(QNO) - Hội nghị trực tuyến về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì sáng nay 20.7 đã tập trung mổ xẻ các khó khăn, vướng mắc, qua đó áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian đến.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT |
Nhiều vi phạm
Tại hội nghị, các bộ, ngành, các địa phương đều cho rằng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng phức tạp. Tại Quảng Nam, các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rất tinh vi. Các đối tượng thường vận chuyển hàng lậu theo các tuyến đường vắng. Ngày 18.3, Đội quản lý thị trường số 9 (Nam Giang - Phước Sơn) phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tiến hành dừng và kiểm tra xe ô tô 18C-04398 do tài xế Hoàng Văn Khỏi (xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Định) điều khiển; phát hiện 200 cây vải các loại, 7 chiếc xe đạp, 7 chiến xe lăn, 2 máy phát điện, 5 lốc máy các loại, 90 nhíp xe, 88 hộp số, 8 cặp phụt nhún, 4 nồi cơm điện và 325kg linh kiện. Tài xế đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của các loại hàng hóa trên. Ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định tịch thu số lượng hàng hóa trên.
Cách đây chưa lâu, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Hà (khối phố Phú Ân, phường An Phú, TP.Tam Kỳ), phát hiện 28 thùng bột ngọt hiệu A-one không có hóa đơn, chứng từ. Qua điều tra, xác minh, hàng hóa trên là giả. Từ lời khai của bà Hà, lực lượng chức năng đã kiểm tra 3 hộ kinh doanh mua hàng của bà Hà, phát hiện 84 gói bột ngọt giả nhãn hiệu A-one. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính với tổng số tiền 56 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng giả. Các trường hợp trên mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Quảng Nam.
Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam xử lý hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT |
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, buôn lậu xăng dầu trên biển ngày càng tinh vi, khó ngăn chặn hơn trước. Lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu xăng dầu có giá trị hàng hóa lên đến hơn 10 tỷ đồng/vụ. “Các đối tượng buôn lậu đã mua xăng dầu ở nước ngoài với giá rẻ rồi vận chuyển trên biển bán cho ngư dân. Khi phát hiện, các đối tượng này không hề xuất trình được hóa đơn, chứng từ hàng hóa. Nhiều ngư dân và đối tượng đội lốt ngư dân đã cải hoán tàu đánh bắt hải sản, mua dầu lậu rồi bán lại với giá rẻ trên biển. Nhiều tàu nước ngoài buôn bán dầu lậu khi phát hiện, xử lý thì không có giấy tờ mang theo” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn nói. Việc kinh doanh dầu lậu trên biển gây nên rất nhiều hệ lụy, gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. An ninh, trật tự trên biển ngày càng phức tạp do tranh giành, chiếm thị phần bán dầu lậu. Chất lượng dầu lậu không đảm bảo, gây nên nguy cơ cháy nổ cao, lại ô nhiễm môi trường do tràn dầu trên biển.
Trung tướng Trần Văn Vệ - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng, trận tuyến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng khó khăn hơn trước bởi các đối tượng manh động chống trả, sử dụng các thủ đoạn rất khó lường. Trong khi đó, lực lượng chức năng chưa triệt phá được nhiều đường dây lớn có các đối tượng cộm cán cầm đầu. Điều đó được lý giải là nghiệp vụ chưa quyết liệt, phòng ngừa còn hạn chế, kiểm tra chưa thường xuyên. Sự phối hợp của lực lượng công an với các đơn vị quản lý thị trường, hải quan và các địa phương còn chưa chặt chẽ. Các vụ đã phát hiện, xử lý phần đông còn nhỏ lẻ, chưa đủ sức răn đe.
Đồng bộ các giải pháp
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn - Trưởng ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quảng Nam, các cơ quan chức năng tùy theo nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách, địa bàn mà tập trung xây dựng, phối hợp triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường; quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Công tác thông tin, tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải chú trọng hơn nữa trong thời gian đến. Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động cần lan tỏa, có chiều sâu, đi vào thực chất để người dân không phải sử dụng hàng nhập lậu. Công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện, hàng hóa ở các khu vực biên giới, cửa khẩu phải được tăng cường. Lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, các địa phương ven biển chú ý kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền ra, vào các cảng Kỳ Hà (Núi Thành), vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Các lực lượng chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng của tỉnh bạn Sê Kông (Lào) trong đấu tranh, truy quét các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở khu vực biên giới giáp ranh. Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cần triển khai thực hiện chặt chẽ các nhiệm vụ, kế hoạch thông qua.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng trên phạm vi cả nước đã phát hiện, bắt giữ 88.564 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử phạt, bán hàng tịch thu với tổng số tiền gần 8.000 tỷ đồng; khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng tham gia. Tại Quảng Nam, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 2.011 vụ việc vi phạm với 1.685 đối tượng tham gia; số tiền nộp vào ngân sách sau xử lý là hơn 27 tỷ đồng; đã khởi tố 13 vụ với 13 đối tượng tham gia. |
Trong nỗ lực giảm thiểu, ngăn chặn nạn buôn lậu xăng dầu trên biển, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ dịch vụ hậu cần trên biển, nhất là các vùng biển xa, giúp ngư dân chủ động nạp nhiên liệu xăng dầu, qua đó tránh mua dầu lậu trên biển. Chính phủ cũng nên xem xét xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xăng dầu để các ban, ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu truy cập, đối chiếu, kiểm tra, phát hiện và xử lý buôn lậu xăng dầu. Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, lực lượng công an đang chủ động xây dựng nhiều kế hoạch truy quét các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng chức năng đang lập nên nhiều chuyên án, chuyên đề, tập trung vào các đường dây buôn lậu lớn, để xử lý tận gốc các phát hiện sai phạm. “Cao điểm truy quét, tấn công tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ được khẩn trương triển khai theo kế hoạch đến ngày 15.8. Sau đó, sẽ có nhiều đợt cao điểm khác sẽ được triển khai, nhất là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán của dân tộc. Lực lượng công an cũng chú trọng ngăn chặn suy thoái trong đội ngũ công an, tránh tiếp tay cho nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” - Trung tướng Trần Văn Vệ nói.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, để chấn chỉnh nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh cần nâng cao quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, ra quân đồng loạt, rộng khắp. “Các bộ, ngành, các địa phương cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Khi sản phẩm doanh nghiệp làm ra đảm bảo chất lượng thì nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm bớt, theo đó hàng nhập lậu cũng sẽ được giảm thiểu. Ở các khu vực biên giới, cửa khẩu, các địa phương cần tạo sinh kế ổn định để người dân khỏi phải đi vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Công tác thanh tra, kiểm tra phải được quán triệt thực hiện; phải xử lý nghiêm, không dung túng cho cán bộ bao che, tiếp tay nạn buôn lậu, hàng giả” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nói. Chính phủ yêu cầu các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, các tác hại, nguy hại phải được làm rõ, thông tin đến người dân cẩn thận không tiếp cận. Lực lượng cộng đồng cũng cần được huy động, tố giác và trực tiếp đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
NGUYỄN QUANG VIỆT