Công nhân lao động thời hội nhập - Bài cuối: Giải pháp cho chất lượng

DIỄM LỆ 29/10/2019 11:17

Chất lượng và cơ cấu lao động (LĐ) vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Đào tạo nhân lực cho dự án trọng điểm, xuất khẩu LĐ, hợp tác đào tạo... đã và đang được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh.

Hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là giải pháp trước mắt cho câu chuyện nhân lực sử dụng được công nghệ theo yêu cầu. Ảnh: D.L
Hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là giải pháp trước mắt cho câu chuyện nhân lực sử dụng được công nghệ theo yêu cầu. Ảnh: D.L

Nhìn nhận điểm nghẽn

Nhìn nhận những điểm yếu và tiếp thu góp ý từ các doanh nghiệp (DN) là cách Quảng Nam đang thực hiện, nhằm nhận diện toàn cảnh về nguồn nhân lực của tỉnh, từ đó có chiến lược đào tạo bài bản, lâu dài. Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, công tác phát triển nguồn nhân lực của Quảng Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo của tỉnh còn hơn 40%, số lượng LĐ được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số LĐ được đào tạo hằng năm; vẫn còn tình trạng LĐ được đào tạo chưa đáp ứng ngay được nhu cầu của DN. Đặc biệt, LĐ đào tạo cho các ngành nghề theo nhu cầu hội nhập hiện nay ta chưa đáp ứng được. Các trường nghề chỉ đào tạo kiến thức cơ bản, còn đáp ứng theo công nghệ hiện đại chỉ có cách kết hợp với DN.

Ông Huỳnh Công Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam cho biết, khi DN sử dụng máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại, các trường nghề hiện nay không thể theo kịp vì không có kinh phí mua sắm máy móc phù hợp để đào tạo. Thế nên nhà trường đào tạo LĐ cũng chỉ có thể đáp ứng yêu cầu cơ bản của DN. Nếu muốn LĐ vào DN làm việc được, bắt buộc nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với DN để đưa LĐ đi thực tế, thực tập, làm quen với máy móc hiện đại. Nếu không làm được khâu này, LĐ của nhà trường đào tạo ra khó cung ứng được cho DN, chứ chưa dám nói đến nhân lực chất lượng cao.

Về công tác đào tạo, theo ông Vũ Quang Hiếu - Trưởng phòng Nhân sự Khu  nghỉ mát ven sông Phố Hội, việc tuyên truyền của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải sâu rộng và cụ thể từng vấn đề, làm thế nào để toàn xã hội nhận thức được rằng hiện nay DN đang rất cần lực lượng LĐ kỹ thuật có tay nghề. Đồng thời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng chất lượng đào tạo gắn với DN. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, mở rộng cơ hội thực hành nghề nghiệp cho người học nghề. Bởi khi hợp tác như thế, chúng tôi có được nguồn LĐ chất lượng để khi tiếp nhận vào làm việc sẽ đỡ tốn thời gian đào tạo lại. Còn các trường nghề cũng đào tạo được nhân lực chất lượng, mở cơ hội việc làm cho người học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc liên kết đào tạo giúp cả ba bên là DN, cơ sở dạy nghề, người LĐ cùng có lợi” - ông Hiếu nói.

Đi từng bước

Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa Quảng Nam cơ bản thành tỉnh công nghiệp, việc phát triển nguồn nhân lực là một yêu cầu bức thiết của tỉnh trong tình hình hiện nay. Tại Kết luận Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 (khóa XXI), phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được xác định là một trong 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2016 - 2020 (cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và cải thiện môi trường đầu tư). Trong phát triển nguồn nhân lực, công tác giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng. Những định hướng phát triển, những cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư cho cơ sở đào tạo nghề… đã được xác định cụ thể, tạo được những cơ sở, điều kiện vững chắc và hướng đi phù hợp cho giáo dục nghề nghiệp phát triển. Hằng năm có khoảng 35 nghìn LĐ của tỉnh được đào tạo nghề là kết quả của những bước đi ban đầu. Số LĐ này đã đáp ứng được nguồn LĐ phổ thông cũng như một số bộ phận kỹ thuật tại DN.

Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc miền núi tỉnh chia sẻ: “Sợ nhất là tâm lý an phận thủ thường, không chịu học hỏi của người LĐ. Vấn đề thiếu thiết bị đào tạo, máy móc không theo kịp DN thì có thể khắc phục được bằng cách phối hợp đôi bên. Nhà trường cần DN nhưng ngược lại DN cũng cần nhà trường cung ứng nguồn LĐ. Thế nên sự phấn đấu tự thân ở mỗi người LĐ trong quá trình học nghề là rất cần thiết. Mỗi cơ sở dạy nghề, mỗi giáo viên đào tạo nghề cũng như một tuyên truyền viên vậy, từng bước thay đổi tâm lý của người LĐ, khuyến khích họ chịu khó học hỏi, đặc biệt là học hỏi ở DN trong quá trình thực tập nghề. Từ đó mới tích lũy được thêm kinh nghiệm, phục vụ cho công việc sau này của mỗi người”.

Đào tạo những nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gắn với nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN nhằm giải quyết trước mắt nhu cầu LĐ phổ thông của DN. Còn về lâu dài, một chiến lược bài bản đào tạo nhân lực cần phải được tính đến. Ông Nguyễn Thùy cho biết, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo theo hướng kiểm soát đầu ra (chất lượng đào tạo và việc làm sau đào tạo); gắn kết giữa nhà trường và DN ngay từ khâu xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nhằm đảm bảo lực lượng LĐ đáp ứng được ngay yêu cầu của DN; ngành nghề đào tạo phải theo yêu cầu của thị trường LĐ chứ không dựa trên năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo. Tỉnh cũng đang thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nhiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 19 của Trung ương và Chương trình số 15 của Tỉnh ủy; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề, khuyến khích và tạo điều kiện cho DN tham gia đào tạo LĐ.

Trong tất cả ngành nghề đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh như may mặc, giày da, cơ khí, công nghệ ô tô, cơ giới hóa nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... đều cần đến nguồn nhân lực chất lượng. Muốn có được nguồn nhân lực này, từng bước đi nhỏ của từng cơ sở đào tạo nghề theo hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi sẽ giải quyết một phần câu chuyện thiếu máy móc, thiết bị đào tạo nghề hiện đại.

DIỄM LỆ