Cải thiện năng lực điều hành kinh tế
Xếp hạng 7 (tăng 3 bậc) về PCI năm 2017 cho thấy năng lực điều hành kinh tế của Quảng Nam cải thiện đáng kể, trong đó nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã đem lại hiệu quả và ngày càng lan tỏa.
Chính quyền tỉnh thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Ảnh: T.D |
Những điểm nổi bật
Theo Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, điểm nổi bật được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong điều hành kinh tế của Quảng Nam là môi trường kinh doanh công khai, minh bạch. Chỉ số tính minh bạch đứng thứ 1/10 chỉ số thành phần PCI Quảng Nam 2017 với 6,8 điểm (tăng 0,24 điểm, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành và tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng PCI). Kết quả điều tra cho thấy có đến 86% doanh nghiệp cho biết các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để họ sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ này đã tăng 2 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành, tăng 9 bậc so với năm 2016. Nhiều doanh nghiệp cho biết, khá dễ dàng tiếp cận các tài liệu quy hoạch (kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư) và chỉ số này đạt 2,63 điểm, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra PCI năm 2017 lạc quan và tin cậy hơn vào hệ thống tòa án, các cơ quan của tỉnh. Hầu hết đều cho rằng các thiết chế pháp lý, giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp đã được thực hiện một cách công tâm, nhanh chóng nhất có thể từ phía tòa án. Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đã tăng đến 6 bậc, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành trên bảng xếp hạng PCI. Doanh nghiệp đánh giá, so với các địa phương khác, không có doanh nghiệp nào hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Quảng Nam phải trả tiền “bảo kê” cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn. Tính năng động của chính quyền xếp thứ 7/63 tỉnh, thành (tăng 1 bậc so năm 2016). Thống kê trong vòng 5 năm (2013 - 2017) điểm số của chỉ số này liên tục tăng, thăng hạng, cho thấy chất lượng điều hành kinh tế của Quảng Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Chỉ số tiếp cận đất đai vốn phức tạp, mất điểm liên tục đã bắt đầu có sự cải thiện so với năm 2016 khi xếp thứ 12/63 tỉnh, thành, tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng PCI. Cuộc điều tra đã chỉ ra chỉ còn có 3% doanh nghiệp lo ngại về thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu. Tỷ lệ này thấp nhất cả nước khi xếp thứ 1/63 tỉnh, thành.
Chỉ số chất lượng dịch vụ về đào tạo lao động có sự cải thiện rõ rệt về điểm số và thứ hạng. Chỉ xếp thứ 28/63 tỉnh, thành nhưng đây là chỉ số tăng hạng nhiều nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI Quảng Nam năm 2017 (tăng 11 bậc). Kết quả khảo sát PCI cho thấy chỉ số gia nhập thị trường tăng 1 bậc (11/63) với thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp đã được rút ngắn từ 2 - 3 ngày so với trước đây, bảo đảm đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Động lực cải thiện năng lực điều hành
Những thống kê về các điểm nổi bật của PCI năm 2017 cho thấy năng lực điều hành kinh tế Quảng Nam đã có những bước tiến triển đáng kể. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết chính quyền đã xem PCI như một kênh đối thoại và chính chỉ số này đã tạo sức ép, động lực cho bộ máy cải thiện năng lực điều hành. Chính quyền đã cầu thị, nhìn thẳng, chủ động rà soát, đánh giá lại các thiếu sót (từ hệ thống thủ tục hành chính, nhân lực…), lắng nghe, đối thoại doanh nghiệp thường xuyên, hiểu rõ hơn khó khăn từ hai phía để đưa ra các kế hoạch cụ thể, cung cấp một môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn.
Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay, ngay từ đầu năm 2017, chính quyền Quảng Nam đã ban hành một loạt sáng kiến nhằm giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương lập kế hoạch chi tiết để cải thiện tất cả lĩnh vực PCI có liên quan đến các quy định và thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cắt giảm chi phí, giảm bớt gánh nặng hành chính hoặc hạn chế kiểm tra doanh nghiệp, không để tình trạng chồng chéo kiểm tra. Các chỉ thị, kế hoạch về nâng cao năng lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đã bắt đầu lan tỏa đến các cơ quan công quyền, địa phương. Các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính đã được nắm bắt và giải quyết một cách kịp thời.
Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thực sự nhận ra sự khác biệt của một chính quyền phục vụ từ sự thay đổi này. Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc EMIC HOSPITALITY HỘI AN cho hay dù sức lan tỏa của các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch mới chỉ dừng ở cấp tỉnh, nhưng các kế hoạch hành động cải thiện môi trường đầu tư của Quảng Nam đã cụ thể hơn, đáp ứng được phần lớn mong muốn của doanh nghiệp. Còn theo ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Phước Tiến (đầu tư một dự án du lịch tại Cẩm Nam - Hội An), việc liên tục đưa ra các chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI không chỉ là lời cam kết của chính quyền với doanh nghiệp mà còn là một sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cạnh tranh với các tỉnh, thành cả nước về năng lực điều hành kinh tế. Sự năng động của lãnh đạo tỉnh, việc công khai, minh bạch các quy định, chủ trương, cơ chế, chính sách, cơ hội đầu tư, các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư đều được vận hành khá tốt… Chính điều này đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư chính là yếu tố then chốt tạo nên sự ổn định, minh bạch, bảo đảm tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh tại Quảng Nam, góp phần củng cố lòng tin của doanh nghiệp.
TRỊNH DŨNG