Người trao truyền cảm hứng

XUÂN PHÚ 19/11/2018 02:56

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bích Trâm, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Lê Quý Đôn (Phú Ninh) được xem là người trao truyền ngọn lửa khát vọng sáng tạo cho đồng nghiệp và học trò.

Cô Nguyễn Thị Bích Trâm luôn biết cách làm mới bài giảng để giúp học trò học văn thêm hứng thú. Ảnh: X.P
Cô Nguyễn Thị Bích Trâm luôn biết cách làm mới bài giảng để giúp học trò học văn thêm hứng thú. Ảnh: X.P

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Vi nói đồng nghiệp của mình có năng lực chuyên môn tốt, uy tín rất lớn đối với học sinh và đồng nghiệp, là “giáo viên số một của huyện Phú Ninh”. Cô Trâm đã đoạt nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh đến quốc gia, được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và đặc biệt là danh hiệu Nhà giáo ưu tú của Chủ tịch nước trao tặng. Những phần thưởng ấy phần nào khắc họa nên hình ảnh một cô giáo tâm huyết với nghề, truyền cho học trò và đồng nghiệp khát vọng sáng tạo, đổi mới.

Hết lòng vì học trò, đồng nghiệp

Vào nghề năm 1990 nhưng thời điểm đó thiếu giáo viên (GV) nên cô giáo Trâm được phân công giảng dạy “tạm thời” tại một trường tiểu học. Phải mất 6 năm sau, cô mới được trở lại với đúng chuyên môn của mình: GV dạy môn Ngữ văn bậc THCS. Yêu văn chương và được đào tạo trở thành cô giáo dạy văn nên ít nhiều bị dồn nén cảm xúc nghề nghiệp trong quãng thời gian dạy ở tiểu học, song với cô Trâm đó là giai đoạn để lại nhiều dấu ấn khó quên. Không biết nếu không có quyết định chuyển về dạy văn tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi vào đầu năm học 1996 - 1997 ấy thì có Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bích Trâm như bây giờ? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ngành GD-ĐT huyện Phú Ninh nói riêng, Quảng Nam nói chung sẽ không có được một GV cốt cán của bộ môn Ngữ văn hiện nay.

Mình từng được cô Nguyễn Thị Bích Trâm giúp đỡ đạt danh hiệu GV giỏi cấp tỉnh. Cô giống như một kho tư liệu của trường vậy, ai cần chi cô cũng có thể hỗ trợ. Có thể nói bóng dáng cô Trâm có mặt ở khắp trường khi mọi hoạt động cô đều tham gia rất nhiệt tình. Cô sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp, hết lòng yêu thương học trò, được phụ huynh yêu mến và tin tưởng”.
(Cô giáo Trình Thị Bích Nguyên, GV môn Sinh vật Trường THCS Lê Quý Đôn)

Trường THCS Lê Quý Đôn nơi cô Trâm đang giảng dạy là đơn vị thứ 3 sau Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và THCS Nguyễn Hiền cùng địa bàn huyện Phú Ninh. Có một điểm chung là cả 3 nơi công tác cô đều mang lại không khí dạy và học sôi nổi, giúp nhiều học trò đạt được thành tích cao tại các cuộc thi cấp huyện, tỉnh. Đáng kể nhất là giải Ba quốc gia tại cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 30 năm 2001 của em Nguyễn Thị Duyên (Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) hay giải Ba cấp quốc gia năm học 2013 - 2014 tại cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn vào việc giải quyết tình huống thực tiễn của Nguyễn Thị Tỉnh, Thái Nhật Hà và Nguyễn Nguyên Mẫn (Trường THCS Lê Quý Đôn).

Thành công của nhiều đồng nghiệp cũng có bóng dáng của cô Trâm khi hỗ trợ, giúp đỡ công tác chuyên môn như chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, góp ý, chỉnh sửa cách soạn giáo án điện tử, viết sáng kiến kinh nghiệm, thi dạy học tích hợp. Đến nay, đã có 5 đồng nghiệp cùng và khác trường được cô giúp đỡ đạt danh hiệu GV dạy giỏi, gồm cô Nguyễn Thị Tuyết, Trần Thị Kim Phượng (Trường THCS Phan Tây Hồ), Trình Thị Bích Nguyên, Phan Thị Hà, Huỳnh  Thị  Hồng Vy (Trường THCS  Lê Quý Đôn). “Mình không giúp về kiến thức mà chủ yếu về phương pháp soạn, giảng. Trước đây khi mình còn trẻ cũng được các thầy cô đi trước giúp đỡ rất nhiều nên bây giờ hỗ trợ cho thế hệ sau” - cô Trâm chia sẻ.

Truyền cảm hứng sáng tạo

Đã từng đạt giải nhất quốc gia về dạy học theo chủ đề tích hợp, theo cô Trâm, những người dạy lâu năm, kinh nghiệm nhiều nên có thể lên lớp không cần giáo án. Nhưng việc soạn giáo án giúp họ nghiên cứu, tìm tòi phương pháp dạy học mới. “Soạn giáo án là tổ chức lại cái đã dạy, tìm tòi cái mới, giúp học trò hứng thú, không đặt nặng kiến thức mà giúp cho các em tiếp cận để sau này gặp bất cứ tình huống nào vẫn có thể giải quyết được” - cô Trâm nói. Gần 30 năm trong nghề và đạt được rất nhiều vinh quang song bây giờ, hàng ngày cô Trâm vẫn đều đặn soạn giáo án để bổ sung thêm kiến thức.

Cô Trâm cho rằng, yêu cầu hiện nay khá cao đòi hỏi người thầy phải chuẩn bị giáo án thật kỹ. Trước đây cho học trò ghi chép nhưng bây giờ người thầy làm sao tổ chức cho các em đưa ra ý kiến, tư duy để khám phá tác phẩm văn học. GV không nhất thiết cho học trò học lại cái cũ mà bày các em phương pháp tiếp cận, tổ chức cho các em hoạt động khởi động, vận dụng và mở rộng. Trước kia việc hình thành kiến thức theo kiểu hỏi đến đâu trả lời đến đó, còn nay tổ chức thảo luận theo nhóm rồi sau đó các em trình bày để các bạn nhóm khác phản biện. Dạy học, nhất là môn văn hiện nay phải truyền được cảm hứng cho các em, vì vậy đòi hỏi người thầy không chỉ dạy bằng lý trí mà cả tình thương yêu.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