Vịn học trò đứng dậy
Cô là Lê Thị Hoa Mận, 41 tuổi, giáo viên dạy văn của Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) nhờ ân tình học trò mà có thêm niềm tin để chống chọi bệnh tật, trở lại bục giảng.
Năm 2011, khi con gái của đồng nghiệp mắc lupus ban đỏ bị bệnh viện trả về trong vô vọng; cô Mận với những biểu hiện của căn bệnh này vội vào bệnh viện da liễu ở Sài Gòn kiểm tra. Sau 2 tháng ròng rã tại bệnh viện, cô suy sụp khi cầm trên tay kết luận mắc chứng lupus ban đỏ. Thời điểm này, vợ chồng cô Mận đang làm nhà. “Nghĩ sẽ chết, nên thôi thì dành tiền ấy làm nhà để sau này chồng con còn có chỗ chui ra chui vào” - cô Mận kể. Thế mà người ta kháo nhau rằng, cô Mận nhận tiền ủng hộ không chịu chữa bệnh, mà để làm nhà. Bệnh tật thì giày vò. Mắt bỗng dưng không thấy đường. Tóc thì rụng hết. Giờ lại thêm lời gièm pha đó, khiến cô Mận bị trầm cảm nặng, có một thời gian phải nằm ở bệnh viện tâm thần. Quãng thời gian này, không ít lần cô tìm đến cái chết, may mà được can ngăn. Chồng cô Mận, một kỹ sư bằng đỏ và tay nghề khá nên có công việc ổn định. Nhưng sau một năm tất tả ngược xuôi lo cho vợ, anh bị mất việc. Gửi 2 đứa con nhỏ cho người cháu trông nom, anh làm mọi việc kiếm tiền thuốc thang lo cho vợ.
Nhờ tình thương của học trò, cô Mận đã chiến thắng bệnh tật và trở lại trường để dạy học. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Có bệnh vái tứ phương, nghe ai mách có thầy thuốc hay cô đều tìm đến. Từ Tây y đến Đông y, nhờ những người trị bệnh có tâm cùng những bài thuốc dân gian, không ngờ bệnh cô Mận thuyên giảm phần nào. Chưa kể, chính tình yêu thương của học trò cũng là một trong những nhân tố khơi mầm sống trong cô. “Hồi nằm viện ở Sài Gòn, học trò khi ấy đã là sinh viên, kéo đến thăm và thay nhau chăm sóc cô. Có em ở lại, chong đèn học. Thiếp đi vì mệt, giật mình tỉnh giấc, thấy học trò còn ngồi học bài, thương rớt nước mắt. Khi xuất viện về nhà, học trò thường xuyên lui tới thăm hỏi, đứa thì đi chợ, đứa nấu ăn, đứa giặt đồ. Có thời điểm tôi trầm cảm nặng, sợ đông người và tiếng ồn nên đã nhiều lần đuổi học trò về. Khoảng năm 2012 - 2013, bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm, có lúc tôi đã nhờ học trò chăm sóc cho các con nếu lỡ có “đi xa” và họ đã đồng ý” - cô Mận nhớ lại.
Có lẽ, “bước ngoặt” để cô Mận từ bỏ hẳn những suy nghĩ tiêu cực là lúc cô nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam. Khi ấy, trong đoàn sinh viên y khoa về thực tập, có cô học trò cũ ngoài giờ thực tập theo quy định “đòi” chăm sóc, tắm rửa cho cô. Thêm nữa, một học trò cũ công tác tại Công an huyện Đại Lộc, ngoài giờ trực là đến bệnh viện xoa bóp tay chân cho cô. Từ đấy, cô có thêm động lực để nghĩ về những điều tươi sáng. Vịn thương yêu từ học trò, cô hồi sinh kỳ diệu. Và hạnh phúc hơn, khi cô lại khoác bộ áo dài đứng trên bục giảng. Cô kể, mình đã đi dạy lại được khoảng một năm. Riêng năm nay, cô dạy tương đối đầy đủ, chỉ bỏ duy nhất buổi chiều. “Mình cũng không ngờ, có đứa từng là học sinh cá biệt, vậy mà nghe mình ốm đau, nó tới lui thường xuyên để thăm hỏi, chăm sóc” - cô Mận xúc động. Và suốt thời gian nói chuyện, rất nhiều lần, cô khẳng định, nếu không có những học trò thương yêu mình như thế, thì cô đã không chiến thắng được bệnh tật!
XUÂN THỌ