"Làm theo" bằng những điều mộc mạc

THÀNH CÔNG -   ALĂNG NGƯỚC 17/05/2017 11:06

Bằng những việc làm nhỏ nhất, người vùng cao đã thầm lặng đóng góp cho sự đổi thay cho bản làng hôm nay. Với họ, học Bác, là làm theo từ những điều mộc mạc, như chính tấm lòng của đồng bào…

Người dân thôn Bút Tưa chuẩn bị dựng gươl trên mảnh đất do Alăng Dưới - ở thôn Sơn tặng. Ảnh: CÔNG NGƯỚC
Người dân thôn Bút Tưa chuẩn bị dựng gươl trên mảnh đất do Alăng Dưới - ở thôn Sơn tặng. Ảnh: CÔNG NGƯỚC

Tấm lòng người trẻ

Đi ra từ làng, Blúp Hào (30 tuổi, ở thôn R’bhượp, xã A Tiêng, Tây Giang) luôn nuôi dưỡng khát khao sẽ trở về cống hiến sức trẻ cho quê hương. Hành trình gian nan trau dồi vốn kiến thức, với Hào là một thử thách cần thiết để chuẩn bị hành trang cho việc thực hiện ước mơ giản dị ấy ngay trong chính ngôi làng của mình. Tốt nghiệp THPT, Hào tham gia phong trào thiện nguyện ở địa phương, tích cực trong vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, anh đăng ký thi tuyển hệ đại học tại chức chuyên ngành Luật. Cũng trong giai đoạn này, Hào được kết nạp vào Đảng, năm 2010 được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn R’bhượp. Vai trò Bí thư Chi bộ thôn với một người trẻ như Hào đặt ra không ít áp lực, khi bản làng còn nhiều khó khăn, không ít hủ tục đang tồn tại. Vừa phải cân đối quỹ thời gian cho các công việc của một bí thư chi bộ, Hào vừa tranh thủ thời gian để đảm bảo việc học. Trong những lần đi về miền xuôi theo học, anh đặc biệt chú ý tới các mô hình sinh kế, nếp ăn ở vệ sinh khoa học ở một số nơi mà mình đi qua. Nhận thấy lợi ích từ những khác biệt tưởng chừng nhỏ nhặt ấy, Hào tìm cách vận động, tuyên truyền bà con trong làng thay đổi dần thói quen, xây dựng nếp sống mới. “Khi huyện có chủ trương tái bố trí sắp xếp dân cư, mình bàn với các già làng, vận động bà con cùng hiến đất xây dựng mặt bằng, di dời nhà cửa. Từ khi chuyển về nơi ở mới, bà con cũng bắt đầu tự giác thay đổi tập tục, thích nghi với việc ăn ở hợp vệ sinh. Đồng thời một số mô hình sinh kế như khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm,… được bà con thử nghiệm, đem lại hiệu quả cao” - Hào tâm sự.

Cũng như Blúp Hào, trong suy nghĩ của Zơrâm Chôi (39 tuổi) - Bí thư Chi bộ thôn Tà Vàng (xã A Tiêng), muốn đóng góp cho quê hương, trước hết phải xuất phát từ chính gia đình, làng bản của mình. Với ý nghĩ đó, Zơrâm Chôi tích cực vận động bà con họ hàng trong gia đình, xóm giềng cùng chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, làm đường bê tông, áp dụng một số mô hình mới trong sản xuất. Zơrâm Chôi cũng là người tìm hiểu, giới thiệu và cùng với các cấp chính quyền thuyết phục bà con trong làng xây dựng nhà vệ sinh, thay đổi thói quen trong sinh hoạt thường ngày. Bởi Zơrâm Chôi quan niệm, văn hóa khởi nguồn từ mỗi gia đình, bằng những hành động nhỏ nhặt nhất; làm cho chính mình cũng là cách để đóng góp cho bản làng, giúp quê hương ngày càng đổi mới, đi lên. “Ban đầu, những việc làm đó cũng gặp một số trở ngại, do một phần đời sống bà con còn khó khăn, hơn nữa xóa bỏ cách nghĩ, thói quen tồn tại lâu đời không phải là điều dễ dàng. Nhờ mình đi trước, làm trước, nên bà con thấy, tin và làm theo. Mình cũng mạnh dạn trao đổi với các già làng và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó, những đề xuất mới của mình được bà con ủng hộ, chấp thuận dễ dàng hơn” - Zơrâm Chôi bộc bạch.

Ở vùng cao Tây Giang, việc học tập và làm theo gương Bác, đã được bắt nguồn từ những thay đổi giản dị như thế. Chính nhờ các hạt nhân cơ sở như Blúp Hào, Zơrâm Chôi là những tấm gương, tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Từ những bản làng xa xôi, người vùng cao dần đổi thay trong cách nghĩ, nếp sống, lặng thầm làm nên diện mạo khác, từ chính ngôi làng của mình.

