Tấm lòng người thầy vùng cao

HOÀNG LIÊN 08/12/2016 08:36

Sau giờ lên lớp, thầy cô giáo vùng cao xã A Xan (Tây Giang) lại xắn tay thái rau, nuôi heo hay chuyện các em mồ côi gọi Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My) là “ba Đường” khiến nhiều người xúc động.

Cải thiện bữa ăn

Chuyện những người gieo chữ nơi Trường Phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở (PTDTBT - THCS) Lý Tự Trọng ở xã vùng cao A Xan (Tây Giang) chung tay trồng mớ rau, nuôi con gà, con vịt, con heo để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho trẻ vốn đã được nhiều người nhắc đến. Rời bục giảng, thầy cô, những người cấp dưỡng của trường cùng chung tay đảm trách việc thái rau, nấu cám, cho đàn heo ăn. Và mỗi năm, 3 lứa xuất bán, mỗi lứa hơn 20 chục con với vài chục triệu đồng thu về sẽ là nguồn cải thiện chất lượng bữa ăn của trẻ, chăm lo đời sống cho thầy trò và bổ sung vào quỹ khuyến học của trường… Thầy Nguyễn Viết Trường - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Phong trào tăng gia sản xuất đã là truyền thống của trường này rồi. Chúng tôi, thế hệ kế nhiệm  tiếp tục phát huy để mỗi bữa ăn của trẻ có thêm ít rau, cá, thịt. Bởi lẽ các em phần lớn có đời sống khó khăn, vận động các em đến trường được là đã mừng rồi. Nói là bán trú song thực chất các em nội trú hoàn toàn từ thứ Hai tới Chủ nhật, chỉ một số ít các em ở gần mới về nhà”.

Học sinh Trường PTDTBT-THCS Lý Tự Trọng trong giờ thể dục. Ảnh: H. Liên
Học sinh Trường PTDTBT-THCS Lý Tự Trọng trong giờ thể dục. Ảnh: H. Liên

Mỗi năm, trường có khoảng 280 học sinh thuộc 4 khối lớp 6, 7, 8, 9, đến từ xã A Xan và một phần của xã lân cận thì có tới 229 em nội trú tại chỗ. Thành ra, tất tần tật, từ miếng ăn, giấc ngủ, từng cuốn tập, cuốn sách cho tới những nhu yếu phẩm cũng đều do nhà trường lo là chính. Với trẻ vùng cao các xã A Xan, Ga Ri, từ lâu, trường đã trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ. Bên cạnh sự  hỗ trợ của nhà nước về chế độ bán trú cho học sinh theo Quyết định 116 của Chính phủ là cấp 15kg gạo/em/tháng và tiền bán trú, ngoài sự “hậu thuẫn” từ nhà trường, hàng chục đoàn từ thiện đến với trường, mang theo nhu yếu phẩm phục vụ trẻ như quần áo, sữa, dụng cụ học tập… nên nhọc nhằn cũng giảm đáng kể. “Chất lượng học của các em gần đây có phần được cải thiện, chúng tôi cố gắng bồi đắp cho các em những nội dung kiến thức tốt nhất có thể. Bên cạnh những em tiếp thu chậm, vẫn có rất nhiều trẻ nắm bắt rất tốt. Năm học vừa rồi, toàn trường có 70 học sinh khá giỏi” - thầy Trường nói.

Đàn heo, sản phẩm từ mô hình tăng gia sản xuất của Trường Lý Tự Trọng là nguồn cải thiện bữa ăn và đời sống của trẻ.
Đàn heo, sản phẩm từ mô hình tăng gia sản xuất của Trường Lý Tự Trọng là nguồn cải thiện bữa ăn và đời sống của trẻ.

Thầy Trường kể, có những đợt mưa to, lũ về đột ngột, đường sá sạt lở chia cắt lâu dài, nguồn sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt cũng đã giúp thầy trò vượt qua những ngày tháng đó. Hay những dịp lễ, liên hoan của thầy và trò, do kinh phí nhà trường khó khăn nên “cây nhà lá vườn” cũng mang đến niềm vui của ngôi trường vùng cao. Vì vậy, cứ mỗi lứa heo bán đi, thầy cô nơi đây lại lặn lội xuống trung tâm mua giống, mua phụ phẩm, rau để gầy nuôi lứa kế tiếp. Khu vực tăng gia nằm cách xa trường, được vệ sinh sạch sẽ, cẩn thận, đầu tư hầm biogas kiên cố nên đảm bảo vệ sinh môi trường. “Thầy cô như là cha, là mẹ của trẻ, không chỉ dạy chữ, chúng tôi còn có nghĩa vụ dạy trẻ nên người. Từ đội ngũ cấp dưỡng cho tới những thầy cô đứng lớp, chúng tôi thành lập tổ quản lý bán trú, từng tổ sẽ đảm trách những việc cụ thể, làm sao đó cho trẻ ăn chu đáo, được nghỉ ngơi, học tập một cách khoa học. Hàng đêm, đúng giờ học bài, các thầy cô đứng lớp sẽ theo dõi và kèm cặp trẻ học” - thầy Trường tâm sự.

