Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang: "Công khai chính là làm cho Đảng mạnh hơn"

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện) 10/10/2018 03:09

Hôm nay 10.10, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng (16.10). Dịp này, chia sẻ với Báo Quảng Nam về vai trò, trách nhiệm của ngành và của những người làm công tác kiểm tra Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang khẳng định:

“Những thành quả phát triển mà Quảng Nam đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh có sự đóng góp rất tích cực của ngành kiểm tra Đảng. Vai trò của công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được khẳng định, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII”.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Ảnh: N.Đ
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Ảnh: N.Đ

Nâng cao năng lực

Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đánh giá như thế nào về đóng góp của công tác kểm tra, giám sát vào sự phát triển chung của tỉnh thời gian qua?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang: Với những nghị quyết mới, chủ trương, chính sách mới của Đảng, đặc biệt, sau khi có các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được nâng lên ở mức mới. Từ những kết quả đạt được, tôi cho rằng hiệu quả của việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, tổ chức đảng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã đi vào nền nếp, quy củ. Từng đồng chí đảng viên, cán bộ cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là người đứng đầu đối với công tác tổ chức nói chung; công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của mỗi địa phương, đơn vị. Đây là một trong những đánh giá rất quan trọng đối với những kết quả, đóng góp mà ngành kiểm tra nói chung, trong đó có UBKT Tỉnh ủy và UBKT các cấp đã đạt được trong thời gian qua.

Đồng chí có thể nói rõ hơn về vai trò chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của UBKT các cấp, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang: Có thể nói, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, góp phần ngăn ngừa, chấn chỉnh những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên tiếp tục chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó, đã nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, với quyết tâm cao nhất là thực hiện cho được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tôi cho rằng, đây cũng là một trong những thành công rất đáng kể của ngành kiểm tra Đảng. Cung cách làm việc của cán bộ kiểm tra Đảng ở nhiệm kỳ này được củng cố, đi vào nền nếp, các đồng chí đều bảo đảm được năng lực, phẩm chất, kiên quyết đấu tranh với những sai phạm, thiếu sót; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, qua loa, nhẹ trên nặng dưới, sợ ảnh hưởng đến thành tích của từng đảng bộ, cấp ủy. Tinh thần đấu tranh với cái sai đã được các đồng chí trong UBKT các cấp nâng lên một bước, tôi đánh giá rất tích cực.

Thực hiện các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là Thông báo số 43 của Bộ Chính trị về công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ kết hợp với Chỉ thị 28 của Tỉnh ủy, ngành kiểm tra Đảng chủ động cùng với ngành tổ chức vào cuộc hết sức quyết liệt, thực hiện rà soát, thẩm tra, xác minh trường hợp tồn đọng từ trước đến nay. Để từ đó chúng ta có những giải pháp giải quyết thật cơ bản công tác tổ chức cán bộ của tỉnh, vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, vừa làm trong sạch đội ngũ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Thước đo cho sự nghiêm minh

Theo đồng chí, thời gian qua việc công khai các kết luận kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật của Đảng, Nhà nước có tác dụng như thế nào đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang: Theo tôi, đây cũng là đổi mới của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Đổi mới ở đây là thực hiện theo đúng tinh thần “mọi công việc phải thật minh bạch, công khai, dân chủ”. Công khai để toàn Đảng, tất cả cán bộ, đảng viên nhìn thấy như là những tấm gương tự soi, tự sửa. Những sai phạm, khuyết điểm của đồng chí mình cũng là bài học để chúng ta kiểm điểm, soi xét lại chính công việc của từng đảng bộ, cơ quan, đơn vị, mỗi đảng viên. Tác dụng, ý nghĩa của việc công khai này lớn lắm. Nếu chỉ xử lý nội bộ, rút kinh nghiệm chung chung thì mặc nhiên chúng ta cứ để những khuyết điểm, tồn tại kéo dài; đến một lúc nào đó sẽ trở thành những điểm nóng, từ sự hữu khuynh đó sẽ tạo mảnh đất màu mỡ cho cái xấu, tiêu cực nảy nở nếu không được xử lý nghiêm, và không được công khai.

