Phục hồi kinh tế, phát triển theo chiều sâu

T.S 06/01/2021 11:32

UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình công tác năm 2021 theo Quyết định số 01/QĐ-UBND, trong đó hướng đến thực hiện hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu; phục hồi và phát triển dịch vụ - du lịch.

Đường nối xã Tam Thanh (Tam Kỳ) đến Trà My mở ra những triển vọng cho sự phát triển của vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường nối xã Tam Thanh (Tam Kỳ) đến Trà My mở ra những triển vọng cho sự phát triển của vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tại hội nghị trực tuyến với các ngành và địa phương triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2021 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Song với các dự báo về khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kinh tế phục hồi chậm, vì vậy các ngành, địa phương cần tập trung nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm 2021, tạo đà thực hiện các nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021 - 2025.

Ổn định an sinh, tái cơ cấu nền kinh tế

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương chú tâm thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ, đạt mục tiêu đề ra là tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 và khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra; tập trung rà soát, kiểm tra những khu dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất để bố trí, sắp xếp, di dời dân cư về nơi ổn định, an toàn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, công tác khắc phục thiên tai là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, phải ưu tiên số một cho đảm bảo xây dựng lại nhà cửa của nhân dân bị sập, cuốn trôi hoàn toàn mà có điều kiện để làm lại ngay.

Tại cuộc họp báo thông tin về định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cách đây không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: Trong quá trình phát triển, hai vấn đề phát triển nhanh và bền vững phải được cân đối, nếu như vì sự phát triển nhanh mà không đảm bảo yếu tố bền vững thì Quảng Nam sẽ lựa chọn phát triển bền vững. Ảnh: N.Đ
Tại cuộc họp báo thông tin về định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cách đây không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: Trong quá trình phát triển, hai vấn đề phát triển nhanh và bền vững phải được cân đối, nếu như vì sự phát triển nhanh mà không đảm bảo yếu tố bền vững thì Quảng Nam sẽ lựa chọn phát triển bền vững. Ảnh: N.Đ

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 gắn cơ cấu lại nền kinh tế, UBND tỉnh nhấn mạnh đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng thu nhập thực tế cho nhân dân.

Tỉnh xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Song song với công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ chú trọng các ngành có khả năng thúc đẩy sự phát triển một số ngành công nghiệp trọng yếu tham gia hình thành chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Đồng thời tập trung các giải pháp phục hồi ngành du lịch, kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị sẵn sàng để thu hút, đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh định hình cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ; chú trọng đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Ngoài đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng.

Nâng cao năng lực điều hành

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Mỗi đơn vị chọn một nội dung đột phá đăng ký với UBND tỉnh

“Mỗi ngành, địa phương, người đứng đầu chịu trách nhiệm thảo luận trong tập thể và lựa chọn một nội dung đột phá để phát triển. Tất nhiên từng ngành, từng địa phương có nhiều nhiệm vụ trong chương trình công tác, chương trình hành động, nhưng chỉ đăng ký với UBND tỉnh một nội dung thôi và có kế hoạch kèm theo để thực hiện. Những nội dung đột phá này phải từ nguồn lực, năng lực chỉ đạo, điều hành của địa phương, chứ không phải từ đi xin nguồn của Trung ương, của tỉnh. Công bố công khai để chúng ta cùng nắm, theo dõi và thực hiện cho tốt”.N.Đ (ghi)

Trong các nhóm giải pháp quan trọng triển khai cho thời gian tới, UBND tỉnh chú trọng nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp, ngành trên từng lĩnh vực, gắn với thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược.

Yêu cầu UBND tỉnh đặt ra trong thời gian tới là triển khai mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số, chính quyền số tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch giải quyết công việc; nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy hành chính; tích cực thực hiện các giải pháp công nghệ thông tin để khắc phục tình trạng giấy tờ, hội họp nhiều. Đơn vị, ngành liên quan sớm triển khai vận hành chính thức Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (LRIS) kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (GRIS). Khai thác hiệu quả Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC) theo hướng tăng cường ứng dựng công nghệ thông tin trong phân tích, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế - xã hội; kết nối trực tuyến đến các địa phương để phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Toàn tỉnh đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể; trọng tâm ưu tiên phát triển kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực,... để chủ động đón bắt thời cơ, thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư sau đại dịch Covid-19. Phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, nông nghiệp, chế tạo, phát triển kinh tế biển,...

Phát triển hài hòa theo chiều sâu

Triển khai định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, đề án cụ thể để xây dựng vùng đồng bằng ven biển của tỉnh trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh thu hút các dự án du lịch vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân khu vực đồng bằng ven biển.

Hoàn thành Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn các huyện vùng Đông của tỉnh; xây dựng, tích hợp quy hoạch cấp, thoát nước vùng Đông vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng liên huyện nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong dài hạn của toàn bộ vùng Đông.

Đối với khu vực nông thôn, miền núi, xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền núi, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế - xã hội; chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa đồng bằng và miền núi, tạo động lực cho phát triển.

Tập trung thực hiện các giải pháp khôi phục hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi do ảnh hưởng của bão lũ, sạt lở đất; ban hành chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất để nhân dân sớm ổn định sản xuất, đời sống. Hoàn thành việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư mang tính bền vững, lâu dài; phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phù hợp với điều kiện địa hình, kinh tế, văn hóa miền núi.

UBND tỉnh cũng chú trọng định hướng bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự và tác động môi trường của các mỏ khoáng sản đang hoạt động. Tăng cường xúc tiến thu hút, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, bảo đảm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phục hồi kinh tế, phát triển theo chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO