Đi trên gian khó

NĂNG ĐÔNG 28/03/2018 08:58

Ngày 28.3.1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy phân công lại trách nhiệm công tác của các đồng chí Tỉnh ủy viên. Trong đó, đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thâm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Đại Quả được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức. Trong thời gian này Tỉnh ủy đã thành lập được chi bộ đảng đầu tiên ở Hội An do đồng chí Hà Mùi làm Bí thư.

Các đồng chí đảng viên từ những năm 1930 chụp ảnh lưu niệm trong dịp tọa đàm kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28.3.1930-28.3.1980). Ảnh tư liệu
Các đồng chí đảng viên từ những năm 1930 chụp ảnh lưu niệm trong dịp tọa đàm kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28.3.1930-28.3.1980). Ảnh tư liệu

Ngôi nhà bí mật

Những ngày đầu thành lập, Tỉnh ủy chưa có địa điểm cố định và an toàn để thuận tiện cho việc liên lạc, in ấn truyền đơn, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền và đấu tranh. Vì thế các đồng chí trong Tỉnh ủy quyết định mua một ngôi nhà tranh nhỏ của ông Nguyễn Gừng ở xóm Da, ấp Xuân Lâm, Cẩm Phô (nay là khối phố 5, phường Cẩm Phô, Hội An). Tuy nhiên, lúc này bọn mật thám theo dõi và kiểm soát gắt gao nên việc cơ quan bí mật của Tỉnh ủy nằm ngay cạnh cơ quan đầu não - Tòa Công sứ Pháp là chuyện hết sức khó khăn và tưởng chừng không thể. Để đảm bảo bí mật, Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức đám cưới giả cho chị Trần Thị Dư và anh Nguyễn Lộc, sau khi cưới vợ chồng về đây ở. Về sự kiện này, theo hồi ký của đồng chí Phan Văn Định, trích trong cuốn “Buổi đầu gieo hạt”, có ghi: “Lúc bấy giờ chúng tôi đã có cơ quan của Tỉnh ủy. Đấy là một căn nhà tranh hai gian, bên trong ngăn một cái buồng để làm chỗ ấn loát - nằm lẫn trong khu lao động, ít người để ý. Trụ sở cơ quan chủ yếu dùng làm nơi ấn loát tài liệu, là địa chỉ liên lạc của Tỉnh ủy. Lúc đầu chúng tôi định bố trí nữ đồng chí Dư và đồng chí Lắm ở đó để trực và làm công việc cơ quan, nhưng đồng chí Lắm thấy mình là người cùng phố, ở với chị Dư không tiện (lúc này đồng chí Dư và đồng chí Lắm có ý thương nhau - sau này lấy nhau), cơ quan lại cần có hai người. Chọn ai ở với chị Dư cho dễ che mắt mật thám? Thật là khó. Công việc lúc ấy bề bộn, gấp rút. Sau đồng chí Lắm nói với đồng chí Trần Cần - anh ruột chị Dư: Nên đưa một đảng viên từ xa tới ở với chị Dư. Người ấy phải biết nghề trong phố. Và cần tổ chức một lễ cưới giả để đánh lừa bọn Pháp”.

Mặc dù thời gian cơ quan bí mật đứng chân tại Hội An tương đối ngắn, nhưng những hoạt động diễn ra ở đây có ý nghĩa rất quan trọng trong buổi đầu thành lập và lãnh đạo cách mạng của Tỉnh ủy Quảng Nam. Ngôi nhà tranh không còn nữa, nhưng địa điểm này đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1161/QĐ-UB ngày 7.4.2008 của UBND tỉnh. Hiện nay địa điểm này đã được gắn bia Di tích lịch sử cách mạng cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Quảng Nam với nội dung: “Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ tháng 4 đến tháng 10.1930, Chi bộ đảng Hội An đã chọn ngôi nhà tranh tại đây làm cơ quan bí mật của Đảng. Nơi đây vừa là đầu mối liên lạc, vừa là điểm in ấn các truyền đơn của Đảng. Nhiều cán bộ của Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam về ở tại đây để hoạt động và lãnh đạo cách mạng”.

Trong ngôi nhà bí mật này, Tỉnh ủy bố trí một buồng riêng để đồng chí Trần Đại Quả và các đồng chí Tỉnh ủy viên làm nơi in báo Lưỡi Cày - tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Còn đồng chí Trần Thị Dư được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ ở Đà Nẵng để nhận các mẫu in và phân phát tài liệu, truyền đơn cho các đầu mối cơ sở đảng trong tỉnh.

