Nhiều mô hình có tính ứng dụng cao
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Nam đã bước sang năm thứ 11. Suốt 10 năm qua, nhiều ý tưởng, mô hình mang tính ứng dụng thiết thực đã có mặt trong đời sống. Năm nay cũng không ngoại lệ: các mô hình ngoài sự sáng tạo độc đáo, còn có thể ứng dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày.
Ban giám khảo đánh giá và xét chọn các mô hình, sản phẩm. Ảnh: HÀ MY |
Chặng đường 10 năm
Trải qua 10 năm tổ chức cuộc thi đã có nhiều dấu ấn đáng nhớ. Tổng kết cuộc thi cấp tỉnh qua 10 năm, ban tổ chức nhận được 1.508 mô hình, sản phẩm của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Từ đây, những ý tưởng được đánh giá cao tuyển chọn dự thi toàn quốc và có 34 mô hình, sản phẩm đoạt giải toàn quốc; 3 mô hình, sản phẩm đoạt giải tại cuộc thi sáng tạo trẻ quốc tế IEYI (2 giải bạc, 1 giải đồng).
Cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích cho thiếu niên nhi đồng trong những dịp hè. Quan trọng hơn là từ cuộc thi đã phát hiện ra những em có năng khiếu thực sự trong sáng chế, biết hiện thực hóa ý tưởng thành những mô hình nhỏ nhưng có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nhiều em khi còn độ tuổi là học sinh nay đã trưởng thành và đang bước tiếp trên con đường học tập, nghiên cứu tại các trường đại học trong và ngoài nước như em: Lê Minh Triết (lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kỳ) hiện là sinh viên năm 2 tại Trường Đại học Quốc tế TP.Hồ Chí Minh; em Thủy Ngọc Cảnh (cựu học sinh Trường THPT Tiểu La, Thăng Bình) hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế đối ngoại TP.Hồ Chí Minh; em Đoàn Lê Công Khang (cựu học sinh Trường THCS Quang Trung, Tiên Phước) hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, em Nguyễn Thành Phi (cựu học sinh Trường THCS Huỳnh Thị Lựu - Hội An) hiện là sinh viên năm 4 Trường Đại học Washington - Hoa Kỳ...
Có em hiện công tác tại nước ngoài và trong nước: Dương Quốc Tín (cựu học sinh THCS Lý Tự Trọng, Tam Kỳ) hiện là kỹ sư bảo mật tại Singapore, em Calisa (cựu học sinh THPT Bắc Trà My) hiện là kỹ sư công nghệ thông tin tại VietinBank - chi nhánh TP.Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, có em sau khi tốt nghiệp đại học đã mở công ty trên tinh thần khởi nghiệp sáng tạo khá thành công như hai anh em Thủy Ngọc Phong, Thủy Ngọc Cảnh (cựu học sinh THPT Tiểu La, Thăng Bình) với thương hiệu Công ty in lụa Robowin tại TP.Hồ Chí Minh chuyên chế tạo và cung cấp máy in lụa cho thị trường.
Bước sang tuổi mới
Bước sang lần thứ 11, Cuộc thi năm 2018 có 15 huyện, thị xã, thành phố với 228 đề tài, mô hình, sản phẩm tham gia; nổi bật là huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước với nhiều mô hình, sản phẩm có tính ứng dụng tốt.
Qua sơ tuyển đã có 157 đề tài mô hình, sản phẩm được chấm chọn ở các hội đồng chuyên ngành 5 lĩnh vực: lĩnh vực phần mềm tin học (7 mô hình, sản phẩm); lĩnh vực đồ dùng học tập (18 mô hình, sản phẩm); lĩnh vực thân thiện với môi trường (33 mô hình, sản phẩm); dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em (66 mô hình, sản phẩm); bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế (33 mô hình, sản phẩm).
Em Nguyễn Phúc Huy, lớp 7/1 Trường THCS Lê Quý Đôn, Thăng Bình thuyết minh về “Máy cấp thức ăn tự động cho tôm, cá”.Ảnh: HÀ MY |
Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Các Hội KHKT tỉnh cho hay, điểm mới của cuộc thi năm nay lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em được các em quan tâm nhiều, mang hơi hướng tin học hóa của thời đại 4.0. Các mô hình ngoài sự sáng tạo độc đáo, còn có thể ứng dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày.
“Có thể kể đến các đề tài “Máy cấp thức ăn tự động cho tôm cá” của em Nguyễn Phúc Huy (lớp 7/1 Trường THCS Lê Quý Đôn, Thăng Bình); “Bình diện phân” của nhóm tác giả gồm Lê Khắc Tường An, Đặng Mai Thy, Nguyễn Văn Hoàng và Dương Triệu Vỹ (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; “Phần mềm quan sát các quá trình ở thực vật mức tế bào” của em Đặng Công Ảnh (Trường THPT Núi Thành); “Phần mềm dạy và học NTD Semmaphore (version 2.0 và 3.0)” của em Trần Ngọc Huy (Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Thăng Bình); “Máy phơi đồ tự động tránh mưa” của nhóm tác giả Võ Nhật Hưng, Bùi Ngọc Tú và Nguyễn Ngọc Huy (Trường THCS Nguyễn Huệ, Đại Lộc); “Mô hình nạp điện cho xe đạp điện bằng năng lượng mặt trời” của em Nguyễn Hùng Cường, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Phú Ninh...” - ông Dũng liệt kê.
“Qua một vài năm tham gia thẩm định các đề tài mô hình, sản phẩm của các em dự thi, tôi thấy năm này các em có khởi sắc trong ý tưởng sáng tạo đặc biệt là khi làm dụng cụ học tập thì các em biết tận dụng những phương tiện đơn giản như phế liệu bỏ đi bởi đây là yêu cầu của cuộc thi, như mô hình “Bình điện phân” là một ý tưởng sáng tạo mới, thực hiện đúng nguyên lý Vật lý tạo sự thích thú và dễ hình dung trong học tập” - thầy Nguyễn Hữu Thiện, thành viên Ban giám khảo cho biết.
LỮ ĐINH HÀ MY