“Thực hành tiết kiệm trong cuộc sống, lao động sản xuất” là nội dung các phong trào mà Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nam Giang chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua.
Phụ nữ Nam Giang với mô hình “Nắm gạo tiết kiệm”. |
Điểm sáng Chà Vàl
Chà Vàl là xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn của huyện Nam Giang. Vì vậy, không phải đến bây giờ mà trước đây bản thân người dân và chính quyền đều xác định việc thực hành tiết kiệm, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên thoát nghèo là một việc làm cần thiết. Sau khi được tuyên truyền về việc “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội Phụ nữ xã Chà Vàl đã vận động hội viên thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo. Trong đó, đáng chú ý là mô hình “Đồng tiền tiết kiệm”. Thực hiện mô hình, tại mỗi thôn trên địa bàn xã thành lập các nhóm lao động từ 8 - 15 người, khi đến vụ mùa gặt lúa cùng nhau đi làm theo vòng. Mỗi ngày như vậy, chủ hộ trả 30 nghìn đồng/người. Trong đó, người làm công nhận 10 nghìn đồng, số tiền còn lại, trích 10 nghìn đồng bỏ vào “heo đất” tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo, 10 nghìn đồng đóng làm quỹ hoạt động của hội.
Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 13 nhóm lao động với 181 chị tham gia, tổng số tiền tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo được hơn 35 triệu đồng. Nổi bật trong mô hình này là Chi hội Phụ nữ các thôn Cần Đôn, Abát, La bơ B… Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn vận động hội viên thực hiện tiết kiệm bằng phương thức “nuôi heo đất”. Chị Alăng Thị Nhường - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cho biết, với nguồn kinh phí từ thực hành tiết kiệm trong thời gian qua, hội đã trao học bổng cho 5 trẻ em nghèo hiếu học, hỗ trợ 20 trường hợp phụ nữ nghèo cải thiện nhà ở.
Năng động, nhiệt tình trong phong trào này phải kể đến các chị Tơ Ngôl Thị Hà, Brao Tự… Họ là những người luôn đi đầu trong phong trào, tích cực vận động chị em ở thôn bản cùng nhau thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chị Tơ Ngôl Thị Hà chia sẻ: “Ở miền núi còn nhiều khó khăn. Để chia sẻ với nhau trong cuộc sống, mình cùng chị em trong thôn vận động nhau tham gia mô hình “Đồng tiền tiết kiệm” để giúp đỡ phụ nữ nghèo. Số tiền tuy không lớn nhưng đã động viên được nhiều chị em vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là cách tăng thêm tính đoàn kết trong thôn”.
Lan tỏa
Để việc “thực hành tiết kiệm” thực sự đi vào cuộc sống, Hội Phụ nữ huyện Nam Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em hưởng ứng tham gia. Trong các dịp tổ chức sinh hoạt định kỳ, gặp mặt nhân ngày lễ, các chi, tổ hội, câu lạc bộ, nhóm phụ nữ lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức “thực hành tiết kiệm” cho chị em. Đồng thời, tổ chức cho các chi hội đăng ký thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Phụ nữ Nam Giang chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau thoát nghèo. Ảnh: V.ANH |
Nhằm cụ thể hóa việc “thực hành tiết kiệm”, thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Nam Giang đã duy trì và nhân rộng các mô hình “Nắm gạo tiết kiệm”, “Đồng tiền tiết kiệm” để giúp đỡ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Trần Thị Thắng - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nam Giang cho biết, mô hình “Nắm gạo tiết kiệm” do hội phát động hiện được duy trì ở 26 chi, 64 tổ phụ nữ trên địa bàn huyện. Mô hình này đang được nhân rộng ở các xã Đắc Tôi, Chơ Chun, Tà Pơơ… Ngoài ra, theo bà Thắng, mô hình “Đồng tiền tiết kiệm” cũng đang được hội duy trì tại 63/63 chi hội phụ nữ của 12 xã, thị trấn và được chị em tích cực hưởng ứng. Kết quả, các chi hội đã tiết kiệm được tổng số tiền hơn 82 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, đã hỗ trợ 33 triệu đồng xây dựng 2 mái ấm tình thương; trao 22 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó (500 nghìn đồng/suất); tặng 13 sổ tiết kiệm...
Cùng với các tổ, chi hội phụ nữ ở thôn, xóm, việc thực hành tiết kiệm được nữ cán bộ, công nhân viên chức lao động triển khai tốt trong các cơ quan, đơn vị. Các chị xây dựng cho mình tác phong, lề lối làm việc hiệu quả, tiết kiệm điện nước, văn phòng phẩm, tích cực tiết kiệm đóng góp giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo… Bà Trần Thị Thắng nói: “Qua tuyên truyền vận động và tích cực triển khai thực hiện, nhiều chị em đã ý thức được việc thực hành tiết kiệm từ trong gia đình cho đến các cơ quan, đơn vị. Hiệu quả đạt được thật đáng mừng, bởi, thực hành tiết kiệm cũng là cách chúng tôi hướng đến mục tiêu giúp hội viên, phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững, như ý đồ đặt ra ban đầu”.
VINH ANH