Ghi dấu buổi đầu

Từ tháng 4 đến tháng 10.1930, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng góp phần phát triển phong trào cách mạng địa phương. Đầu tiên đó là đợt đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5.1930. Trong đợt này Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn cách mạng ở khắp nơi trong tỉnh như Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên... tạo được sự chú ý của các tầng lớp nhân dân. Giữa tháng 5.1930, Tỉnh ủy chỉ đạo Chi bộ Hội An tổ chức lại cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, đồng chí Huỳnh Lắm chịu trách nhiệm diễn thuyết. Cuộc mít tinh diễn ra chưa đầy 10 phút nhưng đã gây được tiếng vang lớn. Tháng 8.1930 để chia lửa với nhân dân Nghệ - Tĩnh, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương tổ chức cuộc diễn thuyết công khai tại ngã ba nhà thờ Tin lành (Hội An), nhưng không thực hiện được. Tỉnh ủy lại quyết định tổ chức cuộc diễn thuyết tại một địa điểm gần chùa Quảng Triệu, nơi gần phố xá, bến sông, dễ tập hợp quần chúng; đồng chí Trần Kim Bảng được chọn làm diễn giả và phân công 40 đảng viên, quần chúng bảo vệ cuộc diễn thuyết… Các hoạt động này đã góp phần to lớn xây dựng niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.

Cùng với việc tuyên truyền, Đảng bộ Quảng Nam đã tổ chức các hội quần chúng và mở rộng diện tập hợp lực lượng. Tổ chức Công hội, Nông hội, Cứu tế được chuyển thành Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ; các tổ chức biến tướng như hội đọc sách báo tiến bộ, nhóm tập võ nghệ, hội bóng đá... được duy trì. Vào khoảng tháng 10.1930, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương tổ chức cuộc biểu tình ở Duy Xuyên. Ta dự định vây phủ đường, bắt tên Tri phủ Phan Thành Ký - từng đàn áp phong trào đấu tranh của nông dân Thanh Chương (Nghệ An) - để hỏi tội, nhưng không thực hiện được. Tỉnh ủy lại chủ trương tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ở phủ Điện Bàn nhưng chưa thực hiện được thì bị lộ.

Cuối tháng 10.1930, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam, các đồng chí trong Tỉnh ủy bị bắt, toàn bộ tài liệu cơ quan Tỉnh ủy bị tịch thu. Qua vụ bể vỡ này, tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Quảng Nam đứng trước một thử thách rất lớn. Tuy vậy, do ảnh hưởng của Đảng đã khá sâu trong quần chúng nhân dân nên một số hội viên Công hội đỏ, Nông hội đỏ tạm thời phân tán vào Sài Gòn và các nơi khác chờ qua đợt khủng bố để về lại địa phương hoạt động. Đến cuối năm 1931 đầu năm 1932 phong trào cách mạng trong tỉnh dần dần được khôi phục.

Sức sống mãnh liệt

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ Quảng Nam đã chú trọng công tác phát triển đảng viên mới ở các địa phương trong tỉnh. Tỉnh ủy phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên đi tuyên truyền, kết nạp đảng viên và thành lập tổ chức đảng ở các phủ, huyện... Ngay trong năm 1930, nhiều chi bộ đảng và huyện ủy, phủ ủy, được thành lập. Tại Hội An, đã thành lập 2 chi bộ với 11 đảng viên; ở phủ Điện Bàn ban đầu lập 1 chi bộ, sau phát triển thành 2 chi bộ: Chi bộ Bất Nhị - Cẩm Lậu và Chi bộ Hà Thanh - Bích Trâm - La Thọ - Thanh Chiêm - An Quán. Ở phủ Duy Xuyên, Chi bộ Tân Mỹ được thành lập và đến tháng 10.1930, Duy Xuyên có 29 đảng viên, tổ chức thành 5 chi bộ. Phủ ủy Duy Xuyên cũng được thành lập do đồng chí Lê Tuất làm Bí thư. Ở huyện Quế Sơn, tháng 4.1930, ban đầu có Chi bộ ghép Quế Trạch - Phương Trì, sau đó là Chi bộ Nghi Trung và Nghi Hạ; tháng 9.1930, Huyện ủy Quế Sơn được thành lập do đồng chí Đoàn Xuân Trinh làm Bí thư. Ở phủ Tam Kỳ, chi bộ đảng đầu tiên được thành lập tại Chùa Ông, đến tháng 7.1930 phát triển lên 5 đảng viên...

Sau khi tổ chức đảng trong tỉnh bị bể vỡ vào tháng 10.1930, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Đến cuối năm 1932 Tỉnh ủy Quảng Nam được lập lại, cơ sở đảng từng bước phục hồi và phát triển ở nhiều nơi, nhất là tại Tam Kỳ. Tuy nhiên đến năm 1935, phong trào cách mạng của tỉnh một lần nữa bị địch đánh phá. Những năm 1936 - 1939, Tỉnh ủy được khôi phục và lãnh đạo thành công cao trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Tiêu biểu là các hoạt động phát động phong trào triệu tập Đông Dương Đại hội; phong trào đón phái bộ Gô-đa sang điều tra tình hình Đông Dương; vận động tranh cử cho Phan Thanh, sau đó là Đặng Thai Mai vào Viện Dân biểu Trung kỳ; phong trào chống dự án tăng thuế của Khâm sứ Trung kỳ... Những phong trào trên đã thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong những giai đoạn khó khăn nhất, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng cả nước.

NĂNG ĐÔNG

NĂNG ĐÔNG