Một chương trình trọng tâm có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng nông thôn mới mà huyện Phú Ninh đã và đang thực hiện đó là huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển giao thông nông thôn.
Khi mới tách từ thị xã Tam Kỳ (cũ) vào năm 2005, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở huyện Phú Ninh chưa được đầu tư xây dựng đúng mức; các tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn bị xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất và đi lại của nhân dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Đặng Bá Dự tâm sự: “Khi huyện mới được chia tách, trên địa bàn chưa có một mét đường nhựa nào, toàn là đường đất.Vì thế, ngay sau khi thành lập huyện Phú Ninh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định phát triển giao thông là một trong ba chương trình trọng tâm của địa phương. Và trong chỉ đạo thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện luôn tập trung ưu tiên đầu tư cho giao thông”.
Để làm được điều này, huyện Phú Ninh đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư cho lĩnh vực giao thông nông thôn nhằm vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất của người dân, vừa tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp. Công tác vận động toàn dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn được địa phương coi trọng và thường xuyên tuyên truyền vận động, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Những năm gần đây, Phú Ninh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm như hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa, vận động người dân hiến đất làm đường liên thôn, làm đường giao thông nội đồng để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện đã hiến đất, phá dỡ tường rào, cổng ngõ, chặt bỏ cây cối… để mở rộng nền đường theo các tiêu chí nông thôn mới. Chỉ tính riêng năm 2012, người dân đã đóng góp tài sản trị giá gần 40 triệu đồng và hàng nghìn ngày công để nâng cấp mặt đường. Tiêu biểu như 39 hộ của làng Vân Hà (xã Tam Thành) tự nguyện hiến hơn 3.000m2 đất để mở rộng lòng đường vào làng nghề Vân Hà. Hay như 297 hộ ở xã Tam An đã tự nguyện hiến một số diện tích đất để mở rộng đường, nếu tính chi phí đền bù phải lên đến hơn 340 triệu đồng. Và mới đây, người dân thôn An Hòa đã tự góp hơn 150 triệu đồng xây dựng cầu nối liền giữa thôn An Hòa và An Thiện (xã Tam An)…
Với chủ trương đúng đắn và bước đi thích hợp, nhất là từ khi huyện thực hiện có hiệu quả việc phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, diện mạo Phú Ninh đã có nhiều đổi thay đáng kể. Đến nay, các tuyến tỉnh lộ đã được đầu tư mở rộng, dự kiến đến tháng 2 này sẽ hoàn thành việc nâng cấp. Còn đối với 90km đường huyện hiện đã hoàn thành việc cứng hóa. Riêng đối với 570km đường liên xã, thôn, xóm thì đến nay đã hoàn thành được 370km, số còn lại dự kiến hoàn thành vào năm 2015…
THIÊN NGA