Nhìn lại công cuộc chỉnh đốn Đảng
Quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những năm qua, Đảng bộ Quảng Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm nhiều vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong Đảng và nhân dân; từng bước siết lại kỷ luật, kỷ cương, góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Bên cạnh công cuộc chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong 3 mũi đột phá của tỉnh. Việc ban hành và triển khai các nghị quyết, chỉ thị, đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ trong những năm qua đã đem lại những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi.
BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH NGUYỄN NGỌC QUANG: GIỮ VỮNG KỶ CƯƠNG, NÂNG TẦM CÁN BỘ
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, nhằm giáo dục đạo đức cách mạng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch vững mạnh để lãnh đạo xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang trao bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2010-2015 (tháng 9.2015). Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là nghị quyết hết sức quan trọng, thể hiện rõ quan điểm của Đảng đối với những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế hiện nay. Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo thực hiện và đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Qua đó, nhận thức về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên được nâng lên; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vấn đề cấp bách phải chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc. Thông qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn những hạn chế, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Đảng và nhân dân; gương mẫu tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất đạo đức lối sống, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc trước Đảng và nhân dân.
Nhận thức sâu sắc được vai trò, vị trí quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, đã từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đổi mới lề lối làm việc, giữ gìn đạo đức lối sống... trong cán bộ đảng viên nói chung và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh nói riêng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tập trung quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; ban hành văn bản để chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc trong các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính và tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh.
Có thể khẳng định, với tinh thần tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp như trên, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được nâng lên. Tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đổi mới lề lối làm việc, giữ gìn đạo đức lối sống... của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh có chuyển biến tích cực và được dư luận đồng tình.
Tạo đột phá về công tác cán bộ
Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là nhân tố quyết định toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Xác định tầm quan trọng đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX bằng Nghị quyết 04-NQ/TU về công tác cán bộ giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc. Công tác quy hoạch, thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ đều được thực hiện công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, quy trình.
Thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cử cán bộ đi đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài theo Đề án 165; thực hiện tốt Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc ít người, đề án Tuyển chọn sinh viên, đào tạo lý luận chính trị để cung cấp nguồn cán bộ cấp cơ sở và khu vực miền núi… Với việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ ở cả 3 cấp tăng lên, giúp cấp ủy đảng chủ động trong công tác bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, khắc phục cơ bản tình trạng hụt hẫng cán bộ trên bình diện chung của tỉnh; đồng thời từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong thời gian đến, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ và tạo đột phá trong công tác cán bộ. Trong đó chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về công tác cán bộ của tỉnh. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có năng lực và trình độ, thật sự có tâm và có tầm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ. Bảo đảm nguyên tắc thật sự dân chủ và công khai, minh bạch trong việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ. Hết sức coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học và công nghệ. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Phấn đấu đến năm 2020, có 100% số cán bộ, công chức cấp xã trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên và 90% đối với các xã đồng bằng, 50% đối với các xã miền núi có trình độ đại học; ít nhất 8% số cán bộ, công chức cấp huyện và ít nhất 15% số cán bộ, công chức cấp tỉnh có trình độ sau đại học.
Tôi tin tưởng rằng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác cán bộ của tỉnh sẽ tiếp tục có sự đột phá, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian đến. NGUYÊN ĐOAN (ghi)
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH HUỲNH KHÁNH TOÀN: CHÚ TRỌNG THU HÚT NGƯỜI TÀI
Đánh giá từ thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành đề án Tuyển chọn đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2016 (gọi tắt là Đề án 500). Đề án 500 xác định trong 5 năm (2011 - 2016) tổ chức tuyển chọn 500 người tốt nghiệp đại học với chuyên ngành phù hợp, tuổi đời dưới 30, để đào tạo về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Từ quá trình công tác sẽ xem xét, quy hoạch, bổ sung vào các chức danh cán bộ chủ chốt của Ðảng, chính quyền ở cơ sở. Việc thực hiện Đề án 500 góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức trẻ phục vụ yêu cầu phát triển tỉnh trong giai đoạn mới.
