Tiếng chìa khóa tra vào ổ lách cách, cánh cửa sắt rít lên tiếng “két” quen thuộc, ghê rợn. Cửa phòng giam hé mở, một tia sáng nhỏ len vào. Ông ngồi dưới nền xi măng, bất động. Đêm qua lại mất ngủ, ông trằn trọc đến gần sáng mới thiếp đi.
- Có người thăm nuôi, ông gặp không? Viên quản giáo ái ngại nhìn ông.
- Cảm ơn cán bộ, tôi không muốn gặp ai - Ông mệt mỏi trả lời, vừa đủ viên quản giáo nghe.
Cánh cửa khép lại, tia sáng ban nãy cũng biến mất. Đã nhiều đêm trắng nối tiếp nhau, ông ngả lưng xuống nền xi măng, lúc này cơn buồn ngủ lại ập đến.
Tiếng ổ khóa lách cách lại vang lên ngoài cửa. Viên quản giáo quay trở lại:
- Họ không về, họ nói sẽ đợi cho đến khi nào gặp được ông.
Là ai? Ông băn khoăn nghĩ. Người nhà ông vừa mới thăm tuần trước. Thở hắt ra, ông đứng dậy chầm chậm ra khỏi phòng giam, lầm lũi đi theo viên quản giáo. Dưới cái nắng chang chang, đoạn đường từ phòng giam đến phòng thăm nuôi như xa thêm chút nữa. Ông đẩy cửa, trước mặt ông là một cô gái hãy còn rất trẻ.
- Chào chú! Cô gái thấy ông vội đứng lên.
Bất ngờ vì người đến thăm mình là cô, người ông không bao giờ ngờ đến. Giấu sự ngỡ ngàng, ông khẽ bảo:
- Nắng nôi vầy, đường sá xa xôi, thăm chú chi cho cực.
- Cháu muốn vào thăm chú từ lâu nhưng hôm nay mới đi được - cô gái nhỏ nhẹ.
Cánh quạt trần quay vù vù trên đầu cũng không xua nổi cái nóng hầm hập buổi trưa. Hỏi xin viên quản giáo điếu thuốc, ông quay sang cô gái:
- Chú hút điếu thuốc.
Nói vậy nhưng ông không châm lửa, yên lặng mân mê điếu thuốc trên tay, vuốt đi vuốt lại. Đây là lần đầu cô đến thăm người quen ở trại giam. Sau câu chào hỏi, cô bâng quơ nhìn ra hành lang, chốc chốc một phạm nhân lầm lũi đi qua. Quay sang ông, cô khẽ hỏi:
- Chú ở trong này ra sao?
Ông run run châm lửa, tránh câu hỏi của cô. Sự yên lặng chừng như kéo dài quá lâu. Rít một hơi thuốc, ông tỉnh táo hơn. Cô gái đang ngồi trước mặt ông mới ngày nào ngơ ngác đặt chân đến công ty xin việc, giờ chững chạc hơn nhiều. Vẫn cái dáng gầy gầy, gương mặt ưu tư, đôi mắt luôn nhìn thẳng vào người đối diện.
- Cháu chuyển về cơ quan mới rồi phải không? Chú nghe mấy anh chị ở phòng kinh doanh nói vậy, có ổn không? - Ông ân cần hỏi.
- Vâng, cháu ổn - cô khẽ trả lời.
- Ừ, môi trường đó có lẽ hợp với cháu hơn.
Ngoài sân, bầy chim sẻ đang ríu rít trên cành phượng vĩ. Giữa trại giam lạnh lùng này sao lại có một bầy chim sẻ dễ thương đến thế? Cô thầm nghĩ.
Ông nhìn thấy trong mắt cô mênh mang một điều gì đó rất xa khi nhìn ra cửa sổ. Ông biết, ngoài đó có bầy chim sẻ. “Thật trẻ con!” - ông thầm nghĩ, yên lặng hút thuốc.
Ngày đó... Chỉ mới đây thôi, ông hãy còn là một vị giám đốc tiếng tăm vì táo bạo trong kinh doanh. Cô ra trường, đến công ty ông xin việc. Ông nhận cô vào làm vì chỗ quen biết hơn là vì bộ hồ sơ của cô. Vốn có mối thâm giao với cha cô từ trước nên cách xưng hô của ông với cô không như các cô gái cùng trang lứa nơi công sở. Ông gọi cô là “cháu” xưng “chú”. Có lẽ vậy nên mỗi khi tiếp xúc với cô, ông cảm thấy mình “bị” già đi.
