Khi Đảng lắng nghe dân
Vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định trong lòng quần chúng, được quần chúng ngày càng tin tưởng. Đó là hiệu quả “nhìn thấy” được rất rõ nét ở xã Sơn Viên (Nông Sơn), khi Đảng ủy xã thường xuyên tổ chức trực tiếp đối thoại, lắng nghe dân trong 2 năm qua.
Đảng ủy xã Sơn Viên họp tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Lắng nghe và đáp ứng
Nghe chúng tôi hỏi thăm đường lên đập Hóc Khiết, ông Nguyễn Xuân Diệu (thôn Trung Yên, xã Sơn Viên) tranh thủ “giới thiệu”: “Con đập đó hoàn thành rồi, thân đập bê tông chắc chắn lắm. Thêm mấy tuyến kênh cũng sắp được bê tông hóa. Hóc Khiết vốn là con đập bổi, nhưng khi nhân dân chúng tôi kiến nghị với Đảng ủy xã hồi đầu năm 2012, chưa hết năm ni con đập đã được kiên cố hóa rồi”. Ông Diệu cho biết, đập Hóc Khiết phục vụ tưới chính cho cánh đồng Nà rộng 25ha và các đồng lân cận nhưng là đập đất nên lượng nước thất thoát rất lớn, không thể đảm bảo tưới cho ruộng. Tại diễn đàn lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân do Đảng ủy xã tổ chức vào đầu năm 2012, nhân dân thôn Trung Yên nêu lên vấn đề bức xúc của đập Hóc Khiết. “Hồi đó có nghe các đồng chí lãnh đạo xã có hứa sẽ xin vốn về làm đập, nhưng tâm lý bà con vẫn hoài nghi vì làm đập kiên cố tốn nhiều tiền của lắm. Giờ thì mọi nghi ngờ của chúng tôi đã xóa tan và chúng tôi càng thêm tin tưởng vào sự quyết tâm của Đảng ủy xã khi giúp nhân dân thỏa mãn nhu cầu chính đáng” - ông Diệu nói. Ông Đỗ Tiến Trọng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Viên cho biết: “Sau khi tiếp thu ý kiến của bà con về vấn đề đập Hóc Khiết, chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền kiến nghị với UBND huyện Nông Sơn và được huyện phân bổ 2,1 tỷ đồng từ nguồn vốn 30a để xây dựng công trình này. Đến nay cơ bản đập đã hoàn thành, chỉ còn các kênh dẫn đang trong quá trình thi công và sẽ hoàn thành trước vụ đông xuân 2013 - 2014”.
Về Sơn Viên, chuyện đập Hóc Khiết không phải là duy nhất để chứng minh cho sự gần gũi, luôn lắng nghe và đáp ứng kịp thời những nhu cầu chính đáng từ nhân dân của Đảng ủy xã. Từ khi chia tách năm 2008, thôn Đại An vẫn bị cô lập, nhân dân muốn lưu thông phải đi bằng cầu máng nên mọi việc sản xuất, giao thương, trẻ em đi học... hết sức khó khăn. Sự việc được nhân dân thôn Đại An kiến nghị khiến Đảng ủy xã trăn trở, xác định việc đáp ứng nguyện vọng người dân thôn Đại An là bức thiết. Tranh thủ sự hỗ trợ của huyện, Đảng ủy xã Sơn Viên chỉ đạo chính quyền xã nhanh chóng hoàn thành hồ sơ thiết kế trình UBND huyện phê duyệt. “Đã có tín hiệu vui khi lãnh đạo huyện chấp nhận đề nghị của chúng tôi. Sau khi phân bổ vốn, năm 2014 công trình sẽ khởi công vào khoảng tháng 3.2014 với mặt đường rộng 5m dài 120m” - ông Trọng cho hay. Ở Sơn Viên, công trình kênh Đồng Kè tạo hệ thống tưới tiêu cho 20ha đất lúa với kinh phí xây dựng 850 triệu đồng cũng sắp xong, đáp ứng mong mỏi của người dân thôn Phú Bình Đông. Công trình này được triển khai cũng từ những kiến nghị ở diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân.
“Soi mình” qua lăng kính nhân dân
Theo ông Phan Đức Cẩm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Viên, chính việc sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân đã giúp Đảng ủy xã kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hơn trong công tác chỉ đạo chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm phục vụ, chăm lo cho nhân dân. “Chúng tôi lên kế hoạch tổ chức diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân mỗi năm 2 lần vào đầu năm và giữa năm một cách cụ thể. Đại diện Đảng ủy, Mặt trận và chính quyền xã đều xuống tận từng thôn để nghe nhân dân trình bày ý kiến, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng” - ông Cẩm nói. Như chuyện cấp “sổ đỏ” cho bà con, khi có ý kiến việc này chậm tiến độ, Đảng ủy xã đã vào cuộc chỉ đạo UBND cử cán bộ xuống đo đạc, cắm mốc, hoàn thành thủ tục hồ sơ, rồi nhanh chóng gửi lên huyện để cấp sổ cho các hộ dân. Chỉ một thời gian ngắn, 48 hộ dân trong xã đã có “sổ đỏ”, ai cũng vui vẻ và những người đang chờ cấp “sổ đỏ” cũng hoàn toàn yên tâm. Cũng theo ông Cẩm, việc sinh hoạt chính trị toàn dân cũng là cách để đưa các chủ trương, chính sách, phát luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân nhanh chóng, hiệu quả.
Để thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xã Sơn Viên đặt hòm thư góp ý tại 5/5 thôn của xã. Hằng quý giao cho công an xã và văn phòng ủy ban chịu trách nhiệm mở niêm phong, tổng hợp ý kiến trình thường trực đảng ủy. “Sau khi nhận thư góp ý của nhân dân và xác minh vấn đề, tùy vào từng việc cụ thể, Đảng ủy xã trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho UBND, hội đoàn thể chịu trách nhiệm giải quyết” - ông Cẩm chia sẻ. Cũng từ hòm thư này đã giúp Đảng ủy xã có thêm kênh giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình về việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, mối quan hệ với nhân dân… “Từ những ý kiến đóng góp của nhân dân qua hộp thư, cấp ủy luôn kịp thời có những chỉ đạo chấn chỉnh bộ máy chính quyền ở địa phương để phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Đồng thời, có thêm cơ sở đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch cán bộ” - ông Cẩm nhấn mạnh.
Sau 2 năm triển khai diễn đàn lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân và hòm thư góp ý, xã Sơn Viên đã củng cố thêm sức mạnh nội lực từ nhân dân, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng; kiện toàn khối đoàn kết nội bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sơn Viên là một xã miền núi còn khó khăn, việc sử dụng các kênh lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân về xây dựng Đảng, chính quyền và tranh thủ sự hỗ trợ từ tỉnh, huyện đã giúp cho Đảng ủy xã luôn có những quyết sách, đưa ra những chỉ đạo kịp thời đáp ứng nguyện vọng đời sống người dân, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương.
ĐOÀN ĐẠO