Phục hồi đáng kể nguồn nước

BÍCH HẠNH 18/05/2017 08:42

Kết quả quan trắc môi trường năm 2016 đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong cải thiện nguồn nước ở các sông, biển.

Tình trạng phá rừng, tận thu khoáng sản trái phép ở phía thượng nguồn đã vô tình khiến các dòng sông thành bãi chứa chất độc. Trước đây, nhiều vị trí của hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn xuất hiện vô số “điểm đen” ô nhiễm suốt thời gian dài. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của ngành chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đã giải cứu được môi trường. Rõ nhất là trên hệ thống sông Vu Gia, năm 2016 không có tình trạng ô nhiễm chất rắn lơ lửng (TSS) ở các điểm quan trắc. Kết quả phân tích cho thấy, 46/48 mẫu (tỷ lệ 95,8%) đạt mức quy định nguồn nước loại A2, còn lại 2/48 mẫu (4,2%) đạt loại B1. Tương tự các thông số ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD) đều nằm trong giới hạn cho phép. Các thông số hóa lý (pH, DO), chất dinh dưỡng (NH4+, PO43-), cyanua, dầu mỡ, các kim loại Hg và Cd ít thay đổi trong nhiều năm trở lại đây và không vượt mức cho phép.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hàm lượng TSS đang có xu hướng giảm dần. Năm 2015, sông Vu Gia còn ô nhiễm cục bộ một số nơi, nhưng năm 2016 không còn ô nhiễm. Kim loại Fe năm 2016 không còn ô nhiễm, điều khác biệt hoàn toàn với sông Thanh và sông Cái tại Bến Giằng (chi lưu thuộc hệ thống sông Vu Gia) vượt giới hạn 1,15 - 2,13 lần vào thời điểm năm 2015).  Tương tự, chất lượng nước ở hệ thống sông Thu Bồn cải thiện đáng kể về hàm lượng TSS trong nước so với năm 2015 và đạt mức cho phép ở các thông số như pH, DO, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng (NH4+, PO43-), cyanua, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt, các kim loại Fe, Hg và Cd.

Quan trắc nhiều mẫu nước trên sông Tam Kỳ, các thông số hóa lý, vi sinh coliform, TSS, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng (NH4+, PO43-), hóa chất cyanua, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt và các kim loại (Fe, Pb, Hg, Cd) đều đảm bảo chất lượng. Chỉ riêng dòng sông Trường Giang bị nhiễm mặn tự nhiên vào các tháng mùa kiệt (tháng 4 và 5), nguyên nhân vì sự xâm nhập mặn tự nhiên bởi hoạt động của thủy triều. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Thị Tuyết Hạnh đánh giá, năm qua đơn vị chuyên môn đã thực hiện quan trắc 256 mẫu nước mặt, 60 mẫu nước dưới đất, 24 mẫu nước biển, 192 mẫu không khí xung quanh, 4 mẫu đất và 2 mẫu trầm tích. Nhiều chỉ số về môi trường nước ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, môi trường không khí xung quanh, môi trường đất và trầm tích được cải thiện đáng kể và nằm trong giới hạn bình thường. Đáng lưu ý, chất lượng nước biển ở hầu hết thông số phân tích đều có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam, ngoại trừ thông số Fe tại một số nơi đã vượt mức quy định như bãi tắm Cửa Đại vào tháng 9 và tháng 12, bãi tắm Duy Hải huyện vào tháng 12. Nước biển ven bờ tại các khu vực bãi tắm lớn của tỉnh có sự cải thiện hơn so với năm 2015, với phần lớn các thông số gồm pH, TSS, NH4+, dầu mỡ, coliform và kim loại Fe đều nằm trong giới hạn cho phép.

Theo các chuyên gia môi trường, trả lại sự trong xanh cho các dòng sông phải bắt nguồn từ kiểm soát chặt chẽ quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản, giảm thiểu tối đa nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ở các thượng nguồn sông. Thêm nữa, chính quyền các địa phương vùng ven biển, các đô thị hoặc ven đô cần hướng dẫn người dân có biện pháp xử lý lắng, lọc, khử trùng, tẩy độc, tẩy phèn nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước như COD, NH4+, Coliform... khi dùng nước ngầm cho mục đích ăn uống, sinh hoạt.

 BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phục hồi đáng kể nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO