ tịch UBND huyện vào cuộc đã giải thích rõ ràng và đồng ý giải quyết cho gia đình thêm 1 lô đất TĐC với giá hợp lý. Theo đó, gia đình được cấp đất chính thức cách đây hơn 1 tháng và động thổ làm nhà ngày 29.3 vừa qua. “Chừng 2 tháng sau, nhà tại khu TĐC Xuân Trung lợp xong mái, tôi sẽ bàn giao mặt bằng” - ông Kim nói chắc nịch. Theo quan sát của chúng tôi, trừ hộ ông Kim, một số hộ dân khác bị giải tỏa trắng ở thôn Xuân Trung đã và đang khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, chặt phá cây cối để bàn giao mặt bằng đúng cam kết.
Một hộ dân tại thôn Trung Định khẩn trương tháo dỡ nhà ở.Ảnh: Công Tú |
Theo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (trực thuộc VEC), lãnh đạo huyện Phú Ninh đang tập trung kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc GPMB đường cao tốc nên việc thi công gặp nhiều thuận lợi. Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho hay, kể từ sau cuộc họp giao ban do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì diễn ra ngày 10.3 vừa qua, đến nay, địa bàn xã Tam Đàn tiếp tục có 16/17 hộ dân (chỉ còn tồn tại hộ ông Trương Kim) cam kết và đã tháo dỡ nhà cửa, 16 gia đình khác ở xã Tam Thái cũng đã bàn giao mặt bằng. Huyện ủy cũng thành lập 3 tổ công tác để chỉ đạo, UBND huyện thành lập 3 tổ công tác trực tiếp làm việc trên công trường. “Tuần nào, đích thân tôi cũng đối thoại trực tiếp ít nhất 3 buổi với người dân, dù cho đó là thứ Bảy hay Chủ nhật” - ông Thạnh nói. Trước đó, Phú Ninh đã họp đánh giá, rút kinh nghiệm và có sự chỉ đạo cụ thể triển khai tháo gỡ từng “nút thắt” theo kế hoạch, chứ không nói chung chung.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận huyện Phú Ninh có chiều dài 14,12km. Bắt đầu từ lý trình km52+350 đến km66+465, dự án đi qua 5 xã, gồm Tam Thành, Tam Phước, Tam Đàn, Tam Thái và Tam Đại. Huyện có tổng cộng 1.271 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng, 204 hộ (303 lô) cần được bố trí TĐC. Đến cuối tháng 3, vướng mắc công tác GPMB chủ yếu còn tập trung khu vực xã Tam Thái, khó khăn nhất là tại nút giao quốc lộ 40B với đường cao tốc. |
Theo UBND huyện Phú Ninh, GPMB dự án đường cao tốc tồn tại nhiều “điểm nghẽn” vì nhiều nguyên nhân. Trong đó quá trình quản lý đất đai thời gian trước còn nhiều bất cập, khiến quá trình xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian. Cạnh đó, bộ máy của Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Ninh chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, cộng thêm quá trình chuyển đổi về đơn vị mới (Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh) khiến công việc chưa suôn sẻ. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Cảnh khẳng định, huyện ủy tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Trong đó đảng viên phải gương mẫu đi đầu, cán bộ làm sai phải xử lý nghiêm. Trước kiến nghị của chủ đầu tư, ông Nguyễn Cảnh trực tiếp đi vào thôn Trường Mỹ (xã Tam Thái) gặp các hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Tại đây, hộ bà Hồ Thị Anh giải trình nguyên nhân vì sao họ chưa chấp hành chủ trương chung. Theo bà Anh, nguyện vọng của người dân là muốn cầm trong tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu TĐC để vay tiền thêm vào làm nhà cho kiên cố và yêu cầu sớm hỗ trợ tiền con vật nuôi bị ảnh hưởng. Ngay sau đó, ông Nguyễn Cảnh gọi điện yêu cầu ngành, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân. Đồng thời lãnh đạo huyện ủy cam kết sớm họp thống nhất hỗ trợ kinh phí đối với con ba ba mà các hộ đã nuôi trong hồ, nay bị ảnh hưởng bởi dự án. Do được giải tỏa tâm lý, sau đó người dân đã đồng tình cho đơn vị thi công mở đường công vụ qua vườn nhà, nối thông km64+540 thuộc gói 7 với gói thầu A1.
Huyện Phú Ninh thừa nhận, địa phương không thể kịp bàn giao hoàn toàn mặt bằng sạch cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, bằng tinh thần quyết tâm và cách vào cuộc tháo gỡ tồn tại như hiện nay, cộng thêm sự đồng thuận của nhân dân, GPMB sẽ tiếp tục có những tiến triển mới trong thời gian tới.
CÔNG TÚ - VINH ANH