Sát hạch tuyển chọn ứng viên Đề án 500 khóa III - năm 2013. Ảnh: S.TR |
Đến nay, Ban điều hành Đề án 500 của tỉnh đã tuyển sinh được 4 khóa, chọn được 520 học viên. Trong đó, có 3 khóa đã tốt nghiệp ra trường về nhận công tác ở địa phương với 412 học viên. Mặc dù mới bước đầu tiếp cận công việc nhưng các học viên được bố trí về công tác tại địa phương đã phát huy tốt trình độ chuyên môn, năng lực công tác của mình, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kết quả đại hội Đảng cấp cơ sở có 51 cán bộ thuộc diện Đề án 500 trúng cử ban chấp hành, 1 người trúng cử vào ban thường vụ, 5 người được bố trí giữ chức danh phó chủ tịch UBND xã phường, thị trấn. Có thể khẳng định, Đề án 500 của tỉnh đã kịp thời đáp ứng nhu cầu về công tác cán bộ tại cơ sở. Nhiều địa phương đã chủ động xin tuyển thêm cán bộ ngoài chỉ tiêu được phân bổ để cử đi đào tạo trong diện đề án để tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho cơ sở.
Những năm qua, trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, cơ chế, chính sách có liên quan góp phần tạo sự đột phá về công tác cán bộ. Ngoài Đề án 500, có thể kể thêm đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; đề án Đào tạo sau đại học giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; đề án Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức; Quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh trưởng phòng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố của tỉnh; đề án Thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh...
Bước vào giai đoạn phát triển mới, để có thể phát hiện và thu hút người có tài đức vào làm việc ở các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Quảng Nam cần tập trung rà soát lại các cơ chế chính sách, đề án về công tác cán bộ, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm thực hiện hiệu quả. Trong đó, bổ sung, mở rộng và công khai danh mục các ngành, nghề tỉnh đang có nhu cầu. Thu hút, mời gọi những người có trình độ chuyên môn cao, nhất là ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ mà hiện tại tỉnh còn rất thiếu người và ở những đơn vị đặc thù, lĩnh vực đặc biệt nhằm tranh thủ tâm huyết, trí tuệ của họ đối với sự phát triển của Quảng Nam. Cùng với đó, tỉnh chú trọng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để người tài cống hiến, có chế độ đãi ngộ tương xứng cả về vật chất và tinh thần... H.GIANG (ghi)
Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua được toàn đảng bộ đẩy mạnh, trọng tâm là tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Trong đó, công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp được chú trọng, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn Đảng từng bước siết lại kỷ luật, kỷ cương, góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Nhiệm kỳ qua, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp kiểm tra 2.990 lượt tổ chức và 6.257 lượt đảng viên; giám sát chuyên đề 1.978 lượt tổ chức và 3.265 lượt đảng viên theo Điều 30 Điều lệ Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 483 tổ chức đảng và 1.497 lượt đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền 1.237 đảng viên vi phạm với các hình thức: khiển trách 776; cảnh cáo 341; cách chức 38; khai trừ 82. Với quyết tâm làm trong sạch Đảng, nhiệm kỳ qua, bình quân tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch chiếm 77%, tăng 2% so với nghị quyết. Số đảng viên được kết nạp hằng năm tăng cả về số lượng và chất lượng, cả nhiệm kỳ, kết nạp được 17.828 đảng viên, vượt 27,34% so với Nghị quyết Đại hội XX, góp phần xóa thôn trắng đảng viên, tăng tỷ lệ đảng viên giữ vị trí chủ chốt ở thôn, khối phố. |
CẦN “PHÉP THỬ” CHO CÁN BỘ MIỀN NÚI
Hơn 10 năm, kể từ khi Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) được ban hành, công tác cán bộ ở các địa phương miền núi của tỉnh đã có nhiều nét đổi mới, chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Nhìn nhận về công tác này, ông Bh’riu Liếc - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy đã thực sự mở hướng giúp các huyện miền núi làm tốt hơn trong việc đào tạo và sử dụng cán bộ người DTTS, đáp ứng với nhu cầu phát triển của địa phương, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn và nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS toàn tỉnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bh’riu Liếc, đến nay mặc dù chủ trương của nghị quyết rất đúng với thực tế, song khi đi vào cuộc sống, vì nhiều lý do nên việc thực hiện còn không ít bất cập; các sở, ngành của tỉnh tiếp nhận cán bộ miền núi theo tinh thần nghị quyết vẫn chưa đạt, thậm chí một số ngành dọc của tỉnh đóng trên địa bàn miền núi nhưng lại không có người miền núi được tiếp nhận để đảm nhiệm công việc.
