Trường Đại học Quảng Nam: Khó tuyển sinh
Sau khi kết thúc tuyển sinh đợt đầu tiên, chỉ có chưa tới 50% sinh viên đại học và gần 15% sinh viên cao đẳng làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Quảng Nam.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Quảng Nam năm 2018. Ảnh: Đ.H.Q.N |
So với chỉ tiêu (CT) tuyển sinh được giao trong năm 2018 (1.040 CT cho các ngành đào tạo đại học và 380 CT cho các ngành đào tạo cao đẳng), kết thúc tuyển sinh đợt 1, Trường Đại học Quảng Nam chỉ tuyển được 465 CT đại học, 50 CT cao đẳng. Như vậy, nhà trường tuyển được chưa tới 50% CT đại học và dưới 15% CT cao đẳng. Ngày 13.8, Trường Đại học Quảng Nam thông báo tuyển bổ sung 575 CT đại học, 330 CT cao đẳng trong 2 đợt: đợt 1 từ nay đến 31.8.2018; đợt 2 từ ngày 3.9 đến 31.12.2018.
Nhiều trường đại học, cao đẳng xét tuyển bổ sung Nhiều trường đại học, cao đẳng ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng thông báo xét tuyển bổ sung. Theo đó, Đại học Đà Nẵng xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia đối với phân hiệu Kon Tum, Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa Giáo dục thể chất với tổng cộng 250 CT; xét tuyển học bạ vào Trường Đại học sư phạm, Đại học sư phạm kỹ thuật, Phân hiệu Kon Tum, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa Giáo dục thể chất với tổng cộng 902 CT. Trường Đại học Duy Tân tuyển 800 CT vào tất cả ngành đào tạo của trường theo kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển theo kết quả học bạ THPT vào tất cả ngành, ngoại trừ ngành dược, bác sĩ đa khoa và bác sĩ răng hàm mặt. Trường Đại học Phan Châu Trinh tuyển 171 CT vào tất cả các ngành. Năm 2018, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam tuyển sinh 650 CT cao đẳng và 150 CT trung cấp và nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2. Năm 2018, hệ cao đẳng Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật tuyển 700 CT và chia làm 4 đợt tuyển sinh. |
Công tác tuyển sinh nói chung, tuyển sinh vào các ngành sư phạm nói riêng gặp khó khăn là tình hình chung của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước năm 2018, trong đó có Trường Đại học Quảng Nam. Nhất là từ năm 2018, sư phạm là ngành duy nhất được Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn. Theo đó, mức điểm tối thiểu các tổ hợp xét tuyển vào đại học sư phạm là 17 điểm; cao đẳng sư phạm là 15 điểm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Trường Đại học Quảng Nam), quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các ngành đào tạo giáo viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng sinh viên. Tuy nhiên, do yêu cầu cao ở đầu vào (về học lực, về điểm trúng tuyển) nhưng ít cơ hội cho đầu ra (sinh viên sư phạm lại khó xin việc làm) nên thí sinh ít nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm. Với các địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Nam, sư phạm là một trong những ngành được yêu thích do người học được miễn học phí, nhưng năm nay không nhiều thí sinh đạt yêu cầu về điểm đầu vào và xếp loại học lực để đăng ký vào ngành sư phạm.
Bà Kim Thoa cho biết, Trường Đại học Quảng Nam là trường đào tạo đa ngành, đa cấp và đa hệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà trường chủ yếu tuyển sinh đào tạo ngành sư phạm. Và ngành đào tạo thu hút nhiều sinh viên của nhà trường nhất là sư phạm tiểu học và sư phạm mầm non thì năm nay, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép tuyển 45 CT sư phạm mầm non, 20 CT sư phạm tiểu học. Đến nay 2 ngành này cơ bản đã tuyển đủ CT nên không thông báo tuyển bổ sung. Trong khi các ngành khác còn thiếu nhiều CT và tiếp tục chờ các đợt tuyển sinh tiếp theo. Đối với 4 ngành không tuyển được CT nào trong đợt 1 (đại học sư phạm Sinh, sư phạm Vật lý và cử nhân Vật lý, cử nhân bảo vệ thực vật) nhà trường sẽ không tuyển bổ sung.
Ở bậc cao đẳng, công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn hơn. Bà Kim Thoa cho rằng, hiện nay thí sinh có xu hướng ít theo học cao đẳng mà chủ yếu theo học đại học, hoặc là làm công nhân. Kết thúc đợt 1, một số ngành đào tạo cao đẳng của Trường Đại học Quảng Nam nhận được chưa tới 10 hồ sơ. Và cũng có 2 ngành chưa có hồ sơ nào đó là sư phạm Vật lý và sư phạm Toán và nhà trường cũng không tuyển bổ sung 2 ngành này.
CHÂU NỮ