Dấu ấn ngôi trường vùng ven
Nằm ở địa bàn “quê nhiều hơn phố” song Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) đã nỗ lực tạo dấu ấn riêng trên bước đường 20 năm xây dựng và phát triển.
Từ trường tạm đến trường chuẩn
Nếu ai lần đầu tiên đến thăm Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, có lẽ ấn tượng đầu tiên là một không gian sư phạm đúng nghĩa “xanh - sạch - đẹp”. Trường vừa tròn 20 năm thành lập mà cứ ngỡ đã có tuổi ba bốn chục năm bởi sân trường rợp bóng cây xanh. Thầy Hiệu trưởng Phan Văn Dung cho biết, trong quá trình phát triển, nhà trường luôn quan tâm đến việc tạo dựng cảnh quan sư phạm, coi đây là một trong những nền tảng hình thành “trường học thân thiện”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Và để có được diện mạo khang trang như hiện nay, ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã trải qua một giai đoạn không ít gian khó.
Năm 1997, cùng với sự kiện tái lập tỉnh Quảng Nam, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã được thành lập (vào tháng 6.1997) và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm học 1997-1998. Việc ra đời ngôi trường THCS mang lại niềm vui cũng như đáp ứng mong mỏi bao lâu nay của các bậc phụ huynh ở 2 địa phương là phường Trường Xuân và xã Tam Ngọc. Nhờ ngôi trường này, học sinh (HS) ở đây chấm dứt cảnh phải đi học khá xa khi xuống Trường THCS Lý Tự Trọng (phường An Xuân) hay sang Trường THCS Phan Tây Hồ (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh hiện nay). Dù vậy, lo lắng cũng nhanh chóng ập đến khi trường mới nhưng cơ sở cũ, tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ. Trường có 10 lớp nhưng chỉ gồm 7 phòng cấp 4, trong đó 4 phòng học cũ có từ trước, việc dạy và học, tổ chức các hoạt động sẽ ra sao? Rồi nỗi lo tình trạng “cha chung không ai khóc” khi nằm trên địa bàn phường Trường Xuân nhưng trường là của chung của phường Trường Xuân và xã Tam Ngọc? Tuy nhiên, với tinh thần “tất cả vì HS thân yêu”, toàn thể Hội đồng sư phạm nhường phòng làm việc để lấy chỗ cho HS học; thầy cô giáo tự nguyện không nghỉ ngày Chủ nhật để tham gia dạy phụ đạo học sinh… đã tạo ra không khí phấn chấn cho toàn trường. Cùng với đó, nỗi lo “cha chung” sớm được giải tỏa khi cả 2 địa phương tỏ ra khá tích cực, cùng vào cuộc trong việc mở rộng diện tích, vận động xã hội hóa sự đóng góp của người dân, nhà hảo tâm và đầu tư xây dựng trường chuẩn.
Chính nỗ lực tự thân của tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường, sự quan tâm “việc học là việc chung” của địa phương cùng với sự đầu tư hỗ trợ của thành phố đã giúp cho bộ mặt nhà trường có những bước phát triển tương đối nhanh chóng. Năm 2006, dự án đầu tư mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa bắt đầu được triển khai. Đến năm học 2009-2010, giai đoạn 2 của dự án hoàn thành giúp trường có được cơ ngơi khá khang trang với 2 dãy phòng học tầng, đáp ứng yêu cầu học tập của hơn 1.000 HS. Và điều đáng mừng hơn, chỉ sau hơn 10 năm thành lập, mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của nhà trường đã trở thành hiện thực. Không những vậy, niềm vinh dự tiếp tục đến với trường khi năm 2012 được UBND tỉnh kiểm tra công nhận và là đơn vị đầu tiên của Tam Kỳ đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp độ III.
Dấu ấn chất lượng
Song song với đầu tư cơ sở vật chất khang trang, việc nâng cao chất lượng giáo dục để khẳng định mình luôn được nhà trường quan tâm. Theo thầy Hiệu trưởng Phan Văn Dung, để thực hiện điều đó, nhà trường bắt đầu từ những công việc quen thuộc như đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy đến kiểm tra, đánh giá… một cách cụ thể, sát thực tế chứ không chung chung, hình thức. Cạnh đó, trường duy trì thường xuyên, có nền nếp các biện pháp nâng cao chất lượng khác như tổ chức “đôi bạn học tập”, “đọc và làm theo sách báo”, truy bài đầu buổi, phụ đạo HS yếu, tổ chức hoạt động ngoại khóa... Quyết tâm đó đã giúp cho nhà trường có được kết quả tích cực. Là ngôi trường vùng ven, tuy nhiên những năm gần đây, cái tên Huỳnh Thúc Kháng đã xuất hiện trong tốp những trường có thành tích dạy và học tốt nhất của TP.Tam Kỳ. HS trường Huỳnh Thúc Kháng cũng đã có mặt tại nhiều cuộc thi HS giỏi cấp thành phố, tỉnh và cả quốc gia, giành được nhiều giải thưởng cao. Gần nhất là năm học 2016-2017, các em HS đã làm rạng danh cho nhà trường khi đem về 128 giải thưởng, trong đó đáng chú ý có 3 giải cấp quốc gia và 15 giải cấp tỉnh. Với thành quả xuất sắc trong năm học qua, trường vinh dự nhận Cờ thi đua dẫn đầu khối THCS toàn thành phố và được thành phố đề nghị UBND tỉnh tặng cờ thi đua.
Cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp ở Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Là một trong những người đầu tiên gắn bó với trường, thầy Hiệu trưởng Phan Văn Dung cho rằng, việc ra đời Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần vào sự nghiệp trồng người của TP.Tam Kỳ nói chung, phường Trường Xuân và xã Tam Ngọc nói riêng. Điều quan trọng hơn, sau 20 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã tạo được dấu ấn rõ nét trên bản đồ giáo dục TP.Tam Kỳ, xứng đáng với danh tiếng nhà chí sĩ yêu nước tài năng và đức độ mà trường vinh dự mang tên. Có được thành quả như ngày hôm nay nhờ sự đồng lòng, chung sức, nỗ lực vượt qua khó khăn của các thầy cô giáo nhiều thế hệ. Hiện trường có 59 cán bộ, giáo viên thì hơn 86% có trình độ trên chuẩn và đây thật sự là vốn quý cho công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục có hiệu quả. Cũng không thể không nhắc đến tinh thần hiếu học, sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương đối với thành công của nhà trường.
“Kết quả có được hôm nay là điều đáng trân trọng và tự hào, tạo sự an tâm cho các bậc phụ huynh, nhưng toàn thể Hội đồng sư phạm vẫn không thỏa mãn. Chặng đường 20 năm qua với những thành quả đạt được chỉ là bước đầu và còn khá khiêm tốn. Chúng tôi vẫn còn nhiều trăn trở như cơ sở vật chất còn thiếu, chất lượng giáo dục ở một số bộ môn chưa cao. Phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để tạo chuyển biến toàn diện, sâu sắc mới đáp ứng lòng mong mỏi, sự tin yêu của phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp dạy chữ, dạy làm người cho thế hệ trẻ. Kỷ niệm 20 năm thành lập là dịp để toàn thể Hội đồng sư phạm nhìn lại, là cột mốc để nhà trường chuyển sang trang mới với những mục tiêu mới” - Hiệu trưởng Phan Văn Dung chia sẻ.
XUÂN PHÚ