Huyền thoại Đá Bàn
Lọt thỏm giữa lòng Hòn Tàu hùng vĩ, Đá Bàn tự tại bên dòng suối trong veo, không chỉ lưu lại ánh hào quang của quá khứ mà nơi đó người ta còn thêu dệt những huyền thoại lung linh…
Đá Bàn, có lẽ người xưa đặt tên theo hình thể sự vật vốn có. Giữa chất chồng đá, tự nhiên có một phiến đá thiết diện phẳng giữa thế giới đá muôn hình muôn dạng. Thiên nhiên tạo dáng một cái bàn khổng lồ, để con người nghỉ chân sau chặng đường rừng đầy khúc khuỷu chăng? Không rõ. Nhưng với hình dạng đặc biệt đó, Đá Bàn đại diện mang tên cho vô số “anh em nhà đá” lân cận.
Hòn Tàu nằm về hướng đông và đông nam của xã Sơn Viên (huyện Nông Sơn). Dãy Hòn Tàu là điểm tựa vững chắc của Sơn Viên - Nông Sơn. Khi tiếng súng đấu tranh chống thực dân Pháp dần dần lịm tắt trên nhiều vùng miền, cũng là lúc Nguyễn Duy Hiệu thất thủ ở Khe Canh. Ông cùng binh lính lui về dãy Hòn Tàu cố thủ một thời gian. Cuối cùng thất bại, nhưng tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường của Hường Hiệu vẫn được hậu thế ghi tạc. Trong các cuộc chiến ở thế kỷ XX, giữa đồn bốt dày đặc của giặc trên các điểm cao, thiên nhiên vẫn là người bạn đồng hành của nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Rừng cây bạt ngàn, núi non bao bọc điệp điệp trùng trùng đã chở che cho thân phận nhỏ nhoi của con người giữa bom đạn ác liệt của chiến tranh. Nơi đây, từng in dấu của bệnh viện dân y, quân y… (hố nhà thương nằm ở chân dãy Hòn Tàu). Có nhiều lý do để Khu ủy khu V, Tỉnh ủy Quảng Nam từng chọn đặt cơ quan ở địa điểm này, bởi tất cả đều được bảo mật an toàn trong tầng tầng lớp lớp núi non, hang động…
Còn trong ký ức người dân, nơi đây luôn được nhắc nhớ bởi huyền thoại: Con cọp Đá Bàn. Hố Đá Bàn gắn liền với một sức mạnh thiên nhiên phi phàm, vì được xem là giang sơn của bạch hổ. Thuở đó, khát vọng về một cuộc sống an vui vẫn là ước mơ muôn thuở của con người. Người ta kể rằng, cuộc sống cộng đồng lúc ban sơ hết sức nền nếp. Đất có lề quê có thói, ai trộm cắp vặt bị bắt một lần sẽ chặt một ngón tay út; hai lần, cảnh cáo hai ngón; lần thứ ba mới đem xét xử. Nhưng nếu nhiều lần không cải thiện, khắc phục, thì đưa vào Đá Bàn cho bạch hổ ăn thịt. Tại đây, người ta chôn một cái trụ. Sau khi đem phạm nhân cột chặt vào trụ, họ ra về và phạm nhân sẽ làm mồi cho hổ. Có lẽ chính vì hình phạt khắt khe đó, mà cuộc sống dẫu sơ khai vẫn rất ổn định, làng xóm yên bình.
Thế nhưng, một trường hợp đặc biệt của hai mẹ con nhà kia xảy ra. Người mẹ mù lòa, bệnh tật triền miên, phải dựa cả vào người con trai. Vì nhà nghèo, không có đất ruộng, nên chàng trai phải vào rừng kiếm củi, hái hột chà là đem ra chợ bán hoặc đổi gạo muối về nuôi mẹ. Có khi đổi được gạo quá ít, người con trai phải nhường hết phần cơm cho mẹ, còn mình ăn hột chà là cầm cự qua ngày. Có lẽ từ đó câu ca dao mới ra đời: “Đói lòng ăn hột chà là/ Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”. Chà là cũng có mùa. Khi cuối mùa, không còn trái nào để hái, lại thêm trời mưa liên miên, chàng trai không thể vào rừng kiếm củi. Không thể nhìn mẹ chết đói, chàng trai đành phải ăn trộm. Trộm không nhiều, khi con gà, lúc con vịt, để nấu cháo cho mẹ. Dẫu bản tính thiệt thà nhưng vì lòng hiếu thảo, cực chẳng đã, anh mới làm chuyện đó.
Rồi một ngày kia, người ta bắt anh nhốt lại chờ ngày xử tử. Điều đau đớn làm tan nát lòng anh, đó là anh lo sẽ không có ai chăm sóc mẹ. Anh không kêu oan cho mình, mà chỉ van xin dân làng hãy thương xót mẹ khi không có anh bên cạnh. Lời van xin rơi giữa bao la đại ngàn, không có tín hiệu trả lời. Điều anh lo sợ đã xảy ra: Mẹ anh đã ra đi trong lặng lẽ vì đói khát, bệnh tật, mù lòa. Người ta đã chôn mẹ anh như bao người neo đơn khác, một nấm mồ nho nhỏ ven đường. Còn anh, là phạm nhân, đến ngày phải nhận án. Anh bị trói tay chân, cột chặt vào cây trụ định mệnh trong hố Đá Bàn. Ánh mắt vô vọng của anh nhìn người cuối cùng rời khỏi Đá Bàn, hai hàng nước mắt lặng lẽ tuôn rơi trên chiếc áo bạc màu…
Bỗng nhiên một cơn gió lạ từ đâu thổi đến. Qua làn nước mắt dường như anh thấy cỏ cây cả một vùng cúi rạp xuống đất. Chúa sơn lâm từ từ xuất hiện, bước chân nhịp nhàng vững chãi. Bộ lông mượt trắng như tuyết của bạch hổ nổi bật giữa rừng xanh, nhằm hướng anh tiến tới. Anh sợ quá ngất đi…
…Ba năm sau, một thanh niên da ngăm đen, rắn chắc tìm về ngôi nhà tranh thuở nào. Anh dọn dẹp sạch sẽ từ trong ra ngoài, tự tay đi chợ nấu nướng, mời xóm làng về dự ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Mọi người ngạc nhiên đến sững sờ, không thể tin về điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau khi nén nhang trên bàn thờ mẹ vừa tàn, anh bùi ngùi kể lại:
Lúc bạch hổ đến, anh sợ quá, ngất đi. Nhưng trong tiềm thức anh vẫn cảm nhận được hơi ấm từ ông Ba mươi. Bằng lưỡi của mình, “ông” nhẹ lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nhợt nhạt của anh, sau đó dùng răng nhẹ bứt từng dây trói. Và anh cảm thấy mình được nhấc bỗng lên, trôi đi. Không biết đi qua bao nhiêu đồi, bao nhiêu rừng, bao nhiêu suối, chỉ biết rằng làng xóm, quê hương lùi dần phía sau. Bên tai anh từng cơn gió thì thầm chia sẻ. Bỗng dưng anh thấy mình được nhẹ nhàng đặt xuống, nằm giữa một cánh đồng lúa mênh mông trĩu vàng nặng hạt. Chung quanh anh màu vàng mẩy hạt bừng sáng. Anh ngỡ mình trong chiêm bao, đang ở một cõi khác, chốn thiên đường. Đúng lúc đó có một phú hộ thăm ruộng ngang qua, thấy một thanh niên ốm o bất tỉnh trên cánh đồng liền giục người làm bón từng giọt nước, rồi khiêng về nhà. Phú hộ nhân từ nhận làm con nuôi. Anh trở thành một trai làng giỏi nhất vùng. Tính tình anh thật thà, hiền hậu nên ai cũng thương yêu. Trong cuộc sống hiện tại đầy đủ, sung túc, anh muốn về lại quê nhà, khói hương cho mẹ. Phú hộ chuẩn bị lương thực, tiền bạc cho anh lần tìm đường về quê giỗ mẹ… Người ta bình luận rằng: Lần đầu tiên ông Ba mươi phá lệ, không giết người mà lại cứu người. Phải chăng lòng hiếu thảo của anh thấu tận trời xanh và “lay động” trái tim dã thú?
Ngày nay, nếu có dịp về vùng Đại An - Sơn Viên - Nông Sơn, du khách sẽ được thưởng thức vẻ đẹp bao la của Hòn Tàu hùng vĩ. Vào lòng Hòn Tàu, ta sẽ cảm nhận phong cảnh thật hữu tình của Thác Nai - một Đà Lạt thu nhỏ. Từ Thác Nai ngược dòng khoảng hai cây số đường chim bay, du khách sẽ được đặt chân lên hố Đá Bàn. Không gian huyền thoại, đầy lãng mạn ấy sẽ níu chân du khách…
MẠC LY