- PV: Đó là xét chung về chính sách cán bộ cho khu vực miền núi. Còn riêng với Tây Giang, công tác cán bộ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông Bh’riu Liếc: Ở Tây Giang, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ luôn được quan tâm từ những đối tượng đang là học sinh, sinh viên, những tài năng trẻ ở các địa phương miền núi; hoặc từ nguồn cán bộ xã rút về huyện, từ huyện tăng cường về xã. Đối với những cán bộ từ huyện tăng cường về xã, cùng lúc chúng tôi đề bạt giữ các chức danh chủ chốt tại xã để giúp địa phương có kinh nghiệm trong công tác quản lý lãnh đạo. Sau khi cán bộ tăng cường của huyện rút về, ở xã họ cũng có thể bắt tay vào công việc quản lý ngay mà không bị bỡ ngỡ. Riêng cán bộ nguồn từ sinh viên ra trường chưa bố trí được công việc phù hợp, chúng tôi xây dựng đề án, tạo nguồn cán bộ dự bị tại huyện. Lấy nguồn quỹ “Ươm mầm Tây Giang” để trả lương hàng tháng cho các em và gửi các em đến tập sự tại một số phòng, ban của huyện để làm quen với công việc.
Những năm qua, huyện Tây Giang luôn chú trọng đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và điều động, luân chuyển cán bộ theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “công tác cán bộ giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Nhờ vậy, trong 5 năm qua chúng tôi đã thực hiện luân chuyển, điều động 13 cán cán bộ huyện xuống xã, 5 cán bộ xã về huyện và luân chuyển ngang 47 cán bộ, với 15 cán bộ được đưa đi học sau đại học, 38 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị, cùng nhiều cán bộ cơ sở đang học tại các trường cao đẳng, đại học, nhằm chuẩn hóa cán bộ địa phương. Tây Giang hiện là một trong những huyện miền núi đóng góp nhiều cán bộ lên tỉnh, trong đó có những đồng chí là cán bộ chủ chốt.
- PV: Để công tác đào tạo, sử dụng cán bộ đồng bào DTTS thêm hiệu quả, theo ông tỉnh cần có những chủ trương gì?
- Ông Bh’riu Liếc: Bác Hồ nói: “Cán bộ nào phong trào đó”. Do vậy tỉnh cần quan tâm tiếp nhận thêm nhiều cán bộ miền núi về công tác tại các sở, ban ngành liên quan của tỉnh để trui rèn, cống hiến. Sau một thời gian nhất định, các cán bộ này sẽ được đưa về địa phương miền núi công tác, đảm nhiệm các chức danh chủ chốt ở huyện. Với tinh thần cán bộ nào có thời gian công tác ở xã, ở huyện, rồi lên tỉnh để làm quen trong môi trường mới, kinh nghiệm mới thì cho trở lại miền núi và cơ cấu quy hoạch, bố trí làm cán bộ chủ chốt ở các huyện miền núi. Nếu chưa trải qua như thế thì chưa vội bố trí, đề bạt. Có như vậy, cán bộ miền núi mới không thiếu, không yếu và đảm đương được nhiệm vụ giao phó.
Để tạo điều kiện chuẩn hóa và từng bước nâng cao chất lượng cán bộ ở miền núi, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa chính sách ưu tiên cho con em đồng bào DTTS trong việc học tập, đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc ưu tiên cả trong tiếp nhận, bố trí cán bộ là người DTTS học tập và làm việc tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Đó chính là “phép thử” để cán bộ miền núi có cơ hội được cọ xát trong môi trường làm việc trước khi được đưa về đảm nhận trọng trách quản lý ở các địa phương miền núi, đúng theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy. ALĂNG NGƯỚC (thực hiện)