Nuôi trò mồ côi

Với thầy Lý Văn Đường - Hiệu trưởng Trường TH Trà Cang, ngót nghét 20 năm gắn bó vùng cao này, đều không quên mỗi đứa trẻ với mỗi số phận được nhà trường đón về. Không dưng mà bọn trẻ nơi đây hằng ngày đều gọi ông với hai từ thân thương, trìu mến “ba Đường”. Từ 5 đến 10 đứa trẻ mồ côi do nhà trường cưu mang, nhiều năm nay, số trẻ được cưu mang tăng dần lên tới 30 trẻ. Trong số những trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, có những trường hợp cả hai, ba, bốn trẻ là anh chị em ruột được cưu mang tại trường. Đơn cử như hai chị em Hồ Thị Điểu và Hồ Văn Nghêu; hay bốn anh em Hồ Văn Lơm (lớp 9), Hồ Văn Lơn (lớp 7) và Hồ Văn Lẻo, Hồ Văn Lở (cùng học lớp 6)… Mỗi đứa trẻ có mỗi hoàn cảnh, xuất thân khác nhau và cơ duyên đến với trường đều cũng là mỗi kỷ niệm, được các thầy cô nơi đây nhớ như in. Nhà trường còn lập danh sách, hồ sơ của trẻ mồ côi hẳn hoi. Lần giở danh sách trẻ, ký ức thầy Đường ùa về những xót xa…

Câu chuyện những người thầy trên “mái nhà chung” - Trường Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My) chắt chiu từng đồng lương, từng cân gạo để nuôi học sinh mồ côi khiến cộng đồng cảm động. Nơi “rẻo cao”, nhiều thầy, cô phải vất vả xuống tận bản làng để vận động trẻ tới trường vốn đã trở thành chuyện thường ngày. Song, đó chưa phải là vấn đề, mà gian nan nhất là số phận, tương lai của những trẻ mồ côi không nơi nương tựa, đến từ những câu chuyện thương tâm ở những bản làng. Những đứa trẻ ấy may mắn được những thầy cô che chở, nâng bước, đảm bảo cái ăn, cái mặc và không phải bỏ học giữa chừng.

Với thầy Lý Văn Đường - Hiệu trưởng Trường TH Trà Cang, ngót nghét 20 năm gắn bó vùng cao này, đều không quên mỗi đứa trẻ với mỗi số phận được nhà trường đón về. Không dưng mà bọn trẻ nơi đây hằng ngày đều gọi ông với hai từ thân thương, trìu mến “ba Đường”. Từ 5  đến 10 đứa trẻ mồ côi do nhà trường cưu mang, nhiều năm nay, số trẻ được cưu mang tăng dần lên tới 30 trẻ. Trong số những trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, có những trường hợp cả hai, ba, bốn trẻ là anh chị em ruột được cưu mang tại trường. Đơn cử như hai chị em Hồ Thị Điểu và Hồ Văn Nghêu; hay bốn anh em Hồ Văn Lơm (lớp 9), Hồ Văn Lơn (lớp 7) và Hồ Văn Lẻo, Hồ Văn Lở (cùng học lớp 6)… Mỗi đứa trẻ có mỗi hoàn cảnh, xuất thân khác nhau và cơ duyên đến với trường đều là những kỷ niệm, được các thầy cô nơi đây nhớ như in. Nhà trường còn lập danh sách, hồ sơ của trẻ mồ côi hẳn hoi. Lần giở danh sách trẻ, ký ức thầy Đường ùa về những xót xa… Cụ thể như, ba đứa trẻ mồ côi Hồ Thị V. (lớp 6), Hồ Văn V. (lớp 1), đứa nhỏ nhất là Hồ Thị V. ở tuổi mẫu giáo, có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Cha mẹ các em là Hồ Văn C. và Hồ Thị T, thôn 2, xã Trà Cang do cuộc sống khốn khó, bệnh tật đã kéo nhau vào rừng ăn lá ngón, bỏ lại con nhỏ bơ vơ. Ngoài ra, trẻ mồ côi đến với trường còn thuộc trường hợp cha mẹ trẻ bệnh tật hiểm nghèo qua đời. Có những thầy cô tự nhận trẻ về nhà để nuôi nấng, chăm sóc, như thể là con mình rứt ruột đẻ ra.

Cả chục năm rồi, mái ấm này đã cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Từ chỗ là những chòi lá lợp tôn tạm bợ, trường học nay đã khang trang. Nơi đây, những mảnh đời bất hạnh được che chở, an ủi phần nào bởi những “ba mẹ nuôi” ở trường. Không chỉ gieo con chữ, các thầy cô còn phải trang bị cho trẻ nào là áo quần, tập sách, miếng ăn, lo từng giấc ngủ, xoa dịu nỗi đau của trẻ. Hàng ngày, mỗi thầy cô giáo trích tiền lương ủng hộ nhằm cải thiện bữa ăn cho trẻ với đầy đủ cá, rau. Quần áo cho các em được mạnh thường quân tình nguyện dưới xuôi lên cho. Các thầy cô Trường TH Trà Cang, nhiều người công tác đã 20 năm hay chục năm, gắn bó với vùng đất này ngay từ những ngày gian nan, chưa có đường sá ngược xuôi như bây giờ. Những nỗi nhọc nhằn của đời giáo viên cắm bản cứ lớn lên. Phong trào “con nuôi nhà trường” của Trường TH Trà Cang được cấp trên đánh giá cao và xứng đáng để nhiều nơi học tập. Song, tự thẳm sâu của những người thầy, cô giáo cắm bản, có lẽ những ưu tư cũng sẽ bớt nặng trĩu khi chừng nào trẻ em, học sinh vùng cao có cuộc sống tốt đẹp hơn và không còn những đứa trẻ bơ vơ, tội nghiệp lìa xa cha mẹ, lăn lóc nơi bìa rừng.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN