Đi lên từ xã thuần nông
Xã Đại Cường (Đại Lộc), vùng đất nằm giữa hai sông Vu Gia và Thu Bồn, đã và đang không ngừng hoàn thiện, kiện toàn các tiêu chí trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối giai đoạn 2024 - 2025.
Chú trọng an sinh xã hội
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại Cường là một trong những xã có nhiều dấu ấn trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, khuyến học khuyến tài và bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa...
Giai đoạn 2015 - 2020, tổng giá trị sản xuất của xã Đại Cường đạt gần 1.073 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu nghị quyết), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,3%. Toàn xã có 4.181 lao động có việc làm thường xuyên; 57 lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,15% (đầu nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,41%)... Giai đoạn 2020 - 2025, Đại Cường phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 12 - 13%, với cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ chiếm 37%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 36,5%, nông nghiệp 26,5%.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường cho hay, trên lĩnh vực GD-ĐT, đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp đảm bảo. Trong đó, Trường Tiểu học Đại Cường và THCS Phan Bội Châu đã đạt chuẩn mức độ 2, hướng tới kiểm định chất lượng mức độ 3; Trường Mầm non Đại Cường đã đạt chuẩn cấp độ 1. Đến nay, Hội khuyến học xã đã huy động gần 1,7 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài cơ sở.
“Hằng năm, học sinh của xã đỗ đại học đều được hỗ trợ 1 - 3 triệu đồng; riêng học sinh khó khăn, hộ nghèo đỗ đại học được trao thưởng 5 triệu đồng/em và các hỗ trợ khác. Nổi bật trong khuyến học, khuyến tài phải kể đến phong trào trong các tộc họ, như tộc Nguyễn Hữu ở làng Phúc Khương (nay là thôn Khương Mỹ), tộc Nguyễn Thế ở thôn Trang Điền…” - ông Phương nói.
Trong xây dựng đời sống văn hóa, năm 2019 Đại Cường có 3 tộc tổ chức lễ phát động xây dựng “Tộc văn hóa”, 3 tộc tổ chức đón nhận danh hiệu “Tộc văn hóa” được UBND xã công nhận, có 5/5 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, có 2.135/2.267 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Theo ông Phương, một dấu ấn nổi bật trên lĩnh vực văn hóa ở Đại Cường là chăm lo xây dựng, trùng tu, bảo tồn các công trình, di tích, thiết chế văn hóa trong cộng đồng, làng xã. Trên địa bàn xã có đình Phúc Khương và đình Quảng Đại được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Lễ hội Bà Phường Chào mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa cộng đồng được tổ chức bài bản, quy mô, công phu, vượt ra khỏi lễ hội cấp làng xã, phát huy vai trò chủ thể. Lễ hội đang được địa phương làm các thủ tục đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đảng bộ và chính quyền xã đang có kế hoạch xây dựng Nhà lưu niệm cụ Đỗ Đăng Tuyển, một danh nhân văn hóa - lịch sử của đất Đại Lộc. Công trình nếu được thực hiện sẽ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống trong nhân dân, thế hệ trẻ...
Trong nhiệm vụ ổn định an sinh xã hội, công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo được Đại Cường hết sức chú trọng. Giai đoạn 2015 - 2020, toàn xã đã hỗ trợ xây mới 25 nhà, sửa chữa 30 nhà cho gia đình chính sách và hỗ trợ xây dựng 17 nhà ở cho hộ nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng. Xã tổ chức thăm hỏi tặng quà gia đình chính sách, người có công vào các ngày lễ lớn, dịp tết với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ xã với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Hướng tới nền sản xuất hàng hóa
Đi lên từ xã thuần nông, Đại Cường tập trung nâng giá trị của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi...
Bà Võ Thị Thúy Nguyệt - Bí thư Đảng ủy xã Đại Cường cho biết, trên địa bàn có 240ha đất màu, trong đó 160ha gieo trồng cho giá trị thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nhiều hộ đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tổng đàn bò của xã duy trì gần 2.000 con; đàn heo, gia cầm và thủy cầm gần chục vạn con; có 6,3ha nuôi trồng thủy sản... Riêng Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Cường tổ chức liên kết sản xuất 140ha lúa giống các loại; liên kết sản xuất 50ha đậu xanh xuân hè đem lại hiệu quả kinh tế cao và đa dạng hình thức kinh doanh dịch vụ..., qua đó riêng năm 2019 tổng doanh thu đạt hơn 30 tỷ đồng, lãi ròng 385 triệu đồng...
Theo bà Võ Thị Thúy Nguyệt, nhiệm kỳ tới, Đảng bộ xã định hướng tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khảo sát chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích sản xuất kém hiệu quả, không chủ động nguồn nước tưới. Chỉ đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Cường đẩy mạnh khâu tổ chức liên doanh, liên kết với công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị trên một số cây trồng lợi thế. Xã cũng sẽ tăng cường công tác khuyến nông, nâng cao hiệu quả các loại hình kinh doanh kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác; đặc biệt là xây dựng kế hoạch tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, vận động nhân dân thực hiện cánh đồng lớn; khuyến khích chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, an toàn sinh học.
QUYẾT TÂM XÂY DỰNG XÃ NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO
Bà Võ Thị Thúy Nguyệt - Bí thư Đảng ủy xã Đại Cường: “Tập trung nguồn lực đưa Đại Cường đạt xã nônG thôn mới nâng cao”
Nhiệm kỳ tới Đại Cường chú trọng hai mục tiêu chính là đảm bảo an sinh xã hội và đưa nền kinh tế tăng trưởng 12 - 13%/năm. Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh công tác giảm nghèo, từ việc huy động nguồn lực tổng hợp, từ nhà nước, xã hội, nhân dân. Các địa phương, đoàn thể, tổ chức phải vào cuộc quyết liệt hỗ trợ người dân thoát nghèo. Phấn đấu giảm mỗi năm 2 - 3 hộ nghèo trong độ tuổi lao động. Tích cực tìm kiếm phương án giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ xuất khẩu lao động, thu hút các thành phần kinh tế thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp về địa phương. Tích cực vận động nguồn lực xã hội, nguồn lực từ người con xa quê hỗ trợ người nghèo. Giai đoạn 2020 - 2023, Đại Cường phấn đấu có 3 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gồm Quảng Đại, Thanh Vân và Ô Gia; phấn đấu đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc: “Cần chú trọng xây dựng, phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị”
Phát huy truyền thống trên quê hương cụ Đỗ Đăng Tuyển, nhiệm kỳ qua, Đại Cường có những thành tích đáng chú ý trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế của xã, đặc biệt là nền sản xuất nông nghiệp, dù có khởi sắc, chuyển dịch tích cực song chưa thực sự bền vững, chưa có những mô hình mang tính đột phá, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế địa phương. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường; sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, thị trường đầu ra thiếu ổn định. Việc phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương, sản phẩm OCOP vẫn còn khó… Nhiệm kỳ đến, Đại Cường phải phát huy các nguồn lực nhằm giảm nghèo, đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ. Trong đó, phải tích cực thực hiện tích tụ ruộng đất để có những cánh đồng mẫu lớn; xây dựng vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị đối với một số cây trồng lợi thế. Từng bước hình thành và nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất, xây dựng chuỗi sản xuất nông sản sạch như trồng cây ăn quả, sản xuất rau sạch theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường kết hợp với du lịch làng quê… B.L (ghi)