Nhiều người làm công tác giáo dục và phụ huynh, học sinh vui mừng sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2018 với nội dung giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia như năm 2017. Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa, trong khi đề thi có chương trình lớp 11, khiến nhiều người băn khoăn, lo ngại...
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có phương án giữ ổn định như kỳ thi năm 2017. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước). Ảnh: VĂN LỘC |
Giữ ổn định: mừng
Trong công văn gửi các cơ sở giáo dục về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy từ năm 2018, Bộ GD-ĐT nêu rõ, sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Do vậy, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, việc Bộ GD-ĐT công bố sớm phương án thi đã tạo điều kiện cho ngành chủ động hơn trong công tác chuẩn bị. Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn về công tác ôn tập, coi thi đối với giáo viên; tập huấn kỹ năng làm bài, ôn tập cho học sinh. “Sở GD-ĐT cũng quan tâm công tác phối hợp, chỉ đạo các trường ở khu vực đồng bằng, khu vực có điều kiện giúp các trường khu vực miền núi, khó khăn về công tác chuyên môn và điều kiện học tập” - ông Hà Thanh Quốc nói. Năm 2018 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia, Dương Ngọc Trãi - học sinh lớp 12/7 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) chia sẻ: “Trước đây tôi lo lắng vì sợ gần đến ngày thi Bộ GD-ĐT mới công bố phương án thi khiến thí sinh “trở tay không kịp”. Nhưng rất mừng là phương án thi được công bố ngay từ đầu năm học nên học sinh có nhiều thời gian để chuẩn bị”.
Không công bố đề minh họa: lo
Một điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2018 là đề thi có một phần kiến thức trong chương trình lớp 11. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại không công bố đề minh họa khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Ông Hà Thanh Quốc cho biết, sở đã kiến nghị Bộ GD-ĐT công bố nội dung, giới hạn chương trình ra đề thi, nhất là “liều lượng” chương trình lớp 11 trong đề thi để tạo thuận lợi cho học sinh ôn tập. Nhiều học sinh cũng bày tỏ lo lắng khi không biết cấu trúc nội dung trong đề thi như thế nào, nội dung chương trình lớp 11 gồm những phần nào, nếu không có đề thi minh họa thì học sinh sẽ học ra sao. “Coi như học sinh lớp 12 năm nay phải học gấp đôi học sinh lớp 12 năm ngoái vì chương trình lớp 11 có thể ra bất cứ phần nào, nếu không giới hạn nội dung ra đề thi” - Dương Ngọc Trãi băn khoăn. Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền - giáo viên dạy Văn, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) chia sẻ, cho đến lúc này chính giáo viên cũng rất mơ hồ về nội dung chương trình lớp 11 được đưa vào đề thi nên không biết tổ chức ôn tập cho học sinh ra sao. Nếu chương trình lớp 11 chỉ giới hạn khoảng 30% như dự kiến thì riêng với môn Văn, theo cô Diệu Hiền, phần làm văn (chiếm đến 7 điểm) chắc chắn không rơi vào chương trình lớp 11.
Bên cạnh lo lắng vì không có đề minh họa, Nguyễn Thị Hồng Hương - học sinh lớp 12A8, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng còn chia sẻ thêm, nếu Bộ GD-ĐT phân chia thời gian thi như năm 2017 sẽ rất khó khăn cho học sinh vì thí sinh phải làm bài thi tổ hợp, số bài thi ít nhưng số môn phải thi thì nhiều - có đến 4 môn thi trong một ngày. Về vấn đề này, ông Hà Thanh Quốc cho biết cũng đã kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, giãn thời gian thi để tạo thuận lợi và tránh gây áp lực cho học sinh.
Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm Để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, Bộ GD-ĐT thông báo một số chủ trương sẽ thực hiện theo lộ trình như sau: Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Về bài thi, môn thi: Trong các năm 2018, 2019 và 2020 việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017; từ năm 2021 trở đi, bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. Rà soát, quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp bậc học. Rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội. (Nguồn: Công văn 4462/BGDDT-QLCL của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy từ năm 2018) |
CHÂU NỮ