Cải cách thủ tục hành chính: "Cái tâm, cái tầm" vẫn là cốt lõi

TRUNG NGÔN 17/06/2013 08:18

Mục đích của cải cách thủ tục hành chính là loại bỏ những thủ tục không cần thiết, đơn giản quy trình giải quyết hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp... trong các giao dịch hành chính. Tuy nhiên, giao dịch hành chính ở nhiều nơi không được như mong đợi bởi “cái tâm, cái tầm” của người làm công vụ...

Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị... có tốt hay không là do “cái tâm, cái tầm” của cán bộ thực thi công vụ. (Ảnh minh họa) 
Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị... có tốt hay không là do “cái tâm, cái tầm” của cán bộ thực thi công vụ. (Ảnh minh họa) 

“Kẽ hở” quy trình thủ tục

Để giải quyết bất cứ một yêu cầu nào của công dân, người công vụ cũng cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Việc yêu cầu giải quyết của công dân thì “muôn hình vạn trạng”, có việc đòi hỏi thời gian nhiều, có việc đòi hỏi thời gian ít. Tùy theo từng loại việc công dân yêu cầu giải quyết mà thủ tục quy định một khoảng thời gian dài ngắn khác nhau, một cách hợp lý. Thường, khi yêu cầu giải quyết một việc gì người dân ai cũng muốn được giải quyết thật nhanh, càng nhanh càng tốt. Nắm bắt tâm lý này, một số người có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của công dân đã câu lưu kết quả giải quyết (miễn là không vượt quá thời gian quy định) để vòi vĩnh này nọ. Thực tế cho thấy đây chính là “kẽ hở không thể bịt kín” làm người dân chưa thể tránh được phiền hà, nhũng nhiễu. Thậm chí có trường hợp mặc dù thời hạn giải quyết đã hết, kết quả đã có, nhưng người có trách nhiệm vẫn cố tình không giao trả kết quả cho người dân và hẹn đi hẹn lại nhiều lần cho đến khi họ “hiểu ý” mới giao.

“Đẻ” thêm thủ tục phiền hà

Vấn đề này không mới, nhưng vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều nơi tiếp nhận yêu cầu của công dân mà chưa được khắc phục triệt để. Hành vi cụ thể là sau khi xem hồ sơ của công dân, cán bộ “một cửa” không chịu tiếp nhận với lý do là “còn thiếu thủ tục” và yêu cầu công dân bổ sung. Điều đáng nói là những “thủ tục” bị cho là thiếu này là do cán bộ “một cửa” tự “đẻ” ra, không có trong quy định của cơ quan thẩm quyền. Ví dụ như việc xin cấp lại “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do bị mất, cán bộ “một cửa” đòi người dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh đã đưa tin 3 lần trên đài truyền thanh huyện. Có đòi hỏi còn vô lý hơn đã từng xảy ra như việc đòi người đi đăng ký kết hôn với người nước ngoài phải nộp ảnh cưới trước khi giải quyết cho đăng ký. Việc “đẻ” thêm thủ tục nói trên không ngoài mục đích sách nhiễu để người dân phải “biết điều”.

“Một cửa” nhưng nhiều “ổ khóa”

Giao dịch “một cửa” - có nghĩa là trong yêu cầu giải quyết công việc của cá nhân hay tổ chức, cho dù phải qua nhiều công đoạn, nhiều bộ phận, nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau thì cá nhân hay tổ chức vẫn chỉ nộp hồ sơ và nhận kết quả ở một nơi nhất định, gọi là “một cửa” hoặc “một cửa liên thông”. Thế nhưng hiện nay vẫn còn có tình trạng người dân đến chỗ “một cửa” nhưng lại bị vướng nhiều “ổ khóa” mới nhận được kết quả. Theo phản ảnh của một số người, hiện nay tại Sở Tư pháp Quảng Nam, cá nhân đến nộp hồ sơ xin đăng ký kết hôn với người nước ngoài hoặc xin nhận con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài, ngoài việc nộp hồ sơ tại Phòng tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận “Một cửa”), đương sự còn phải qua Phòng Hành chính tư pháp để phỏng vấn, đối với trường hợp đăng ký kết hôn. Các trường hợp khác, sau khi có kết quả cũng phải đến Phòng Hành chính tư pháp để ký nhận vào sổ đăng ký, trước khi trở lại phòng “Một cửa” nhận kết quả do Phòng Hành chính tư pháp chuyển đến.

Những vấn đề vừa nêu trên đây còn gây phiền hà cho người dân. Vì vậy, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị... có tốt hay không là do “cái tâm, cái tầm” của cán bộ thực thi công vụ.

TRUNG NGÔN

TRUNG NGÔN