Việc công khai chính là thước đo để thấy sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, tạo ra sự tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng; 27 biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) rất cần phải được đấu tranh, kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời. Công khai chính là làm cho Đảng mạnh hơn, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin, sự ủng hộ, đồng tình, tin tưởng của mọi người dân, trong đó có các đồng chí cán bộ lão thành, hưu trí; đồng thời cũng chính là chống lại sự bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tỉnh ủy đã và đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp lại hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thưa đồng chí, công tác kiểm tra, giám sát có vị trí, vai trò như thế nào trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết này? Thời gian tới, cấp ủy và UBKT các cấp cần thực hiện tốt những công việc trọng tâm nào để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII)?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang: Tôi nghĩ, cái quan trọng nhất đầu tiên là người đứng đầu của các cấp ủy, tổ chức đảng phải hết sức hiểu rõ, quán triệt thật tốt tinh thần các nghị quyết. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là UBKT các cấp phải gắn với nhiệm vụ trọng tâm để tham mưu, giúp cấp ủy lựa chọn những nội dung cần phải được giám sát thường xuyên đối với các tổ chức đảng cấp dưới. Rà soát lại xem việc bố trí, tổ chức cán bộ, bộ máy, vị trí việc làm... của các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc đến đâu, quyết liệt như thế nào, qua đó giúp cấp ủy, người đứng đầu có những giải pháp, hành động hết sức cụ thể mới thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng. Cùng với đó là giúp cấp ủy các cấp thực hiện đầy đủ tinh thần Chỉ thị 28 của Tỉnh ủy, tập trung rà soát, kiên quyết thu hồi các quyết định về công tác cán bộ không đúng. Ngoài ra, khi phát hiện các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, những nơi có vấn đề nổi cộm bức xúc, kéo dài..., UBKT phải là cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm tham mưu, chủ động vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 6,7 (khóa XII).

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện)

LUÔN TỈNH TÁO, KHÔNG PHIẾN DIỆN

Nói về công việc của người cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng, Ủy viên UBKT Tỉnh ủy, Trưởng phòng Kiểm tra IV - Thái Thị Minh Phúc chia sẻ, không có vụ việc nào giống vụ việc nào, nhưng đích đến là vấn đề đúng - sai phải được cán bộ kiểm tra làm rõ; cái đúng phải được phát huy nhưng cũng chỉ rõ cái sai, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Đặt mình vào vị trí, vai trò của đảng viên được kiểm tra mới thấy, quy định là vậy nhưng có những việc “người trong cuộc” biết là vi phạm, vượt rào mà vẫn làm vì thực tiễn đang yêu cầu, vì cái chung. “Có cái sai vì nhận thức chưa đầy đủ; cũng có cái sai do sự cố ý, vì cái riêng. Vì vậy, mình phải luôn tỉnh táo, không phiến diện, xem xét thấu đáo, toàn diện quá trình đối với mỗi vụ việc, có kết luận rõ ràng, khách quan, công tâm, chính xác, đúng bản chất. Như thế để người được kiểm tra nếu có khuyết điểm, vi phạm phải đồng tình, tâm phục khẩu phục, nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục để tiến bộ; không để xảy ra tình trạng “nhờn thuốc”, giữ vững nguyên tắc của Đảng” - bà Minh Phúc nói.

Ủy viên UBKT Tỉnh ủy, Trưởng phòng Kiểm tra IV Thái Thị Minh Phúc. Ảnh: N.Đ
Ủy viên UBKT Tỉnh ủy, Trưởng phòng Kiểm tra IV Thái Thị Minh Phúc. Ảnh: N.Đ

Trưởng phòng Kiểm tra IV - Thái Thị Minh Phúc được đánh giá là gương cán bộ kiểm tra Đảng tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ được Đảng giao. Các kết luận sau kiểm tra làm rõ đối với từng vụ việc do bà làm trưởng đoàn được đánh giá cao, đối tượng bị kiểm tra đồng tình, tin phục. Bà Minh Phúc trải lòng, từ ngày đầu tái lập tỉnh Quảng Nam, vào tháng 2.1997 bà vào công tác tại cơ quan UBKT Tỉnh ủy và được lãnh đạo phân công nhiệm vụ kế toán. Đến năm 2005, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng UBKT Tỉnh ủy. Sau hai năm được đào tạo cử nhân chính trị chuyên ngành kiểm tra tại Hà Nội, tháng 8.2008 bà tiếp tục công việc của một Phó Chánh văn phòng UBKT Tỉnh ủy phụ trách công tác kế toán. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, bà được bầu vào Ủy viên UBKT Tỉnh ủy, giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm tra tài chính đảng. Do yêu cầu về sắp xếp lại tổ chức của cơ quan, đầu năm 2013 bà được bố trí làm Trưởng phòng Kiểm tra IV (thành lập sau khi giải thể Phòng Kiểm tra tài chính đảng). Là người trưởng thành từ nội bộ cơ quan UBKT Tỉnh ủy, biết bản thân chưa thấu hiểu cơ sở được nhiều, do vậy bà Minh Phúc luôn cầu thị, vừa tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, vừa học tập, trau dồi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước và trưởng thành từ thực tiễn cơ sở.

“Niềm khích lệ, động viên lớn nhất đối với người cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng là được tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trong đó có người được kiểm tra hiểu, tin về công việc mình đang làm” - bà Thái Thị Minh Phúc nói.

