Trường học chủ động phòng ngừa

CHÂU NỮ 22/05/2018 09:43

Quảng Nam là vùng thường xuyên chịu tác động xấu của thời tiết bởi ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên công tác phòng chống thiên tai (PCTT) luôn được ngành GD-ĐT chú trọng.

Trường Tiểu học Sơn Viên (Nông Sơn) tập huấn phòng tránh thiên tai và an toàn đuối nước cho học sinh. Ảnh: THIÊN THU
Trường Tiểu học Sơn Viên (Nông Sơn) tập huấn phòng tránh thiên tai và an toàn đuối nước cho học sinh. Ảnh: THIÊN THU

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, một trong những hoạt động quan trọng của công tác PCTT là giáo dục phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tai nạn thương tích cho học sinh, nhất là vấn đề đuối nước. Trước khi kết thúc năm học, sở có văn bản chỉ đạo các trường nhắc nhở học trò tuyệt đối không tắm sông suối khi không có người lớn đi kèm; đồng thời có công văn chỉ đạo các trường giảm học thêm, tăng cường khuyến khích học trò học bơi trong dịp hè. Năm học 2016-2017 toàn ngành giáo dục đã tập huấn bơi an toàn, kỹ năng sơ cấp cứu, phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu cho hơn 8.600 học sinh... “Đối với trường học, cơ sở giáo dục xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão, sở yêu cầu phòng GD-ĐT và các trường khẩn trương báo cáo để khắc phục, sửa chữa trong hè. Ở khu vực miền núi, sở cũng cảnh báo giáo viên và học sinh đề phòng dông tố, lốc xoáy xảy ra vào mùa hè” - ông Quốc nói.

Cô Nguyễn Thị Kim Liên - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Đông Giang) cho biết, hàng năm trường đều thành lập và củng cố ban phòng chống lụt bão, năm học 2017 - 2018 nhà trường còn tổ chức hội thảo về giảm nhẹ tai nạn thương tích cho học sinh. Qua đó, học sinh có ý thức hơn trong việc PCTT, rủi ro tai nạn; giảm tắm sông suối và không để tai nạn đuối nước xảy ra. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, thầy cô giáo nhà trường và cán bộ thôn tổ chức đưa học sinh qua những đoạn bị ngập hoặc cho học sinh nghỉ học nếu nước ngập sâu.

Còn cô Đặng Thị Thiên Thu - giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Sơn Viên (Nông Sơn) cho biết, do trường ở vị trí thấp lụt nên trước khi mùa mưa lũ đến trường phải di dời công cụ, dụng cụ lên tầng lầu và chủ động ràng buộc, chằng chống; thường xuyên giáo dục học sinh cách tự bảo vệ mình...

Tại Tam Kỳ, Phòng GD-ĐT thành phố chỉ đạo các trường xây dựng phương án PCTT tùy tình hình cụ thể của từng trường. “Quan điểm của ngành giáo dục Tam Kỳ là “phòng” quan trọng hơn “chống”, và chú trọng việc phòng, ngay cả khi chưa có dấu hiệu của thiên tai” - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, Trần Ngọc Sơn nói.

Trong khi đó, do nằm ở vùng “rốn lũ” nên hàng năm, các trường ở huyện Đại Lộc thường tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão để trang bị kỹ năng thích ứng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường. Ngay cả Trường THCS Phù Đổng dù không nằm trong vùng thấp lụt cũng thành lập đội xung kích để kịp thời triển khai các phương án ứng phó nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra...

Tương tự, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh duy trì và củng cố đội thanh, thiếu niên xung kích từ 5 đến 10 người ở chi hội chữ thập đỏ trường học; hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, thảm họa và tuyên truyền cho học sinh biết cách tự bảo vệ mình khi có thiên tai xảy ra…

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