Trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cùng với các cấp ngành, địa phương thể hiện quyết tâm cao trong việc thực hiện mục tiêu BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, hội LHPN các cấp đóng vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng. Theo bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi về BĐG, hội phụ nữ các cấp đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Đây là hoạt động mũi nhọn mang tính đòn bẩy, thúc đẩy phong trào phụ nữ và hoạt động hội, là cơ sở giúp chị em nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó khẳng định vai trò vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao quyết định điều động và bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan. Ảnh: NG.ĐOAN |
Thông qua phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” và “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cấp hội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực tại cộng đồng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế như: hũ gạo tiết kiệm, ống nứa tiết kiệm, tín dụng tiết kiệm, góp vốn quay vòng, mô hình “hộ gắn hộ”… Theo đó, 5 năm qua, các cấp hội đã giúp hơn 100 nghìn lượt chị em nghèo, khó khăn; trao tặng 1.148 gia súc, gia cầm, giúp đỡ phương tiện phục vụ sản xuất. Đồng thời hỗ trợ xây mới, sửa chữa 712 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; tặng hàng nghìn sổ tiết kiệm, học bổng, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn với tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng. Các cấp hội còn tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình dự án, các tổ chức phi chính phủ, vốn vay ủy thác ngân hàng chính sách.., cho hơn 65 nghìn lượt phụ nữ vay sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền gần 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó là các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lượt phụ nữ. Với những cách làm thiết thực, các cấp hội đã giúp hơn 12 nghìn lượt hộ thoát nghèo, trong đó có hơn 8 nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.
Cùng với những hoạt động mang tính trợ lực giúp phụ nữ ổn định cuộc sống, các cấp hội phụ nữ còn có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, nâng cao trình độ, năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lãnh đạo. Với mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án, tăng cường phối hợp với ngành liên quan mở 25 lớp tập huấn về “Lồng ghép giới trong công tác cán bộ”, “Kỹ năng điều hành nhóm”, “Kỹ năng truyền thông thúc đẩy phụ nữ tham gia chính trị và hoạt động cộng đồng”, kỹ năng xây dựng và trình bày chương trình hành động khi tham gia tranh cử cho 190 ứng viên nữ lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp và hơn 600 cán bộ nữ, lãnh đạo đảng, chính quyền cấp huyện, xã. Cùng với đó, nhiều hoạt động do Hội LHPN tỉnh tổ chức như diễn đàn “Nữ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam”, hội thảo “Thực trạng và giải pháp thực hiện mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý”, tổ chức biểu dương điển hình “Ngày phụ nữ sáng tạo”… đã tạo điều kiện cho phụ nữ gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, tham gia chính trị, nghiên cứu khoa học, kinh doanh… Hội LHPN tỉnh cho biết, đến nay 100% số cán bộ nữ chủ chốt cấp tỉnh có trình độ chuyên môn đại học và cao cấp chính trị; đồng thời có 94,4% số chủ tịch, 40,75 số phó chủ tịch hội phụ nữ cấp huyện và 74% chủ tịch, 55% phó chủ tịch hội phụ nữ cấp xã đạt chuẩn chức danh.
Dù công tác BĐG đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên các cấp hội phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thúc đẩy BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Theo bà Trương Thị Lộc, xã hội vẫn chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác tuyên truyền về giới, BĐG chưa thật sự đồng bộ; trình độ, năng lực, kỹ năng tuyên truyền của một số cán bộ hội còn hạn chế. Về phần mình, không ít chị em còn tự ti, có tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất… Đó là những rào cản khiến cho việc thúc đẩy BĐG trong các cấp hội phụ nữ còn hạn chế. “Điều quan trọng là cần phải tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực cho phụ nữ, nhất là đội ngũ nữ cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, việc tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cần chú trọng đến cán bộ nữ; tạo điều kiện để cán bộ nữ cống hiến và trưởng thành. Không nên khắt khe trong đánh giá, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ” - bà Lộc nói.
ANH ĐÔNG