Bà Minh Phúc tâm niệm, cái đức tính tận tụy, cụ thể, chính xác của người kế toán càng đòi hỏi phải được phát huy hơn đối với cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng. Để hoàn thành tốt vai trò trưởng đoàn trong các cuộc kiểm tra, giám sát, ngoài nắm vững nghiệp vụ, bản thân phải luôn tỉnh táo, thận trọng và bản lĩnh vững vàng, sâu sát, nắm bắt tình hình địa phương, đơn vị được kiểm tra. Có những vụ việc có dấu hiệu vi phạm, khi mới đặt vấn đề kiểm tra thì tình hình của đối tượng bị kiểm tra rất căng thẳng. Nhiều ý kiến còn bày tỏ lo ngại, băn khoăn không biết sau kiểm tra sẽ như thế nào. Nhưng rồi quá trình kiểm tra, đã giúp anh em cơ sở nhận thấy rõ những mặt hạn chế, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục; những khúc mắc tồn tại âm ỉ trong nội bộ được giải tỏa, xua tan và đi đến sự gắn kết, thống nhất. “Kiểm tra làm rõ đúng - sai không khó, điều quan trọng ở đây là hiệu quả sau cùng phải bảo vệ cho được cái đúng, phát huy ưu điểm; khuyết điểm phải được nghiêm túc kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm nếu vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng để răn đe, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, uốn nắn cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương” - bà Minh Phúc chia sẻ.

HÀN GIANG

XỨNG ĐÁNG VỚI NIỀM TIN

Nhìn lại 70 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành của ngành kiểm tra Đảng nói chung và gần 48 năm ngành kiểm tra Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nói riêng, qua mỗi thời kỳ, ngành luôn giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Đảng, kế thừa và phát huy phẩm chất tốt đẹp trong quá trình hoạt động.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Ảnh: N.Đ
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Ảnh: N.Đ

Dấu ấn những chặng đường

Thực hiện chủ trương của cấp trên, ngày 15.5.1970 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Tỉnh ủy lâm thời, do đồng chí Đỗ Thế Chấp - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, ghi dấu mốc quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Sau khi thống nhất đất nước, ngày 4.10.1975 tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy lâm thời được Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời bầu ra gồm 7 người do đồng chí Vũ Văn Đoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Từ đây ngành kiểm tra của Đảng bộ tỉnh bước sang thời kỳ mới vừa củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan kiểm tra cấp tỉnh, vừa xây dựng hệ thống cơ quan kiểm tra các cấp, đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từ tỉnh đến cơ sở, khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Từ năm 1975 đến năm 1996, qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) từ tỉnh đến cơ sở được bầu cử theo quy định của Điều lệ Đảng và thực hiện nhiệm vụ thống nhất theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của UBKT Trung ương. Từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, vị trí, vai trò của UBKT ngày càng được khẳng định; quyền hạn, trách nhiệm được mở rộng. Hoạt động của UBKT các cấp trong tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng; ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Những năm gần đây, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh được triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng quy định, từng bước chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm. Ngành cũng đã chủ động trong tham mưu cấp ủy, thực hiện các nhiệm vụ do cấp ủy giao; phát huy tác dụng, hiệu quả tích cực trong quá trình kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

Vững bước trong giai đoạn mới

Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Trong đó giám sát diện rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”, “phòng ngừa, giải quyết sớm, chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng trong kỷ luật của Đảng”, “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, vùng trống”, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên thì vội vã, dưới còn nhiều nơi thư thả”... UBKT các cấp cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng, không bị động “chờ việc” mà phải chủ động kiểm tra, đi trước “mở đường” cho công tác thanh tra, điều tra. Khi có dư luận, UBKT cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện vấn đề xem xét kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh, khắc phục, không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, “cái sảy nảy cái ung”, vi phạm của cá nhân thành vi phạm của tập thể.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi cán bộ kiểm tra phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị; không ngừng học tập, nắm vững đường lối, chủ trương, nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, cán bộ làm công tác kiểm tra phải có tính chiến đấu cao, có chuyên môn nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, bởi không liêm, không chính thì không nói được người khác, không đấu tranh được với người khác. Từ đó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng với truyền thống của ngành kiểm tra “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Qua 10 năm (2008 - 2018) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp kiểm tra 7.536 lượt tổ chức đảng và 16.135 lượt đảng viên; giám sát chuyên đề 5.267 lượt tổ chức đảng và 10.131 đảng viên. UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 935 tổ chức đảng và 3.015 đảng viên. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm 33 tổ chức đảng và 112 đảng viên (có 14 tỉnh ủy viên). Qua kiểm tra xem xét, xử lý kỷ luật 99 tổ chức đảng (khiển trách 72, cảnh cáo 27) và 3.311 đảng viên (có 1.062 lượt đảng viên là cấp ủy viên các cấp bị kỷ luật), với các hình thức: khiển trách 1.943, cảnh cáo 997, cách chức 168, khai trừ 203. Kiểm tra 1.307 lượt tổ chức đảng về thu chi ngân sách và 6.353 lượt tổ chức đảng về thu, nộp, quản lý, sử dụng đảng phí; qua kiểm tra phát hiện số tiền chi sai quy định gần 2,365 tỷ đồng.

TRẦN XUÂN VINH (Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy)

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện)