Khai thác lợi thế để phát triển
Chiều qua 17.3, đoàn công tác của Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu có buổi khảo sát, làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự buổi làm việc có Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang - Lê Văn Hường cho biết, đến thời điểm này, ngoài chỉ tiêu về nông thôn mới, huyện Nam Giang cơ bản đã đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đề ra; đặc biệt là các chỉ tiêu về kinh tế với 3 nhiệm vụ đột phá trọng tâm. Trong đó tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 39,3%, vượt chỉ tiêu theo nghị quyết.
Bên cạnh tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt hơn 6.027ha, sản lượng lương thực có hạt 6.786 tấn, đến nay giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của Nam Giang đạt hơn 915 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 5,77%; tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 21,36% trong cơ cấu kinh tế của huyện; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 18,47% trong tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản. Ngoài ra, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch đều đạt và vượt theo chỉ tiêu kế hoạch.
“Cùng với phát triển kinh tế, 5 năm qua toàn huyện có 1.308 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm bình quân hàng năm 5,59%. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019 Nam Giang giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 36,51%” - ông Hường cho biết thêm.
Theo ông Phan Văn Bình - Phó Bí thư Huyện ủy Nam Giang, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, cùng với nhiều kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, địa phương còn xây dựng được nhiều phương án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đội ngũ cán bộ cấp ủy huyện có trình độ đại học chiếm 92,5% (tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ), cao cấp lý luận chính trị chiếm 97,5% (tăng 10%). Cán bộ công chức trưởng phó phòng và tương đương có trình độ đại học trở lên đạt 100% và gần 97% đạt trung cấp về lý luận chính trị trở lên. Ngoài ra, qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, có 10% số cán bộ cấp huyện có trình độ sau đại học; 60,63% cán bộ cấp xã có trình độ đại học…
“Từ việc chú trọng công tác cán bộ, nhiều năm qua, Nam Giang đã quy hoạch, đề bạt và bố trí cán bộ trẻ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào các vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý, vừa góp phần tạo nguồn cán bộ lâu dài ở địa phương, vừa đảm bảo tính kế thừa trong tác cán bộ ở miền núi” - ông Bình nói.
Cần phát huy thế mạnh
Đảng bộ huyện Nam Giang hiện có 55 chi bộ, đảng bộ trực thuộc, với 2.794 đảng viên sinh hoạt ở 143 chi bộ cơ sở. Nhiều năm qua, bên cạnh làm tốt công tác xây dựng Đảng, địa phương cũng đã tiến hành sắp xếp, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hàng năm.
Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, cùng với rà soát lại các tiêu chí, điều kiện cán bộ để có cơ sở báo cáo, đề xuất giới thiệu nhân sự trước Đại hội Đảng bộ huyện đảm bảo theo Điều lệ Đảng, Nam Giang cần chú trọng đến việc đưa công an chính quy công tác tại các xã, nhất là các địa phương khu vực biên giới. Huyện cần phải đón đầu việc thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Nhiệm kỳ tới, đồng chí Lê Trí Thanh đề nghị Nam Giang cần phải nỗ lực lực hơn nữa trong việc quản lý, bảo vệ rừng, biến sinh thái rừng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương miền núi.
“Nam Giang có tiềm năng phát triển, nhiều sản phẩm đặc trưng có điều kiện phát triển thành sản phẩm OCOP tiêu biểu, tạo sự lan tỏa đến các vùng miền núi khác. Vì thế, Nam Giang cần phải mạnh dạn xác định lợi thế của mình, đồng thời gắn việc kết nối với các huyện Đông Giang, Tây Giang để hình thành các chuỗi sản phẩm đặc trưng của vùng. Lợi thế của huyện, ngoài kinh tế lâm nghiệp còn đến từ việc phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, cộng đồng và du lịch lồng bè thủy điện. Phải biết tận dụng và khai thác một cách có hiệu quả” - đồng chí Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, bên cạnh hoàn thành tốt nhiều nội dung theo nghị quyết, Nam Giang vẫn còn hạn chế ở một số điểm, nhất là tỷ lệ hộ nghèo còn cao; công tác giữ rừng còn chưa hiệu quả; số tệ nạn xã hội vẫn còn tăng cao... Vì thế, cùng với tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, huyện Nam Giang cần khắc phục các điểm còn thiếu sót, chưa phù hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương.
Liên quan đến công tác chuẩn bị đại hội, đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị, bên cạnh xây dựng kế hoạch cụ thể, Nam Giang cần quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên; chuẩn bị tốt các nội dung văn kiện trình đại hội, cũng như thực hiện chặt chẽ các bước giới thiệu nhân sự, đảm bảo vừa giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức và có uy tín với cộng đồng địa phương.