Điện Bàn đầu tư cho giáo dục
Không những quan tâm nâng cao chất lượng chuyên môn trong giáo dục đào tạo (GD-ĐT), thị xã Điện Bàn còn huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo thực hiện khuyến học - khuyến tài, đầu tư cho cơ sở vật chất để đáp ứng phục vụ nhu cầu dạy học.
Tập trung nguồn lực
Đóng tại địa bàn trung tâm thị xã Điện Bàn, nhiều hạng mục của Trường THCS Quang Trung (thuộc phường Vĩnh Điện) được xây dựng từ những năm 1992 dần xuống cấp theo thời gian, không đảm bảo an toàn.
Thầy Trần Văn Đông - Hiệu trưởng nhà trường không khỏi trăn trở khi cơ sở vật chất không đáp ứng tốt hoạt động dạy - học của 19 lớp với gần 800 em học sinh. Chưa kể, đây sẽ là trở lực để nhà trường giữ chuẩn, đáp ứng các tiêu chí về kiểm định chất lượng giáo dục.
Sau khi kiểm tra thực tế, năm 2019 UBND thị xã Điện Bàn quyết định bố trí kinh phí 6,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một dãy phòng học mới gồm 2 tầng với 10 phòng học đảm bảo tiêu chuẩn Bộ GD-ĐT quy định. Công trình đã kịp thời bàn giao, đưa vào sử dụng trong năm học 2019 - 2020.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn (chủ đầu tư) - ông Dương Tấn Bình cho hay, bên cạnh Trường THCS Quang Trung, đơn vị còn bàn giao 6 dự án khác đều liên quan đến cơ sở vật chất GD-ĐT được đầu tư xây dựng hoàn thành trong năm 2019 tại các trường Tiểu học (TH) Hồ Xuân Phương (phường Điện Nam Đông), TH Nguyễn Thành Ý (xã Điện Phước), THCS Dũng Sỹ Điện Ngọc (phường Điện Ngọc), THCS Điện Nam Đông (phường Điện Nam Đông), Mẫu giáo Điện Ngọc (phường Điện Ngọc) và Mẫu giáo Điện Thọ (xã Điện Thọ) có tổng vốn hơn 33 tỷ đồng.
Được biết kể từ năm 2011, địa phương đã ban hành Đề án phát triển sự nghiệp GD-ĐT, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ưu tiên nguồn lực, kể cả xã hội hóa nhằm kiến thiết cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Chỉ tính vài năm gần đây, thị xã đã xây mới 4 trường THCS tại Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, Điện Nam Bắc và Điện Nam Đông.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, riêng năm học 2018 - 2019 địa phương đầu tư bổ sung cơ sở vật chất trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em cũng như làm việc của cán bộ, giáo viên và nhân viên với 13 công trình gồm có 37 phòng học, 3 phòng phục vụ học tập, 5 phòng hành chính, 5 nhà đa năng. Đáng phấn khởi là các mạnh thường quân tích cực tham gia góp sức cho sự nghiệp giáo dục ở thị xã bằng vật chất trị giá hàng chục tỷ đồng. Quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước ủng hộ 3 tỷ đồng để cấp phát học bổng, khen thưởng, trợ cấp khó khăn cho học trò.
Tiếp tục đầu tư
Những năm gần đây, danh mục dự án đầu tư cơ sở vật chất giáo dục ở Điện Bàn phần nhiều tập trung cho khu vực vùng đông. Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn, ông Trương Công Nên lý giải do dân số cơ học tại các phường ven biển gia tăng rất nhanh, dẫn đến phòng học thiếu trầm trọng. Ngược lại, diện tích đất của một số trường nằm ở khu vực này không đủ cho phát triển cơ sở vật chất, điển hình là Trường TH Phan Ngọc Nhân (phường Điện Nam Bắc). Tại nhiều xã, phường khác, trường học xây dựng lâu năm, phòng học quá chật so với quy định số học sinh/lớp làm ảnh hưởng sức khỏe của học sinh và chất lượng dạy và học. Chính vì vậy, thị xã tiếp tục tập trung nguồn lực để tháo gỡ tồn tại, hạn chế vừa nêu.
Ông Dương Tấn Bình cho biết, đơn vị đã lập thủ tục 9 dự án đầu tư xây dựng thêm, hoặc nâng cấp, sửa chữa về cơ sở vật chất tại 9 trường học với tổng kinh phí gần 67 tỷ đồng, triển khai thi công trong quý I năm nay. Các trường được hưởng lợi gồm có THCS Điện Nam Bắc, TH Văn Thanh Tùng cơ sở 2 (phường Điện Dương), TH Lê Hồng Phong (phường Điện Ngọc), TH Nguyễn Phan Vinh (phường Điện Nam Trung), TH Phạm Như Xương (phường Điện Ngọc), TH Phan Ngọc Nhân, TH Thái Phiên cơ sở 2 (xã Điện Hòa), TH Phạm Phú Thứ (xã Điện Phương), THCS Lê Văn Tám (xã Điện Tiến).
Năm 2020, UBND thị xã Điện Bàn đã đề ra nhóm giải pháp cơ bản nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Theo ông Nguyễn Xuân Hà, địa phương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT. Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách tỉnh kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Thực hiện công tác xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật, trong đó các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải đảm bảo tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Cạnh đó, thị xã sẽ triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2025. Đánh giá việc quản lý sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tại các xã, phường và các cơ sở giáo dục công lập; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ sở giáo dục trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đề xuất mỗi địa phương xây dựng phương án vốn đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, theo hai hướng mở rộng thêm cơ sở giáo dục hiện có hoặc xây dựng mới đảm bảo đủ phòng học và tăng dần tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.