Vốn hào phóng và tốt bụng nên nhân viên dưới quyền ông luôn được nhờ cậy. Các cô gái trẻ trung, xinh đẹp vây quanh, luôn đợi cơ hội để tiếp cận và ghi điểm trong mắt ông. Còn cô, nhan sắc không có gì đáng nói, lại kiệm lời. Cô luôn tỏ ra bình thản với mọi thứ xung quanh kể cả khi ông có mặt. Với tiêu chí ông đưa ra trong các dự án điều hành phải “đánh đâu thắng đó”, bằng sự nhanh nhạy và quyết đoán, các công trình, dự án liên tục về tay ông.
Các buổi tiệc tùng theo đó liên miên. Cuộc vui nào cũng kéo dài đến đêm khuya, bất tận. Thời gian đầu về công ty, cô cũng tham gia vào các sự kiện, các buổi tiệc chung. Đôi khi ông kín đáo quan sát cô, giữa những ồn ào, tiếng cụng ly, giữa những tung hô và những lời có cánh dành cho ông, cô vẫn bình thản và kiệm lời. Ánh mắt cô luôn nhìn thẳng, cái nhìn của một cô gái trẻ đầy cương nghị và thật thà, đôi khi ánh lên chút giễu cợt trước những xun xoe. Nhiều lần như thế ông đâm ngại đối diện với cô. Lâu dần ông cảm thấy chút khó chịu vì sự có mặt của cô trong những cuộc vui.
Cô thưa dần, rồi vắng hẳn trong các buổi tiệc ồn ào. Sau nhiều lần cô vắng mặt, ông hiểu. Ông thấy nhẹ người. Ánh mắt của một cô gái trẻ như xoáy vào ông, nó khiến ông vừa khó chịu vừa thiếu tự nhiên khi ngồi giữa các cô gái. Nhất là dạo Thủy mới về, cô thư ký từ ngày ông tuyển lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Thủy như một bông hoa rực rỡ được ông ưu ái. Công việc chính của Thủy mỗi ngày là ăn diện thật đẹp, ngồi như một bình hoa bên bàn thư ký.
Sự gần gũi, thân mật ông dành cho Thủy ban đầu còn kín đáo, tế nhị. Lâu dần lộ liễu, công khai. Mỗi đêm, Thủy đón ông trong căn hộ ông mua cho cô. Mọi người trong công ty biết cả, ai cũng xem điều đó bình thường. Riêng cô, mỗi khi bất chợt gặp ông ở thang máy, cô lễ phép chào rồi lui về phòng làm việc. Từ bao giờ, cô đã tự đào một cái hồ ngăn cách? Ông thở phào “vậy cho khỏe”.
Các buổi tiệc bất tận, các chuyến du lịch trong và ngoài nước xoành xoạch, các khoản vung tay quá trán của ông cũng “bạo” lên. Nhiều con mắt bắt đầu xoi mói. Ông mặc kệ, rất đơn giản: Ông có tiền - Ông có quyền. Có tiền, ông mua được hết!
- Cháu không biết trong này có cho hút thuốc không, nhưng cháu cứ mang vào cho chú. Cháu vẫn nhớ chú thích hút loại này - cô gái lúi húi lục túi đồ thăm nuôi, lấy ra một cây thuốc lá đưa cho ông.
- Ở đây chú không được phép, trừ những lúc ra ngoài gặp người thân đến thăm nuôi, chú có thể hút một điếu, cháu mua làm gì!
Cô gái vẫn lúi húi soạn ra:
- Đây là bánh ngọt ít đường, xúc xích, chú ăn khi nào thấy đói. Còn đây là cà phê gói, sữa Ensure cho người lớn tuổi... Cô vừa soạn từng loại, vừa tươi cười dặn dò ông.
Lần đầu tiên ông chợt nhận ra cô có miệng cười rất tươi. Vậy mà chưa bao giờ ông thấy cô cười trong hơn hai năm làm việc.
- Còn đây, quyển này cháu tặng chú, sách tái bản cháu mới mua - vừa nói cô vừa đưa cho ông quyển sách. Ông cầm lên, “Cây phong non trùm khăn đỏ” của Chingiz Aitmatov. Ông lặng người. Ngoài sân, đàn chim sẻ vẫn ríu rít gọi nhau.
- Sao biết chú thích quyển này? Ông rưng rưng hỏi.
Cô cười hiền lành, cắm cúi xếp lại các thứ trên bàn cho vào túi. Trông cô vẫn vậy, thản nhiên và dịu dàng như thể mọi thứ trên đời này không thể chạm vào cô.
Các cơ quan ngôn luận bắt đầu những bài viết điều tra. Các đoàn thanh tra cũng lần lượt về thanh kiểm tra tất cả công trình, dự án do ông làm chủ đầu tư. Ông vẫn là ông, ngạo mạn và kiêu hãnh. Hơn cả, ông tự tin vì có một “cái bóng” rất to đứng phía sau ông.
Các cơ quan đại diện pháp luật vào cuộc. Khác những gì ông nghĩ, họ từ chối những cuộc hẹn riêng với ông, từ chối những phong bì dày cộp. Cả công ty nhớn nhác, những lá đơn xin thôi việc, xin chuyển công tác ngày một nhiều hơn. Đàn em thân tín cũng viện đủ lý do để ra đi. Họ tỏ ra đau khổ khi phải ra đi lúc công ty đang bi đát.
Ông hoang mang, kiêu hãnh và ngạo mạn cũng biến mất. Ông tìm đến “cái bóng” bên trên của mình. Tiếp ông là cánh cửa lạnh lùng khép lại, những cuộc điện thoại liên tục nhưng “cái bóng” không nghe máy.
Điều ông mơ hồ nghĩ đã đến. Ông ra tòa. Ông bình thản đón nhận điều này khiến dư luận lại một lần nữa “ngưỡng mộ” ông vì sự can cường. Có ai biết rằng vào cái ngày ông đứng trước vành móng ngựa, trở về phòng giam ông đã gục xuống.
Buổi sáng chiếc xe chở phạm nhân đưa ông đến tòa. Ông mệt mỏi đưa mắt nhìn xuống hàng ghế phía dưới kia. Ngoài vợ ông, người thân và một vài nhân viên trong công ty, tuyệt nhiên ông không thấy bóng dáng một đàn em thân tín nào, tất nhiên Thủy cũng vắng mặt. Nghe đâu cô vừa lấy chồng, là một chàng trai mới du học về. Ông chợt nhận ra trong số nhân viên đang ngồi dưới kia, có cả cô - cô gái đang ngồi trước mặt ông đây. Cô yên lặng theo dõi phiên tòa, nghe tòa tuyên án. Cô nhìn ông, ánh mắt lộ vẻ xót xa. Ông tránh cái nhìn của cô, cúi đầu lầm lũi đi ra lối dành cho phạm nhân...
- Mỗi ngày chú có được ra ngoài không, hay phải ở suốt trong phòng giam? Cô đột ngột hỏi, cắt đứt dòng suy nghĩ của ông.
- Có chứ, buổi chiều chú được ra ngoài lao động. Vào đây chú học được nhiều nghề lắm - ông bỗng thấy phấn chấn - chú trồng rau, trồng hoa - nói rồi ông đưa tay chỉ ra dãy nhà sau - đi hết dãy nhà này là khu đất bọn chú trồng trọt. Nay chú còn biết cách bóc vỏ hạt điều sao cho nhanh nữa kìa! Ông tươi cười kể cho cô nghe.
- Còn mọi sinh hoạt khác có khó khăn không hả chú? Cô lo lắng.
Viên quản giáo nhìn đồng hồ, đến bên ông khẽ nhắc:
- Hết giờ thăm nuôi.
Ông chậm rãi đứng lên:
- Cháu về nhé! Đi đường cẩn thận. Chú cảm ơn nhiều.
- Vâng - cô khẽ đáp rồi đứng dậy - cháu sẽ còn vào thăm chú, chú giữ gìn sức khỏe.
Ông theo viên quản giáo trở về phòng giam. Được một đoạn…
- Khoan, chú ơi! Tiếng cô gọi với theo. Ông quay lại. Chú muốn đọc gì không, lần sau vào cháu sẽ mang cho chú? Cô hỏi.
- Không, chú không còn muốn đọc gì nữa - giọng ông chùng lại, cay đắng nhìn cô - đừng thăm chú nữa, đường sá xa xôi...
Chưa dứt câu ông vội vàng quay đi.
Cũng đoạn đường lúc nãy ông đã đi, giờ quay trở vào sao dài đến thế! Chỉ còn một đoạn nữa đến phòng giam, đôi chân ông chực khuỵu xuống. Chứng bệnh dạ dày lại kéo về hành hạ. Ông cố nhích từng bước chầm chậm. Một giọt nước từ đâu chảy ra từ đôi mắt đang khô. Ông khóc? Không! Ông giật mình đưa ngón tay kín đáo quệt nó đi. Đã bao lâu rồi trong đôi mắt khô khốc đó lại ứa ra một giọt nước trong veo?
Đằng kia, cô vẫn yên lặng dõi theo. Gắng gượng từng bước, bóng ông khuất sau dãy nhà giam. Cô ra về. Đến bãi giữ xe cô dừng lại ngoái nhìn cây phượng một lần nữa. Từ xa cô vẫn nghe tiếng đàn chim sẻ ríu rít gọi nhau về.