Dấu ấn trong lòng dân

Sức lan tỏa từ việc học tập và làm theo gương Bác Hồ ở vùng cao đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Trong số nhiều câu chuyện mà chúng tôi được nghe, được thấy, có một “cổ tích” về tấm lòng của chàng trai Cơ Tu, khi sẵn lòng hiến hơn 200m2 đất trồng cây lâu năm cho… làng khác. Chàng trai ấy là Alăng Dưới (35 tuổi, ở thôn Sơn, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang). Khi người dân làng Bút Tưa lân cận họp bàn dựng gươl, Dưới đã tình nguyện nhường lại mảnh vườn trồng hàng chục cây lòn bon lâu năm của gia đình, để dân làng Bút Tưa có đất dựng gươl. Những ngày này, trên mảnh đất ấy, nhiều thế hệ người Bút Tưa đang cần mẫn cho công đoạn chuẩn bị. Dù không phải người làng Bút Tưa, song với Dưới, ở đâu thì cũng là đồng bào Cơ Tu. “Khi bà con Bút Tưa sang nói chuyện về việc xin đất dựng gươl mới, mình cũng bàn với gia đình rồi đi đến thống nhất đồng ý với đề nghị của bà con làng bên. Vì vốn dĩ người dân hai làng đã thân tình từ lâu, lại vừa kết nghĩa anh em trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Vì thế, hiến đất cho Bút Tưa cũng như đóng góp cho quê hương mình” - anh Dưới chia sẻ. Trưởng thôn Bút Tưa - ông Alăng Phân tâm sự, tấm lòng Alăng Dưới được bà con rất trân trọng, biết ơn. Đây cũng là một dấu ấn đáng quý cho tình đoàn kết anh em giữa 2 làng, thể hiện mối thâm tình, gắn bó của đồng bào Cơ Tu.

Bí thư Chi bộ thôn R’bhượp - Blúp Hào (bên trái) tuyên truyền nếp sống mới cho người dân trong thôn.
Bí thư Chi bộ thôn R’bhượp - Blúp Hào (bên trái) tuyên truyền nếp sống mới cho người dân trong thôn.

Tinh thần “làm theo Bác”, với đồng bào vùng cao, đã xuất phát từ những câu chuyện đầy nhân văn như ở Bút Tưa. Những việc làm ấy còn tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, nhận thức của đồng bào. Điều đó, đã làm nên nhiều kỳ tích cho từng bản làng. Người R’bhượp hôm nay, không còn phải chen chúc trong không gian chật chội ở làng cũ, mà đã xây dựng được một khu dân cư vẫn giữ nét truyền thống nhưng khang trang, sạch đẹp hơn. Bà con nay đã quen dần với việc quét dọn nhà cửa, vườn tược, chăn nuôi gia súc tập trung trong chuồng trại. Từ phương thức canh tác lạc hậu, sống dựa vào nương rẫy, nay nhiều gia đình cùng nhau khai hoang trồng lúa nước, đầu tư chăn nuôi, trồng cao su, trồng rừng. Hay như Tà Vàng, đã trở thành một trong những ngôi làng kiểu mẫu của huyện Tây Giang về xây dựng đời sống văn hóa, bố trí nhà cửa, phát triển sản xuất. Một diện mạo mới đang hình thành, từ các bản làng như thế.

Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng - ông Bh’riu Quân cho hay, cuộc sống của bà con bây giờ đã có nhiều đổi khác. Từ cốt lõi là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở từng thôn, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được quán triệt, triển khai thường xuyên, liên tục thông qua nhiều diễn đàn, đưa vào chương trình hành động của từng chi bộ. Tại các cuộc họp, lãnh đạo địa phương cũng vận động bà con hưởng ứng tinh thần học và làm theo gương Bác bằng các hành động thiết thực, gần gũi với cuộc sống của mình. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương, việc làm điển hình, nhân rộng hiệu quả trong cộng đồng làng, góp sức cho xây dựng nông thôn mới. “Nhiều thế hệ người vùng cao luôn một lòng trung thành với Đảng, với Bác Hồ. Nay, nhờ những cán bộ trẻ năng nổ như Blúp Hào, Zơrâm Chôi mà các chủ trương, đường lối được cụ thể hóa, thiết thực, gần gũi với đời sống của đồng bào. Nhờ đó, thôn bản ngày càng đổi mới, phát triển hơn, các phong trào cũng được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, tạo được chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống cho người vùng cao” - ông Quân nói.
Không chỉ đối với đồng bào Cơ Tu, mà ở nhiều địa phương vùng cao khác, hiệu ứng từ việc học và làm theo gương Bác cũng đã và đang để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong đổi thay của miền núi. Những câu chuyện giản dị về đời sống, tình đoàn kết và quyết tâm phấn đấu vươn lên ở các bản làng vùng cao hôm nay, đang là minh chứng sinh động cho sự lan tỏa mạnh mẽ của hiệu ứng ấy, bằng sự đồng thuận của chính quyền và tấm lòng người dân miền núi.

THÀNH CÔNG -   ALĂNG NGƯỚC

THÀNH CÔNG -   ALĂNG NGƯỚC